Trường Đại học FPT

Sinh viên IT làm phần mềm hỗ trợ chấm công trong doanh nghiệp

Hiện nay, việc nhận diện con người thông qua khuôn mặt đang phát triển mạnh mẽ, được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia như Singapore, Nhật Bản… Đồ án “Chấm công và nâng cao chất lượng dịch vụ – Timekeeping and Customer Satisfaction” của nhóm sinh viên Đai học FPT ra đời với ý tưởng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt những hạn chế chung trong cách chấm công truyền thống.

Đồ án của nhóm gồm hai phần chính: chấm công và nâng cao chất lượng dịch vụ. Về phần chấm công, ứng dụng hỗ trợ việc điểm danh trong doanh nghiệp. Ý tưởng này được đưa ra khi nhóm nhận thấy một số doanh nghiệp chấm công cho nhân viên bằng cách quét thẻ hay quét vân tay. Tuy nhiên, việc chấm công theo phương thức này hạn chế việc có nhân viên không được chấm công vì quên mang thẻ, làm mất thẻ, hay gặp một số vấn đề liên quan đến tay (đứt tay, hay các bệnh về tay…). Từ vấn đề đó, nhóm mạnh dạn đề xuất ý tưởng với giảng viên hướng dẫn, cần có một hệ thống để thay thế chấm công cho nhân viên khi họ điểm danh không được. Và hệ thống này phải giải quyết được điểm hạn chế chung của phương thức chấm công bằng cách quét thẻ và quét vân tay.

Ứng dụng do các sinh viên Lê Thanh Tân (trưởng nhóm), Nguyễn Năng Trung và Thái Quang Hiển thực hiện.

Bên cạnh đó, đồ án của nhóm còn cung cấp API để nhận dạng một con người thông qua hình ảnh khá mạnh trên hệ thống chấm công cho nhân viên bằng camera, và sử dụng bộ API do Microsoft Cognitive Services* cung cấp để nhận diện nhân viên thông qua hình ảnh do camera gửi về. Điểm đáng chú ý là việc chấm công cho nhân viên bằng camera được thực hiện một cách rất tự nhiên. Nhân viên chỉ cần đi ngang qua và camera sẽ tự động chụp hình, rồi gửi về hệ thống để ghi nhận chấm công cho nhân viên. Tuy nhiên, hạn chế của đồ án là tốc độ nhận diện xử lý chưa nhanh.

Về phần nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng giải quyết việc hỗ trợ nhân viên giao tiếp tốt với khách hàng. Ý tưởng này được đưa ra khi nhóm nhận thấy khi giao tiếp với khách hàng trực tiếp, việc nắm bắt cảm xúc khách hàng rất quan trọng. Tùy theo cảm xúc mà nhân viên có những cách ứng xử khác nhau sao cho họ cảm thấy hài lòng nhất.

“Nhận thấy tầm quan trọng đó, nhóm chúng tôi đã xây dựng hệ thống để hỗ trợ cho nhân viên trong việc giao tiếp với khách hàng. Hệ thống này gồm 2 phần chính, đó là: lấy cảm xúc khách hàng, và từ cảm xúc đó sẽ đưa ra các gợi ý về cách ứng xử. Về phần lấy cảm xúc khách hàng, nhóm chọn việc lấy cảm xúc thông qua khuôn mặt, vì bộ API do Microsoft Cognitive Service cung cấp có hỗ trợ trong việc lấy cảm xúc con người thông qua hình ảnh. Đặc biệt, việc lấy cảm xúc khách hàng được diễn ra một cách tự nhiên, khách hàng sẽ không hề hay biết. Khách hàng tới quầy giao tiếp với nhân viên bình thường và camera được bố trí ẩn tại mỗi quầy sẽ tự động chụp hình, rồi gửi về hệ thống để phân tích cảm xúc và đưa ra gợi ý cho nhân viên đó” – Thanh Tân, trưởng nhóm chia sẻ.

Sau 14 tuần làm việc, cùng nhau thức trắng đêm để code và fix bug, đã có những lúc bất đồng quan điểm nhưng nhóm đã vượt qua được mọi rào cản để hoàn thành “đứa con” chung.

“Để thực hiện hóa đồ án của tụi mình, các thành viên trong nhóm đã phải tìm hiểu thêm các kiến thức về API của Microsoft Cognitive Services trong việc nhận diện và lấy cảm xúc một người thông qua hình ảnh. Nhóm phải tìm hiểu về cách sử dụng, cũng như cách làm nó làm việc như thế nào, biết được tại sao có thể nhận diện hay lấy được cảm xúc của một người thông qua hình ảnh” – một thành viên nhóm cho hay.

Đồ án của nhóm đã nhận được phản hồi tích cực từ Hội đồng chấm điểm và sinh viên tham dự. “Nên hoàn thành task sớm deadline ít nhất một ngày hoặc một vài tiếng, để có thời gian kiểm tra lại những cái mình làm là đúng hay chưa. Nếu bỏ qua bước này thì vô cùng tai hại, sẽ gây ra lỗi khi đang demo trước thầy bảo vệ” – Trưởng nhóm Thanh Tân bật mí kinh nghiệm làm đồ án tốt nghiệp.

Hiện tại đồ án của nhóm chỉ mang tính chất về độ khả thi của công nghệ. Trong tương lai, nếu muốn áp dụng thực tế thì phải chờ các công nghệ phụ trợ khác phát triển theo, ở đây là camera. Camera phải nhận dạng được khuôn mặt rõ nét. Đường truyền mạng phải nhanh để có thể gửi và nhận thông tin nhanh chống để xử lý.

*Microsoft Cognitive Services là một dịch vụ của Microsoft cho phép người dùng xây dựng các ứng dụng thông minh bao gồm các thuật toán mạnh mẽ như nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng cảm xúc, nhận dạng giọng nói chỉ với một vài dòng code. Dịch vụ này có thể chạy trên các thiết bị và nền tảng khác nhau như là iOS, Android, Windows và nhiều nền tảng khác. Đặc biệt chúng sử dụng REST API nên rất dễ cho việc sử dụng.

Minh Cúc

 

 

Exit mobile version