Với chủ đề “Mưu cầu hạnh phúc trong thời đại số”, vòng chung kết cuộc thi NCKH HSSV FPT Edu Research Festival 2023 quy tụ nhiều đề tài nghiên cứu khoa học lấy cảm hứng từ chính nhu cầu hạnh phúc của con người trong đời sống. Những nghiên cứu này được các đội thi phân tích dưới góc độ thực tế, sáng tạo.
Cùng điểm qua những đề tài đến từ Sinh viên Đại học FPT nhé!
Đề tài: “Intersectionality in the news: Recognizing current transgender women representations in Vietnamese online newspapers (VNExpress, Thanh nien, Dan tri)”
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào sử dụng cách tiếp cận của lý thuyết liên tầng trong việc nghiên cứu mối quan hệ có tính biện chứng giữa quyền lực truyền thông và những trải nghiệm cá nhân trong việc thể hiện bản sắc cá nhân tại các nhóm thiểu số, cụ thể trong nghiên cứu này là người chuyển giới nữ.
Do đó, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này dựa trên những lập luận về tính liên tầng và phân tích diễn ngôn phê bình để tìm hiểu thêm về cách hình ảnh người chuyển giới nữ đang được kiến tạo như thế nào trong các bản tin trực tuyến tại Việt Nam. Bằng cách phân tích diễn ngôn truyền thông trong 118 bài báo được thu thập từ ba tờ báo lớn, bao gồm Vnexpress, Dân Trí và Thanh Niên, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sự trình diện của người chuyển giới nữ trong các bản tin trực tuyến của Việt Nam thể hiện sự giao thoa của những đặc quyền, tập trung chủ yếu vào những người đáp ứng được phù hợp với những tiêu chuẩn về cái đẹp của xã hội và những người đạt được sự thành công trong sự nghiệp.
Các bài viết thường sử dụng nhiều tuyến câu truyện cùng lúc để khiến nội dung hấp dẫn. Các bài báo thường sử dụng những biện pháp tu từ như “Trở thành phụ nữ đích thực sau cuộc phẫu thuật chuyển giới”; “Nữ hoàng sắc đẹp”; “Cái kết có hậu cho một câu chuyện tình yêu” và “Cuộc sống đang ngày càng tốt đẹp hơn: hành trình theo đuổi hạnh phúc” để miêu tả về danh tính và những trải nghiệm của những người chuyển giới nữ.
Thông qua khảo sát trực tuyến về dư luận (278 người), phỏng vấn sâu phụ nữ chuyển giới (10 người) và một số nhà báo (6 người), đồng thời phân tích các phần bình luận ở dưới các bài báo đã chọn, nhóm tác giả phát hiện ra rằng những câu chuyện có tính phổ biến này trong những tin tức trực tuyến bằng tiếng Việt có thể tạo ra những định kiến, những áp lực không đáng có, và những rào cản trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của người chuyển giới nữ.
Đề tài: “Effects of TikTok Influencers on the purchase intention of Generation Z towards the cosmetic industry in Ho Chi Minh City”
Nghiên cứu này hướng đến việc tìm hiểu những người có ảnh hưởng (Influencers) trên TikTok ảnh hưởng như thế nào đến ý định mua hàng của Gen Z đối với các sản phẩm mỹ phẩm tại TP. HCM. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu mối quan hệ giữa uy tín của những Influencers, sức hấp dẫn về mặt hình thể, chuyên môn, quan hệ xã hội, niềm tin của khách hàng, giới tính tới ý định mua hàng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin khách hàng và đặc điểm của Influencers tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng
Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, thu thập dữ liệu thông qua một bảng hỏi, sau đó phân tích dữ liệu bằng SPSS. Từ kết quả được phân tích đó, nhóm tác giả tiếp tục đưa ra đánh giá mối quan hệ giữa đặc điểm của Influencers và niềm tin của khách hàng với quyết định mua hàng của họ.
Theo kết quả của cuộc khảo sát thu thập được trong nghiên cứu, tất cả những đặc điểm sau của Influencers: uy tín, sức hấp dẫn hình thể, chuyên môn và mối quan hệ xã hội đều có tác động tích cực đến quyết định mua hàng của Gen Z. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có sự khác biệt trong quyết định mua hàng của các khách hàng mang giới tính khác nhau.
Từ đó, kết quả của nghiên cứu cũng cung cấp những thông tin có giá trị cho các nhà tiếp thị ngành mỹ phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển các chiến lược tiếp thị có ảnh hưởng hiệu quả cho người tiêu dùng Gen Z.
Đề tài “Explainable Deep Learning Models with Gradient-weighted Class Activation Mapping for Smart Farming”
Hệ thống canh tác thông minh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đã có nhiều nghiên cứu về việc sử dụng các hệ thống IoT, mô hình học sâu, trí tuệ nhân tạo, hệ thống web và di động trong canh tác thông minh. Tuy nhiên, chỉ một số nghiên cứu sử dụng Trí tuệ nhân tạo đã được giải thích để xây dựng hệ thống. Trong nghiên cứu này, đội FS 370 tập trung xây dựng và đánh giá các mô hình học sâu như ResNet50, Xception, ResNet50V2, EfficientNetV2, InceptionV3, VGG16, DenseNet201, MobileNets, MobileNetV2, RegNetX002, NasNetMobile và InceptionResNetV2 dựa trên bộ dữ liệu canh tác giống cây cà chua được nhóm tác giả bổ sung (VegNet dataset).
Kết quả cho thấy độ chính xác trong dự đoán của MobileNets cao, nhưng kết quả của EfficientNetV2 và Xception đáng tin cậy hơn khi sử dụng Grad-CAM để đánh giá. Tuy nhiên, mô hình MobileNetV2 là mô hình có độ tin cậy cao nhất.
Dựa trên kết quả đánh giá, nghiên cứu sử dụng 2 mô hình tốt nhất là MobileNets và MobileNetV2 kết hợp với YOLOv5 để đánh giá độ chính xác trong việc phát hiện, đánh giá và đếm số lượng cà chua theo đặc tính sinh học trên bộ dữ liệu video tự thu thập (CanthoFarm dataset).
Từ đó, nghiên cứu đã cho một số kết quả: Sử dụng XAI để đánh giá lại độ chính xác của kết quả nhận dạng mô hình DL; Ứng dụng nghiên cứu so sánh kết quả xây dựng hệ thống kết hợp với YOLO (Sử dụng MobileNetV2 cho kết quả có độ chính xác cao khi sử dụng XAI, và MobileNes có tỉ lệ chính xác cao nhưng tỉ lệ trùng khớp đặc trưng thấp khi sử dụng XAI trên bộ dữ liệu CanthoFarm; Xây dựng hệ thống SmartFarming đếm số lượng cà chua theo đặc tính sinh học, kèm theo hệ thống có thể diễn giải kết quả dựa trên con người; Bộ dữ liệu hình ảnh đặc tính sinh học của cà chua và bộ dữ liệu video về cà chua để nhận diện đối tượng nghiên cứu trong môi trường nhà kính.
Đề tài: “Exploring the Potential of ChatGPT for Sustainable use in Educational purposes: Investigating the Impact of Knowledge Management Factors on Student Satisfaction”
Chatbot là một công cụ ngày càng phổ biến trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là sau sự xuất hiện của các chatbot tiên tiến như Chat GPT. Những công cụ này đã thu hút sự quan tâm của công chúng với việc sử dụng chúng một cách bền vững và nâng cao sự hài lòng trong giáo dục của sinh viên.
Do vậy, ở nghiên cứu này, nhóm tác giả hướng tới mục đích điều tra sự ảnh hưởng của các yếu tố quản trị tri thức đối với việc ứng dụng ChatGPT một cách bền vững cho mục đích giáo dục, đồng thời đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên với chatbot dựa trên công cụ AI này.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng đã xác định được các yếu tố quản trị tri thức quan trọng ảnh hưởng đáng kể đến sự hài lòng của sinh viên và việc sử dụng ChatGPT bền vững. Từ đó, đội thi đưa ra các đề xuất để tích hợp lâu dài ứng dụng này vào giáo dục.
Những dữ liệu thu thập được thông qua khảo sát dựa trên mẫu đại diện gồm 513 sinh viên Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ, sau đó được phân tích bằng kỹ thuật PLS-SEM. Kết quả thu được đã chứng thực cho hầu hết các giả thuyết của nghiên cứu, cũng cho thấy tác động tích cực của công cụ ChatGPT đối với sự hài lòng và ứng dụng bền vững trong giáo dục của sinh viên.
Ngoài ra, việc tiếp thu kiến thức có tác động đáng kể đến sự hài lòng và sử dụng bền vững, trong khi việc chia sẻ và ứng dụng kiến thức chỉ ảnh hưởng đến sự hài lòng. Bằng cách tìm hiểu các yếu tố chính ảnh hưởng đến cả sự thành công và hài lòng của sinh viên khi sử dụng ChatGPT, các nhà giáo dục và tổ chức có thể tận dụng tốt hơn công nghệ này để nâng cao trải nghiệm học tập một cách tổng thể.
Theo FPT Edu