Trường Đại học FPT

Sinh viên ĐH FPT dùng AI làm ứng dụng chụp ảnh chữa bệnh cho gia cầm

Ứng dụng này của sinh viên FPT giúp người chăn nuôi phát hiện dịch bệnh sớm để tránh lây lan, hạn chế di chuyển tới các cơ sở thú y trong giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19 cũng như tiết kiệm chi phí đi lại trong thời kỳ bình thường mới.

Đại dịch Covid-19 và dịch cúm gia cầm cùng lúc bùng phát đã tạo nên gánh nặng cho người chăn nuôi và y tế thú y. Việc giãn cách, cách ly xã hội khiến quá trình chẩn đoán bệnh trực tiếp bị đình trệ, gia cầm chết từng đàn, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của các chủ sở hữu cũng như gây ra tình trạng thiếu hụt thực phẩm quốc gia.

Nhóm sinh viên FPT tự tin bảo vệ đề tài trước hội đồng giám khảo cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học FPT Edu Research Festival 2020

Nhóm sinh viên Công nghệ thông tin Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ gồm Phạm Quốc Nghị, Lê Thành Nhân, Huỳnh Thị Nhiên, Trương Thị Thanh Xuân đã phát triển hệ thống quản lý bệnh cúm gia cầm dựa trên nền tảng Trí tuệ Nhân tạo AI và trình bày trong vòng Chung kết cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học FPT Edu Research Festival 2020 diễn ra tại Trường ĐH FPT phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh. Với ứng dụng này, chỉ 30 giây sau khi chụp ảnh gia cầm bị bệnh, DCD APP sẽ trả về kết quả gồm tên bệnh, cách xử lý, hỗ trợ tư vấn, liên hệ chuyên gia.

DCD APP được cam kết bảo mật thông tin cho người dùng

Người chăn nuôi sẽ tải ứng dụng điện thoại mang tên DCD APP gồm 4 chức năng: Quản trị, nhận dạng, chẩn đoán bệnh và thương mại điện tử. Sau khi đăng ký tài khoản trên hệ thống, người dùng sẽ chọn gửi ảnh từ thư mục hoặc chụp ảnh vùng bị bệnh trên cơ thể gia cầm để “bác sĩ ảo” chẩn đoán bệnh. Thời gian trung bình để hệ thống xử lý thông tin qua hình ảnh là 30 giây và kết quả trả về sẽ gồm các thông tin như tên bệnh, cách xử lý, hỗ trợ tư vấn, liên hệ chuyên gia

Chẩn đoán qua điểm bệnh trên cơ thể gia cầm

Trên thị trường hiện nay có một số đơn vị cung cấp ứng dụng di động kết nối người chăn nuôi với bác sĩ thú y. Tuy nhiên, các ứng dụng này mới dụng ở mức “kênh chat” giữa người nuôi thú cảnh với bác sĩ; còn DCD APP hiện đang là ứng dụng hiếm hoi tại Việt Nam có tính năng chẩn đoán bệnh cúm gia cầm bằng AI. 

Chẩn đoán qua vùng bệnh trên cơ thể gia cầm

DCD APP góp phần giảm bớt áp lực cho Sở thú y và phòng khám thú y; giúp người chăn nuôi phát hiện dịch bệnh sớm để tránh lây lan, đảm bảo hạn chế di chuyển tới các cơ sở thú y trong giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19 cũng như tiết kiệm chi phí đi lại trong thời kỳ bình thường mới… Bên cạnh đó, việc tích hợp tính năng thương mại điện tử góp phần kết nối người chăn nuôi với các đại lý cung cấp, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm sản phẩm, mua hàng trực tuyến. Điều này càng có ý nghĩa hơn giữa lúc đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được khống chế trên toàn cầu.

AI trả về kết quả trung bình trong 30 giây

“Nhóm đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm trong vòng 1 năm. Khó khăn lớn nhất nằm ở bước thu thập dữ liệu bệnh gia cầm vì nguồn dữ liệu ở Việt Nam còn rất hạn chế, ít cơ sở lưu trữ. Tuy nhiên, chúng mình rất may mắn khi được FVET chuyên về thú y tại Việt Nam hỗ trợ nguồn dữ liệu, cũng như các chuyên gia gán nhãn các loại bệnh”, sinh viên Lê Thành Nhân – đại diện nhóm nghiên cứu khoa học tham gia FPT Edu Research Festival 2020 cho biết.

Đề tài nghiên cứu của nhóm sinh viên FPT nhận được nhiều sự quan tâm của ban giám khảo

Cũng theo Lê Thành Nhân, PODD sẽ dành thời gian nghiên cứu và phát triển DCD APP theo định hướng: kết hợp với cơ sở thú y để bày bán sản phẩm trực tiếp trên hệ thống giúp người nông dân có thể đặt hàng trực tuyến và thu hoa hồng; Phát triển hệ thống theo hướng vietgap và global gap để có thể truy xuất nguồn gốc của thịt gia cầm; Phát triển hệ thống với camera giám sát trên đàn gia cầm quy mô trang trại và hệ thống iot trong việc cho ăn tự động, uống nước tự động và điều hoà không khí từ đó lấy được số liệu của lượng thức ăn, nước uống và không khí xung quanh môi trường đàn gia cầm để tăng độ chính xác hỗ trợ dự báo dịch bệnh cho nhà chăn nuôi.

Theo Dân Trí

Exit mobile version