Trường Đại học FPT

Sinh viên ĐH FPT đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng trong y tế

“Hệ thống tìm kiếm phòng khám bệnh gần nhất” được phát triển dành cho các bác sĩ tại phòng khám tư, bệnh nhân có nhu cầu khám bệnh. Chức năng chính của sản phẩm là tìm kiếm phòng khám gần nhất và đặt lịch khám bệnh. Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng một số chức năng khác như đánh giá các phòng khám, chỉ đường…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh chương trình Quốc gia chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, nhóm sinh viên K13 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm – ĐH FPT đã phát triển “Hệ thống tìm kiếm phòng khám bệnh gần nhất” với nhiều cải tiến về một số chức năng so với các ứng dụng hiện có, nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

“Hệ thống tìm kiếm phòng khám bệnh gần nhất” được thực hiện bởi nhóm sinh viên Nguyễn Đình Khôi, Lâm Minh Khang, Hà Quang Trình và Hồ Duy Anh

“Hệ thống tìm kiếm phòng khám bệnh gần nhất” hoạt động trên hệ điều hành Android của các thiết bị di động và nền tảng website thích hợp cho các thiết bị máy tính, laptop. Đối tượng chính sử dụng ứng dụng bao gồm bệnh nhân và các bác sĩ tại phòng khám tư, bệnh viện. Ngoài hai chức năng chính là tìm kiếm phòng khám bệnh gần nhất và đặt lịch khám bệnh, ứng dụng còn được tích hợp một số tính năng như: đánh giá hoặc nhận xét các phòng khám, chỉ đường…

Khi có nhu cầu tìm phòng khám gần nhất, bệnh nhân có thể truy cập hệ thống và tìm kiếm bằng 4 cách: Nhập trực tiếp tên phòng khám; Tìm kiếm trong danh sách triệu chứng có sẵn có và lựa chọn phòng khám được gợi ý; Nhập vào một câu mô tả triệu chứng để hệ thống hiển thị danh sách các phòng khám có liên quan (nền tảng website); Nhập tên đường, phường hoặc tên tỉnh… để tìm kiếm những phòng khám nằm trong khu vực đó (nền tảng mobile).

Chức năng đặt lịch khám bệnh trên website

Sau khi lựa chọn địa điểm, bệnh nhân sẽ thực hiện chuỗi thao tác: Đặt phòng khám – Chọn thời gian – Đặt lịch khám để hoàn tất quá trình. Cuộc hẹn sẽ hiển thị ở trạng thái “pending” và chuyển thành “approved” sau khi bác sĩ xem thông tin lịch khám và chấp nhận. Lúc này, người bệnh có thể đến khám theo thời gian đã được đặt trước đó. Đồng thời, lịch hẹn cũng được tự động đồng bộ hóa với tài khoản Google Calendar để bệnh nhân không quên lịch hẹn với bác sĩ. Ngược lại, nếu bác sĩ không thể nhận lịch khám, trạng thái sẽ chuyển thành “deny” và thông báo tới bệnh nhân về việc cuộc hẹn bị hủy.

Hệ thống hiển thị các bình luận, đánh giá về địa điểm khám chữa bệnh của người dùng. Trên cơ sở đó, những người sử dụng ứng dụng sau này có thể lựa chọn được địa điểm phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Đại diện nhóm đồ án, sinh viên Hồ Duy Anh chia sẻ: “Sản phẩm hiện đang trong giai đoạn phát triển, thích hợp sử dụng đối với các phòng khám bệnh tư nhân. Trong tương lai, nhóm dự kiến phát triển thêm một số chức năng khác như: lưu trữ hồ sơ bệnh án người bệnh, chatbot, quản lý thuốc, sử dụng kê toa điện tử, thanh toán qua ví điện tử và có thể sử dụng cho các bệnh viện”.

Theo thầy Quách Luyl Đa – Giảng viên hướng dẫn, ý tưởng của sản phẩm được hình thành từ việc các bệnh nhân phải đợi khá lâu tại phòng khám khi sử dụng phương pháp ghi danh truyền thống hoặc bệnh nhân đang có nhu cầu khám chữa bệnh nhưng không thể tìm được phòng khám gần nhất.

Chức năng chỉ đường trên điện thoại

Bước đầu sản phẩm đã tạo được các chức năng cơ bản trong việc tìm phòng khám bằng Google Maps, đặt lịch và xác nhận từ bác sĩ. Với việc bổ sung thêm các chức năng như nhóm đã đề xuất, sản phẩm có thể kết hợp thêm việc quản lý thông tin tại nơi khám bệnh (thuốc, lịch sử khám chữa bệnh) và việc phát triển thêm các tính năng chat, video call sẽ giúp giảm tải bớt cho hệ thống khám chữa bệnh rất nhiều trong việc điều trị bệnh từ xa, nâng cao được những trãi nghiệm của khách hang tại nơi khám bệnh tư nhân, không còn cảnh xếp hàng đông đúc trong thời gian giãn cách và trạng thái bình thường mới.

“Hệ thống tìm kiếm phòng khám bệnh gần nhất” là một ứng dụng công nghệ tiện ích áp dụng vào lĩnh vực y tế. Đây là một trong những giải pháp có tính thực tiễn nhằm khắc phục tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế, tránh việc tập trung đông người tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo, giúp người dân chủ động lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh.

Theo FPT Edu

Exit mobile version