Những vấn đề xã hội nóng hiện nay như môi trường, phát triển bền vững, bạo lực gia đình được sinh viên ĐH FPT góp phần tìm cách giải quyết bằng việc thiết kế, phát triển một số ứng dụng mới mẻ.
Ứng dụng trao đổi và chia sẻ về thời trang bền vững
Là 2 bạn trẻ yêu thời trang và theo đuổi lối sống bền vững, Phương Thảo và Thu Thảo (sinh viên K14 chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số, Đại học FPT Hà Nội) đã cùng nhau nghiên cứu thiết kế đồ án “CESF – Community to exchange and share sustainable fashion” (Cộng đồng trao đổi và chia sẻ về Thời trang bền vững) dưới sự hướng dẫn của giảng viên Trần Thị Lệ Quyên.
Ứng dụng hướng tới mục tiêu chính là xây dựng và phát triển một cộng đồng những người trẻ quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường thông qua việc theo đuổi phong cách thời trang bền vững. Sử dụng ứng dụng, các bạn trẻ có thể kết nối, chia sẻ những kinh nghiệm sử dụng thời trang bền vững, trao đổi quần áo với nhau để tăng “vòng đời” trang phục. Xu thế này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mua sắm quần áo mà còn giảm thiểu sử dụng vải, nước, điện trong ngành công nghiệp thời gian, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, app sẽ tiến tới xây dựng cộng đồng bền vững và lan toả khái niệm về thời trang bền vững tới người tiêu dùng, nhằm mục tiêu giải quyết 3 trên 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (Giảm bất bình đẳng trong xã hội và các vùng lãnh thổ, đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai).
Để thực hiện ý tưởng của mình, hai SV ĐH FPT Hà Nội đã bắt tay vào xây dựng phần UI UX đúng chuyên ngành với thiết kế tỉ mỉ, tông màu nhẹ nhàng, thân thiện và được đánh giá cao từ phía hội đồng. Giao diện của ứng dụng được nhận xét là có khả năng cung cấp thông tin rõ ràng, đặc biệt nhân vật đồng hành với người dùng đã gây được ấn tượng tốt.
Logo của ứng dụng là chữ C trong community được trình bày như hai dấu mũi tên thể hiện của biểu tượng “reuse” (dùng lại). Cho thấy tinh thần của ứng dụng là một cộng đồng những người quan tâm và theo đuổi phong cách sống liên quan tới thời trang bền vững.
Trong tương lai, Phương Thảo và Thu Thảo muốn tiếp tục phát triển ứng dụng này ở quy mô lớn hơn. Để có thêm những ý kiến đóng góp và cơ hội chia sẻ nghiên cứu với cộng đồng những người quan tâm tới khoa học, môi trường, hai nữ sinh viên ĐH FPT Hà Nội đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu để viết báo gửi tham dự Hội thảo ESTCON 2022 (The World Engineering, Science and Technology Congress). Dự kiến, những nghiên cứu xoay quanh chủ đề thời trang bền vững và ứng dụng CESF sẽ được Phương Thảo và Thu Thảo trình bày tại Hội thảo ESTCON 2022 tổ chức vào tháng 12 năm nay.
Ứng dụng hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình đang là vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm. Tuy nhiên việc phổ cập kiến thức và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình còn thiếu những công cụ hỗ trợ hiệu quả.
Riêng đối với hai sinh viên Nguyễn Việt Hoàng và Vũ Thị Minh Hương, câu chuyện xã hội càng trở nên gần gũi hơn khi trong quá trình trưởng thành, hai bạn đã trực tiếp trải qua và chứng kiến nạn bạo lực gia đình. Việt Hoàng và Minh Hương đồng lòng lựa chọn đề tài này để làm đồ án tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn từ giảng viên Shruthi T.Gopi, với mong muốn thiết kế nên ứng dụng có thể hỗ trợ nạn nhân bạo hành và góp phần giảm thiểu tình trạng này trong xã hội. Ứng dụng của Hoàng và Hương có tên Wunder.
Ứng dụng tập trung vào cung cấp kiến thức nhận diện mối đe dọa và tình trạng của bản thân, xây dựng kế hoạch an toàn cho người dùng và chức năng kết nối, chia sẻ, cầu cứu.
“Wunder” trong tiếng Đức có nghĩa là “Phép màu” – cái tên gửi gắm mong muốn thông qua ứng dụng tạo ra một phép màu làm giảm thiểu bạo lực gia đình và đem lại cho mỗi chúng ta một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thiết kế của ứng dụng nhằm mục tiêu tạo ra sự kết nối cảm xúc với người dùng. Do vậy Hoàng và Hương đã sử dụng phông chữ in đậm và tạo hình vững chãi, thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ, đảm bảo cùng màu xanh lam ánh tím biểu tượng của sự dũng cảm, giác ngộ, tình cảm và nguồn cảm hứng.
Chia sẻ về dự án, vì dành ra rất nhiều thời gian và những đêm không ngủ để thiết kế cũng như chỉnh sửa nên với hai bạn thì giao diện cuối cùng của ứng dụng là một kết quả rất hài lòng. Nhóm đồ án cuối cùng đã thành công bảo vệ và nhận được những lời khen về ý tưởng và quá trình nỗ lực hoàn thiện từ phía Hội đồng chấm tốt nghiệp.
Hai sinh viên ĐH FPT Hà Nội bày tỏ mong muốn, với ứng dụng này, những nạn nhân của bạo lực gia đình có thể tìm thấy cho mình kiến thức, kỹ năng hữu ích và sự trợ giúp khi cần thiết để vượt qua những ảnh hưởng thể chất và tâm lý. Ngoài ra, ứng dụng cũng thay lời cảnh báo của những người trẻ, mong muốn xã hội có cái nhìn sâu sắc hơn, cùng nhau chung tay chấm dứt nạn bạo lực gia đình.
Xuân Vũ