Tại chương trình Gặp gỡ hữu nghị Giao lưu Văn hoá – Nghệ thuật và Kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Indonesia, đoàn sinh viên ĐH FPT đã trình diễn các tiết mục ấn tượng sử dụng nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu, trống… để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả và bạn bè quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình với nhiều tiết mục đặc sắc về giao lưu Văn hóa – Nghệ thuật giữa 2 nước Việt Nam và Indonesia như trình diễn nhạc cụ, điệu nhảy, múa rối bóng và âm nhạc truyền thống đặc sắc của các vùng văn hóa khác nhau tại Indonesia, màn hoà tấu nhạc cụ dân tộc đến từ Đại học FPT đã khuấy động không không khí chương trình. Với hình ảnh khăn đóng áo dài và “kết đôi” giữa truyền thống và hiện đại của sinh viên Đại học FPT mang tới màu sắc mới mẻ, được nhiều khán giả đón nhận, hưởng ứng bằng những tiếng vỗ tay, điệu nhảy trên nền nhạc cụ dân tộc do Đại học FPT biểu diễn.
Nghệ sĩ đàn Tranh, cô Vũ Thị Kim Yến – CNBM Âm nhạc truyền thống tại Đại học FPT chia sẻ: Việc tham gia biểu diễn tại sân khấu quốc tế có ý nghĩa tạo ra môi trường trải nghiệm cho sinh viên. Vì sau những giờ học trên lớp, các em cần phải có môi trường để trải nghiệm, và đối với môn NCDT, trải nghiệm chính là biểu diễn ở những sân chơi nghệ thuật, những sân chơi có quy mô từ quốc gia đến quốc tế. Từ đó giúp các em trau dồi kỹ năng chơi nhạc cụ, kỹ năng biểu diễn và tự tin”.
“Tham gia chương trình lần này, chúng tôi rất vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm với tiết mục mà mình mang đến chương trình giao lưu để bạn bè quốc tế dễ cảm nhận, dấu ấn đẹp và phải có tình hữu nghị trong đó. Việc Kết cấu 2 bài liên khúc nhạc Cung Đình Huế – dân ca Nam Bộ và bài nhạc Indonesia – diễn tấu trên chính nhạc cụ của Việt Nam, Đại học FPT muốn gửi gắm thông điệp tình hữu nghị đến với những người bạn Indonesia. Khi bản nhạc vừa tấu lên, các khán giả rất thích thú và khi qua đến bài nhạc Indonesia, đã có sự bùng nổ. Các khách mời hòa cùng theo điệu nhạc, tiến lên sân khấu nhảy múa và cổ vũ cho tiết mục biểu diễn của Đại học FPT. Đây là niềm vui, minh chứng rõ ràng rằng những điều mình mang đến đã được bạn bè, khán giả đón nhận và cảm nhận được. Bởi vì đối với âm nhạc và nghệ thuật nói chung thì việc cảm nhận là ngay tức thì và mình có thể đo đếm được” – Cô Kim Yến chia sẻ thêm.
Từ năm 2014, Trường Đại học FPT là đơn vị tiên phong đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy và được công nhận là một bộ môn chính thức trong chương trình đào tạo. Hiện tại, sinh viên Trường Đại học FPT sau khi hoàn thành khóa học đã sử dụng thành thạo đa dạng các loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam.
Từ Tháng 3/2022, Trường Đại học FPT bắt đầu thực hiện dự án cộng đồng “Đưa Bộ môn Nhạc cụ dân tộc đến các trường THPT” hưởng ứng theo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TP. HCM” do UBND TP. HCM ban hành. Mục đích của chương trình nhằm đồng hành cùng các trường THPT trong việc triển khai giảng dạy nhạc cụ dân tộc tại trường, góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống của Việt Nam đến với thế hệ trẻ.
Theo FPTU HCM