Trường Đại học FPT

Những thông điệp sâu sắc đằng sau MV “Cho con là người Việt Nam”

Không chỉ gây ấn tượng bởi giai điệu hào hùng và lời rap mạnh mẽ, MV còn ẩn chứa nhiều chi tiết thú vị, khơi gợi lòng tự hào dân tộc và những suy ngẫm về lịch sử, văn hóa Việt Nam.  

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), MV Cho con là người Việt Nam đã ra mắt như một lời tri ân tới lịch sử hào hùng dân tộc và gửi gắm khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ Việt Nam. MV để lại cảm xúc mạnh mẽ cho người xem về cả giai điệu và hình ảnh ẩn dụ sâu sắc. 

Những con số tái hiện dấu son lịch sử

Trong suốt gần 6 phút của MV, có tổng cộng 1.975 lá cờ đỏ sao vàng lần lượt xuất hiện, gợi nhắc về mốc son lịch sử 30/4/1975 – Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi lá cờ như một biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, một trong những hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ là cảnh hai nghệ sĩ chơi đàn tranh và sáo trúc là chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 huyền thoại. Đây là một trong hai chiếc xe tăng đầu tiên thuộc Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 đã dũng mãnh húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Hình ảnh chiếc xe tăng đã gợi nhắc đến khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc trong ngày đất nước thống nhất, là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của hòa bình mà cha ông ta đã đổ bao xương máu để giành lấy.

Chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 xuất hiện trong MV.
Chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 xuất hiện trong MV.

Một chi tiết thú vị khác trong MV là khoảnh khắc lá cờ Việt Nam được hơn 400 diễn viên ghép hoàn thiện ở giây thứ 304 (tức 5 phút 4 giây). Con số 304 một lần nữa gợi nhắc về ngày 30/4, thể hiện sự trân trọng đối với cột mốc lịch sử quan trọng này. Khoảnh khắc lá cờ xuất hiện như một biểu tượng cho sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và niềm tự hào về một Việt Nam độc lập, tự do.

Hình ảnh lá cờ xuất hiện ở giây thứ 304 trong MV.

Sự xuất hiện của những cựu chiến binh trong MV cũng là điểm nhấn gây xúc động, kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Họ là những chứng nhân sống động của lịch sử, những người đã chiến đấu quên mình, góp phần viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. 

Cùng với đó, MV có sự tham gia của hơn 1.300 học sinh, sinh viên và cán bộ giảng viên Khối Giáo dục FPT, khẳng định vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong việc lan tỏa tinh thần yêu nước, góp phần định hình hình ảnh một Việt Nam hiện đại, tự tin vươn tầm thế giới.

Hơn 1.300 cán bộ giảng viên, học sinh, sinh viên FPT đồng diễn với lá cờ đỏ sao vàng trong MV.

Những biểu tượng gói trọn hồn Việt

Trong MV, từ ca sĩ Tùng Dương, rapper Manbo cho đến các khách mời là Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 Nguyễn Ngọc Kiều Duy và Á hậu cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu 2024 Phạm Hoàng Thu Uyên đều khoác lên mình chiếc áo dài – biểu tượng văn hóa dân tộc của Việt Nam. Trong đó, Á hậu Thu Uyên – cựu sinh viên Trường Đại học FPT – mặc áo dài màu xanh dương kết hợp cùng khăn choàng đỏ in hình sao vàng. Đây không chỉ là sự kết hợp màu sắc hài hòa, mà còn là biểu trưng cho lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ca sĩ Tùng Dương, rapper Manbo, Hoa hậu Kiều Duy và Á hậu Thu Uyên khoác lên mình những chiếc áo dài đậm đà bản sắc Việt.

Một biểu tượng văn hóa khác là chiếc nón lá cũng được đầu tư thiết kế đặc biệt trong MV với hoa văn trống đồng Đông Sơn – di sản của nền văn minh Lạc Việt. Những họa tiết chim lạc, mặt trời, chiến binh, lễ hội trên trống đồng là ngôn ngữ thị giác cổ xưa của người Việt. Còn hình ảnh hoa sen – biểu tượng của sự thanh khiết, kiên cường và phẩm chất cao quý – khi kết hợp với chiếc nón truyền thống đã thể hiện thành công vẻ đẹp dung dị mà sâu sắc của văn hóa Việt, đồng thời truyền tải thông điệp về bản sắc và cốt cách con người Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên khi ca sĩ Tùng Dương chọn đứng hát trước những rặng tre trong MV. Hình ảnh cây tre gợi nhớ đến vẻ đẹp làng quê bình dị, thân thuộc, đồng thời ẩn chứa tinh thần kiên cường, vững chắc – biểu tượng sinh động cho đường lối “ngoại giao cây tre” bản lĩnh, linh hoạt của Việt Nam trên trường quốc tế.

Biểu tượng tre Việt xuất hiện trong MV.

Tinh thần hào hùng ấy được tiếp nối với những thanh âm du dương của sáo và đàn tranh. Hai nhạc cụ truyền thống vốn gắn liền với âm nhạc cung đình và đời sống dân gian kết hợp với rap đương đại mạnh mẽ là minh chứng cho tinh thần hội nhập nhưng không hòa tan của người Việt, nơi bản sắc dân tộc vẫn luôn là gốc rễ bền chặt giữa thời đại toàn cầu hóa.

Cuối MV, phần credit với sự xuất hiện của 1.729 cái tên từ các nghệ sĩ, diễn viên quần chúng đến những cá nhân âm thầm hỗ trợ phía sau là cách nhà sản xuất gửi lời tri ân chân thành đến tất cả những người đã góp sức tạo nên thành công cho sản phẩm. Với Cho con là người Việt Nam, mọi đóng góp dù nhỏ bé hay thầm lặng đều đáng được vinh danh, bởi chính tinh thần đồng lòng sẻ chia ấy đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về niềm tự hào dân tộc. 

Với những chi tiết đắt giá và ý nghĩa, MV Cho con là người Việt Nam không dừng lại là sản phẩm âm nhạc kỷ niệm ngày Lễ lớn của dân tộc, mà còn là tác phẩm nghệ thuật lay động trái tim, khơi dậy lòng tự hào và tình yêu sâu sắc đối với quê hương, đất nước. Câu hát “Cha mẹ sinh con ra, cho con là người Việt Nam” vang lên như một lời khẳng định thiêng liêng của hàng triệu người con đất Việt luôn kiêu hãnh vì cội nguồn, dòng máu và bản sắc dân tộc mình.

Bích Hiền

Exit mobile version