Trường Đại học FPT

Những hội thảo khoa học mang dấu ấn Đại học FPT

“Trường nhà F đã và đang triển khai những chính sách nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, sinh viên FPT. Một trong số đó là việc tổ chức các hội thảo nghiên cứu khoa học chất lượng” anh Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng Đại học FPT, chia sẻ.

Thành công rực rỡ của Pacling mới đây nói riêng và các hội thảo khoa học do FPT Education tổ chức nói chung đã thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong trường, đồng thời khẳng định vị thế của trường đối với cộng đồng học thuật thế giới.

Cùng điểm lại những hội thảo khoa học đáng chú ý từng được tổ chức bởi FPT Education:

Đầu tiên là FPT Educamp. Đây là sự kiện nhằm kết nối các giảng viên, các chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. GS. Phạm Hùng Qúy, FPT Education, cho rằng, Educamp là diễn đàn giao lưu, chia sẻ tri thức và ý tưởng nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục FPT nói riêng và Việt Nam nói chung.

Kể từ năm 2014 đến nay, Educamp đã được tổ chức tới mùa thứ 5. Hội thảo Educamp hàng năm đều mang đến những chủ đề thiết thực và hữu ích với nền giáo dục hiện tại. Cụ thể, Educamp 2014 có chủ đề: “Đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Educamp 2015 mang đến đề tài “Vận hành tổ chức giáo dục”. Năm 2016, Educamp bàn về “Hướng tới chuẩn quốc tế trong trong tổ chức giáo dục”. Năm 2017, sự kiện có chủ đề “Tự học và trải nghiệm”. Educamp gần nhất được tổ chức vào tháng 11/2018 với chủ đề “Trường học 4.0”. Đặc biệt, Educamp 2018 đã đạt kỷ lục về số lượng bài tham luận với 52 báo cáo được gửi về.

Với chủ đề thời sự và cách đổi mới hình thức tổ chức, Educamp 2018 đã thu hút hơn 300 người tham dự. Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, nhận xét: “Một trường đại học không thể không có học thuật, và Educamp là cách để nâng cao tính học thuật của Tổ chức giáo dục FPT. Tôi hy vọng Educamp sẽ dẫn dắt để Tổ chức giáo dục FPT trở thành một trong những tổ chức giáo dục 4.0 hàng đầu thế giới”.

Educamp là diễn đàn chia sẻ tri thức và ý tưởng nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam.

Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học hướng đến mục tiêu khuyến khích và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới sinh viên, giúp sinh viên sớm ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tế. Đồng thời, hội nghị cũng tạo cơ hội cho sinh viên FPT báo cáo kết quả nghiên cứu với nhà trường.Tiếp theo, Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học cũng thu hút sự chú ý của đông đảo sinh viên trong nhà trường. Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học toàn FPT Education được tổ chức đầu tiên vào năm 2018. Trong đó, riêng ĐH FPT cơ sở TP HCM đã tổ chức Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học được 5 năm, kể từ lần đầu vào năm 2014.

Sau lần đầu tiên tổ chức với quy mô toàn FPT Education, hội nghị đã thu hút gần 30 báo cáo của các sinh viên khắp các khóa. GS. Phạm Hùng Quý đánh giá: “Hội nghị giống như khóa học đặc biệt mà nhà trường thiết kế riêng cho sinh viên Đại học FPT. Tại đây, các bạn vừa là người học, vừa là người nghiên cứu, đồng thời vừa là người sử dụng các kết quả nghiên cứu đó vào thực tế”.

Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học 2018 đã thu hút gần 30 báo cáo của sinh viên các khóa.

Sự kiện Research Festival với mục đích khá giống Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học nhưng có mô hình đa dạng và hấp dẫn hơn. Được tổ chức lần đầu vào tháng 8 năm nay, sự kiện bao gồm 2 hoạt động chính là Summer School và cuộc thi IoT Showcase Contest. Trong đó, người tham dự sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với những nhà khoa học hàng đầu tại Summer School. Còn ở cuộc thi IoT Showcase Contest, điểm thu hút nằm ở chất lượng của các sản phẩm tham gia dự thi.

Research Festival 2019 quy tụ rất nhiều sản phẩm khoa học độc đáo.

Research Festival là sự kiện giúp các sinh viên trong và ngoài nước tiếp xúc và học hỏi lẫn nhau. Trương Minh Giang – trưởng nhóm nghiên cứu đạt giải Nhất tại Research Festival chia sẻ:“Research Festival nói chung và IoT Showcase Contest nói riêng là một cuộc thi rất thú vị với sinh viên ngành công nghệ thông tin. Đây là cơ hội để tôi kiểm tra năng lực bản thân và có thêm những trải nghiệm thú vị. Tại đây, được đọ sức với các sinh viên trong khối giáo dục FPT và các sinh viên quốc tế, tôi đã có thêm nhiều những kinh nghiệm quý giá”.Chung cuộc, 3 sinh viên Đại học FPT (Hà Nội) đã giành giải quán quân với sản phẩm điều khiển thiết bị trong nhà bằng tiếng Việt mang tên Doraemon. Tổng giá trị giải thưởng là 1.000 đô-la.

Và Hội nghị Pacling lần thứ 16 vừa qua chính là một trong những hội nghị khoa học quốc tế lớn nhất được tổ chức bởi FPT Education. Hội nghị có gần 100 nhà khoa học trong nước và quốc tế tới tham dự. Với khoảng 40 báo cáo xoay quanh lĩnh vực xử lý ngôn ngữ được gửi về, Pacling năm nay là Pacling nhận được nhiều báo cáo nhất trong lịch sử. Đồng thời đây cũng là Pacling đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

2 giải thưởng cao nhất là Báo cáo xuất sắc nhất và Báo cáo sinh viên xuất sắc nhất đã lần lượt được trao cho chị Mengru Wang, Viện nghiên cứu Hitachi, Đài Loan, và anh Hayahide Yamagishi, sinh viên Đại học Tokyo Metropolitan, Nhật Bản.

Pacling là hội nghị về ngôn ngữ học máy tính uy tín nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Anh Trần Đức Chung, FPT Education – một trong 4 chuyên gia FPT diễn thuyết nhận xét Pacling là hội nghị quốc tế lớn nhất mà anh từng tham dự tại Việt Nam. Hội nghị là cơ hội quý báu để anh chia sẻ những kiến thức về ngôn ngữ học máy tính, đồng thời tiếp thu ý kiến từ các nhà khoa học đầu ngành để chuẩn bị cho hướng nghiên cứu sau này. FPT có 4 đại diện tham gia diễn thuyết tại Pacling 2019. Những báo cáo chuyên sâu của người nhà F đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu tại hội nghị. Có thể nói, năng lực nghiên cứu khoa học của người FPT nói riêng và Việt Nam nói chung đang dần hoàn thiện và phát triển, ngày một tiệm cận với năng lực nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế.

Theo chungta.vn

Exit mobile version