Site icon Trường Đại học FPT

Sinh viên IT khởi nghiệp từ Wifi Marketing

Từ những ngày gian khó thời phổ thông nửa buổi đi học, nửa buổi đi làm thuê, cho đến một trưởng nhóm dự án Wifi Marketing mang lại thu nhập “sống được” cho chính mình và ê-kip, Nguyễn Quốc Huy đã chứng tỏ được rằng, kiên trì và đam mê là chất xúc tác tốt nhất để thành công trên con đường khởi nghiệp.

Từ cậu sinh viên IT không biết code…

Gặp Nguyễn Quốc Huy (ĐH FPT), trưởng dự án khởi nghiệp về Marketing thông qua mạng Wifi, ít ai nghĩ rằng chàng sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm này không thể viết nổi một đoạn code đơn giản cho tới tân năm thứ 3 đại học.

Sinh ra và lớn lên tại miền quê Bến Tre, đến năm học cấp 2, không may cha gặp tai nạn, Huy phải đi học nửa ngày, nửa ngày còn lại đi làm ở cửa hàng sửa chữa điện thoại di động để phụ giúp gia đình.

Chính vì thế, dù có năng khiếu về kỹ thuật nhưng Huy không được tiếp xúc với các kiến thức chuyên ngành hoặc ngoại ngữ. Điều này đã khiến cậu sinh viên gặp khó khăn khi bắt nhịp với môi trường học tập hiện đại tại ĐH FPT.

“Không bắt kịp với tiến trình, kiến thức bị hổng ngay từ kỳ đầu tiên, bản thân sinh ra tâm lý chán nản nên đến tận kỳ thứ 5, mình vẫn không tự viết được một dòng code đơn giản”, Huy kể lại.

Bước ngoặt thay đổi con người và cả tương lai của Huy đến từ đợt thực tập tại Công ty phần mềm FPT (FPT Software) sau học kỳ 5. Ở nơi đây, môi trường làm việc thực tế đã kéo cậu trở lại với niềm đam mê kỹ thuật và cho cậu động lực “cày ngày cày đêm” trong suốt 3 tháng thực tập để bắt kịp với bạn bè về kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc và thu lượm kinh nghiệm cho những dự án riêng sau này.

… đến tham vọng vươn ra nước ngoài

Ý tưởng về giải pháp Marketing qua mạng Wifi miễn phí đến với Huy và nhóm sinh viên ĐH FPT (Cao Văn Sinh, Đặng Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Vũ Linh, Giang Song Trúc) khá tình cờ vào năm 2014, từ một sự gợi ý của một thầy giáo trong trường.
Wifi Marketing – phương pháp giúp lan tỏa thông tin đến khách hàng mục tiêu thông qua mạng wifi – được dự báo sẽ trở thành một trong những xu hướng tiếp thị đầy tiềm năng của năm 2016 tại Việt Nam. Nhưng vào thời điểm trước đó 2 năm, đây vẫn là công nghệ quá mới mẻ và khó được chấp nhận.

Là những người đi đầu, Huy và nhóm của mình vấp phải không ít khó khăn, băn khoăn nhất là việc thuyết phục khách hàng.
Huy nhớ lại: “Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ Wifi Marketing của các công ty nước ngoài cung cấp nhưng không hiệu quả nên họ gạt đi luôn. Thời điểm khởi đầu, nhóm mình phải mất hàng vài tháng demo sản phẩm, trao đổi, thuyết phục khách hàng bằng những tính năng vượt trội của giải pháp mình cung cấp”.

So với các sản phẩm tương tự, giải pháp của nhóm Huy được đánh giá là một công cụ có thể ứng dụng nhiều chương trình Marketing trên hệ thống, giao diện thân thiện và dễ dàng quản lý, tùy biến cho phù hợp với từng doanh nghiệp.

“Ví dụ một thương hiệu café take-away không có lợi thế về không gian cửa hàng trong khi tâm lý chung của người Việt Nam là ngồi lâu và sử dụng mạng Wifi miễn phí. Nhóm đã tư vấn đưa ra giải pháp cung cấp mật khẩu truy cập mạng tương ứng theo hóa đơn và có giá trị sử dụng trong 2 tiếng. Thời gian đó đủ để khách thưởng thức đồ uống, lướt Internet và không làm ảnh hưởng đến những người khác”, Huy cho biết.

Sử dung giải pháp Wifi Marketing do nhóm Huy cung cấp, thương hiệu này đã tăng doanh số và hiệu quả quản lý đáng kể chỉ trong vòng vài tháng. Theo Huy, hiện có không dưới 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ là khách hàng của cậu và nhóm dự án. Trong năm 2016, Huy cho biết cậu sẽ tập trung mở rộng thị trường ra Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội với những doanh nghiệp quy mô lớn hơn.
“Vừa qua, chúng mình nhận được lời đề nghị đầu tư từ một startup khá có tiếng về ứng dụng và web trong lĩnh vực ăn uống. Xuất phát điểm của họ cũng là một dự án khởi nghiệp nên họ mong muốn được hợp tác với bọn mình. Tuy nhiên, vì một số điểm chưa thống nhất trong cách vận hành công việc nên nhóm đã quyết định chưa nhận sự đầu tư vào lúc này. Với những khách hàng đang có, WiSky có lợi nhuận đủ để tự duy trì và phát triển hoạt động”.

Là một dự án khởi nghiệp còn non trẻ nhưng Huy và nhóm dự án hoàn toàn tự tin bởi họ đã có thể “sống được” bằng lợi nhuận do chính mình tạo ra.

“Nếu tốt nghiệp ra trường rồi vào làm trong một công ty như bao người khác chúng mình sẽ không học hỏi được nhiều điều như khi làm khởi nghiệp, từ lập trình, marketing, bán hàng cho đến kỹ năng quản trị. Tham vọng của nhóm là đưa sản phẩm của bọn mình trở thành một giải pháp Marketing toàn quốc, thậm chí vươn ra nước ngoài”, Huy chia sẻ.

Theo SVVN

Exit mobile version