Từ vỏ trái quất, nhóm sinh viên đã tạo ra những chiếc muỗng an toàn cho sức khỏe người dùng và giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chủ nhân của những chiếc muỗng nhựa sinh học làm từ vỏ trái quất (trái tắc) này là nhóm sinh viên Trường Đại học FPT gồm: Nguyễn Mai Vinh, Dương Nguyễn Tuyết Trinh, Trần Thị Bích Trâm, Dương Thị Thảo Như và Võ Phước Huy.
Mai Vinh, đại diện nhóm, cho rằng hiện nay các sản phẩm nhựa sử dụng một lần không được xử lý để lại hậu quả rất lớn cho môi trường và còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng do hấp thụ các hạt vi nhựa. Nhóm cũng nhận thấy vỏ quất ở địa phương có khá nhiều nhưng chưa được tận dụng. Chính vì vậy, các bạn nảy ra ý tưởng nghiên cứu tạo hạt nhựa sinh học từ vỏ quất. Sản phẩm này sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng và góp phần bảo vệ môi trường.
Quy trình tạo nên một chiếc muỗng nhựa sinh học từ vỏ quất khá phức tạp do cần phải đảm bảo tỷ lệ cellulose (một loại chất xơ không hòa tan tạo khung cho tế bào thực vật) của vỏ quất trong suốt quá trình sản xuất. “Đầu tiên, tụi mình tiến hành sơ chế vỏ quất, sau đó sấy khô, pha chế với chất hóa dẻo glyceron và một số nguyên liệu khác”, Vinh chia sẻ.
“Nhóm có nguồn cung nguyên liệu dồi dào từ thị trường nông sản tại địa phương, vì vậy nếu sản phẩm được đưa ra thị trường giá sẽ chỉ cao hơn các sản phẩm nhựa sử dụng một lần khoảng 30%. Nếu nhóm tìm được doanh nghiệp hợp tác sản xuất số lượng lớn, giá có thể sẽ giảm hơn nữa”, Vinh nói.
Nói về những ưu điểm nổi trội của muỗng nhựa sinh học, Mai Vinh cho biết: “Đầu tiên, sản phẩm có thể đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng bởi không dùng các hóa chất độc hại. Được làm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, khi sản phẩm tiếp xúc với các loại thực phẩm nóng sẽ không sản sinh ra bất cứ chất gây hại nào”.
Đại diện nhóm cũng cho biết muỗng nhựa sinh học hoàn toàn thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy 100% trong khoảng 3 tháng. “Sản phẩm còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Cụ thể là mục tiêu số 8 (Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững), 12 (Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững), 13 (Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai)”, Vinh cho biết thêm.
Trong tương lai, Vinh cho biết nhóm sẽ tiếp tục phát triển để hoàn thiện sản phẩm và đăng ký sở hữu trí tuệ, đồng thời thương mại hóa sản phẩm. Không chỉ dừng lại ở việc làm muỗng nhựa sinh học, nhóm sẽ tận dụng loại vật liệu này để làm các loại sản phẩm khác như chén, nĩa, dĩa…
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Luân, Chủ nhiệm Bộ môn khởi nghiệp, Trường ĐH FPT – Cần Thơ, chia sẻ: “Tôi đánh giá khá cao dự án này. Các sinh viên đã quan tâm nghiên cứu nông sản ở địa phương, tận dụng nguồn nguyên liệu đó để khởi nghiệp đem lại giá trị kinh tế, đặc biệt góp phần giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường. Với việc không dừng lại ở muỗng nhựa, mà tương lai còn là cả hệ sinh thái vật dụng làm từ vật liệu mới này, thì đây là dự án rất tiềm năng”.
Theo Báo Thanh Niên