Trường Đại học FPT

Sinh viên Đại học FPT chia sẻ cách chọn ngành học

Xác định rõ ngành nghề yêu thích, Tô Thu Huyền (22 tuổi, Hà Nội) hài lòng với ngành tự chọn là Kinh doanh quốc tế và hiện sắp hoàn thành đồ án tốt nghiệp.

Nhớ lại khoảng thời gian chuẩn bị thi đại học, Tô Thu Huyền (Sinh viên năm tư, ĐH FPT) cho biết, khi chọn trường, bố mẹ cô định hướng con theo học trường Cảnh sát vì muốn con có công việc nhà nước ổn định. Hơn nữa có con gái làm cảnh sát cũng tự hào với họ hàng, láng giềng. Tuy nhiên, Huyền đã sớm có lựa chọn của mình nên trái ý bố mẹ, quyết tâm chọn Đại học FPT.

Huyền cho biết, cô yêu thích sự tự do, không hợp với môi trường kỷ luật nghiêm ngặt. Hơn nữa, nữ sinh đã tìm hiểu nhiều trường, nhiều ngành và thích ngành Kinh doanh quốc tế ở ngôi trường dạy bằng giáo trình nước ngoài, được gặp và học hỏi từ thầy cô bạn bè người nước ngoài, tham gia nhiều chương trình bổ trợ kiến thức và kỹ năng mềm như ĐH FPT.

“Với môi trường học tập năng động như thế, học xong mình nghĩ bản thân sẽ đủ tự tin để apply vào các công ty, không cần bố mẹ sắp đặt công việc“, Huyền nói.

Thu Huyền tham gia câu lạc bộ Kinh doanh tại trường ĐH FPT.

Quyết tâm theo đuổi điều mình thích, Huyền cũng chấp nhận đối mặt với thử thách. Học xa nhà, sống nội trú trong ký túc xá, phải tự lập và chủ động mọi việc, cô bạn vốn là con gái út trong một gia đình có bốn chị em, được bố mẹ chăm chút từ nhỏ, ban đầu cảm thấy khá khó khăn.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của bản thân, hỗ trợ từ bạn bè và thầy cô, Huyền tự nhận bản thân đã có “bốn năm thanh xuân đáng nhớ ở ĐH FPT với vài lần được vinh danh sinh viên học tập và hoạt động phong trào xuất sắc”.

Đứng trước ngưỡng cửa tốt nghiệp, Huyền sớm đã có định hướng cho bản thân về việc làm vì đã có kinh nghiệm hơn một năm làm marketing cho một công ty tại Hà Nội do thầy cô trong trường giới thiệu. Hiện, nữ sinh vừa làm, vừa hoàn thành đồ án tốt nghiệp.

Cùng khóa với Huyền, Kiều Hà cho biết, Hà chọn trường ĐH FPT, ngành Kỹ thuật phần mềm vì bố mẹ và anh trai tư vấn. Tuy nhiên, học được một năm, Hà nhận thấy không có đam mê với những bài toán hay dòng code. Kết quả học tập của Hà vì vậy không tốt.

Trong khi đang bối rối trước nhiều ngã rẽ, một lần tham gia hoạt động câu lạc bộ cùng các sinh viên, Hà biết đến ngành Thiết kế đồ hoạ. “Em thấy ngành này hợp với cá tính bay bay, thích vẽ vời, thích cái đẹp nên đã đăng ký chuyển ngành“, Hà chia sẻ.

Mới đầu, quyết định của Hà bị bố mẹ phản đối, nhưng với sự phân tích rõ ràng, thuyết phục rằng ngành học hiện tại không thật sự phù hợp với tính cách, bố mẹ Hà đã đồng ý cho con trai chuyển ngành mà vẫn được học ở môi trường năng động ĐH FPT.

Chuyển ngành, anh chàng sinh viên ĐH FPT chấp nhận chậm hơn các bạn trong hành trình chinh phục tấm bằng đại học nhưng “chậm mà chắc”.

“Ngành học mới mẻ với em nhưng vì được thầy cô hỗ trợ, em thích nghi khá nhanh”, Hà nói.

Chia sẻ về việc nên chọn ngành theo đam mê hay ý bố mẹ, đại diện lãnh đạo ĐH FPT cho biết, bố mẹ nào cũng quan tâm, lo lắng đến tương lai của con, đặc biệt khi con đứng trước ngưỡng cửa đại học. Với vốn sống, kinh nghiệm làm việc, bố mẹ có thể đưa ra lời khuyên cho con trong việc chọn ngành, chọn nghề. Nhưng, xu hướng việc làm thế giới thay đổi không ngừng, phụ huynh nhiều khi không cập nhật kịp. Và dù thân thiết với con đến đâu, hiếm khi bố mẹ hiểu con bằng chính bản thân con. Vậy nên, bố mẹ khó có thể là người quyết định con học ngành gì, trường gì.

Nhiều chương trình, talk show hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh của ĐH FPT cung cấp thông tin hữu ích cho sĩ tử.

Mặt khác, chọn ngành theo đam mê, theo con tim một cách thái quá đôi khi cũng dẫn đến lựa chọn sai. Một số bạn trẻ xác định rõ “thích ngành gì” nhưng đơn thuần đó chỉ là sở thích, chưa cân nhắc đến các yếu tố như tính cách bản thân, thế mạnh, điểm yếu, học lực… Mù quáng theo đuổi sở thích mà không cân nhắc đến khả năng đạt được, các sĩ tử có thể rơi vào trường hợp “dở khóc dở cười” như thi mấy năm một trường mà không đỗ, điểm cao mà vẫn trượt…

Đại diện ban tuyển sinh ĐH FPT cho rằng, nghe con tim cần đi kèm với việc tìm kiếm thông tin tuyển sinh chi tiết, tự tìm hiểu bản thân mạnh và yếu mặt nào, từ đó mới có thể đưa ra quyết định đúng. Lời khuyên từ bố mẹ lúc này đóng vai trò như một kênh thông tin tham khảo cho các thí sinh khi cân nhắc nguyện vọng.

Năm 2020, Trường ĐH FPT dự kiến tuyển sinh các ngành: Quản trị kinh doanh (Digital Marketing, Kinh doanh quốc tế, Quản trị khách sạn, Quản trị truyền thông đa phương tiện, Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành), CNTT (Kỹ Thuật Phần mềm, Trí tuệ nhân tạo, IoT, An toàn thông tin, Thiết kế mỹ thuật số, Hệ thống thông tin, Hệ thống ô tô và điều khiển), Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn.

Thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ĐH FPT khi:

– Điểm các môn thi trong kỳ thi THPT 2020 thuộc top 50 THPT toàn quốc năm 2020 (theo số liệu Đại học FPT tổng hợp và công bố sau kỳ thi THPT 2020) và điểm theo khối xét tuyển đạt từ trung bình trở lên (15/30 điểm);

– Hoặc điểm học bạ thuộc top 50 THPT toàn quốc năm 2020 (chứng nhận thực hiện trên trang http://SchoolRank.fpt.edu.vn)

Dự kiến 800 suất học bổng Nguyễn Văn Đạo toàn phần và bán phần tối đa 100% học phí trong suốt quá trình học sẽ được trao cho các thí sinh có thành tích xuất sắc trong các cuộc thi học sinh giỏi, năng khiếu, kì thi THPT Quốc Gia và thi học bổng của trường.

Theo VnExpress

Exit mobile version