Trường Đại học FPT

Sinh viên Trường ĐH FPT“Bắt tay” Save Vietnam’s Wildlife bảo vệ tê tê

Nhóm sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM thực hiện dự án “Đưa tê tê về nhà” phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam – Save Vietnam’s Wildlife.

Chỉ trong tuần đầu tiên, dự án đã thu hút hàng nghìn lượt quan tâm, tương tác, lan tỏa thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường.

Kool ngầu nhưng quan tâm đến môi trường

Đó là chia sẻ hóm hỉnh, tự họa chân dung của nhóm sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM. Nhóm gồm: Cao Minh Chí, Nguyễn Minh Tuấn, Trương Ngọc Huy Giang và Ngô Phạm Phương Thảo đều đang theo học chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện.

Chọn theo đuổi dự án “Đưa tê tê về nhà”, theo chia sẻ của Cao Minh Chí (nhóm trưởng) là vì tình yêu với môi trường, động vật hoang dã và ý thức của những người trẻ có tinh thần và trách nhiệm xã hội. “Mục tiêu của dự án là nâng cao nhận thức cho đối tượng học sinh, sinh viên về tác động tiêu cực của nạn săn bắt, buôn bán tê tê nói riêng và động vật hoang dã nói chung, tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đồng thời, dự án sẽ gây quỹ cho SVW”, Minh Chí chia sẻ.

Để thực hiện mục tiêu này, các sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông nâng cao nhận thức, song hành cùng tổ chức các hoạt động cộng đồng hướng tới đối tượng chính là giới trẻ. Nhóm nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam – Save Vietnam’s Wildlife (SVW) trong việc cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu liên quan đến các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã và vấn nạn buôn bán, săn bắt trái phép. Các hoạt động của dự án cũng được truyền thông trên các kênh cộng đồng của SVW.

Sau tuần đầu tiên triển khai, dự án đã thu hút hàng nghìn lượt công chúng quan tâm, tương tác. “Dự án sẽ trải qua 3 giai đoạn, kéo dài trong… tháng. Sau khi kết thúc dự án, nhóm sẽ khảo sát trực tuyến, phỏng vấn và phân tích dữ liệu mạng xã hội, so sánh với những số liệu khảo sát trước dự án để đánh giá kết quả đạt được”, Minh Chí cho biết.

Nguyễn Minh Tuấn, Cao Minh Chí, Ngô Phạm Phương Thảo, Trương Ngọc Huy Giang (từ trái sang phải) là các thành viên nhóm dự án

Đại học là môi trường tốt cho nghiên cứu khoa học

Để thực hiện dự án này, nhóm đã vận dụng những kiến thức và kỹ năng từ các môn học như Brand Management, Research Methods in Communication, Multimedia Production Project… cũng như được sự hỗ trợ, tư vấn từ các giảng viên Trường ĐH FPT.

“Chúng mình vận dụng được nhiều kiến thức và kỹ năng như nghiên cứu phân tích dữ liệu, xác định đối tượng mục tiêu và mối quan tâm của họ, xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông…”, Minh Chí nói. Ngoài ra, một số kỹ năng từ các hoạt động tổ chức sự kiện, quản lý quan hệ công chúng mà các thành viên được trau dồi trong quá trình học tập cũng hỗ trợ nhóm trong quá trình làm dự án. “Những kỹ năng này giúp nhóm phân bổ nguồn lực, thực hiện hiệu quả các hoạt động. Nhiều nội dung truyền thông sáng tạo, cảm động thu hút nhiều công chúng quan tâm”, Chí chia sẻ thêm.

Một thuận lợi nữa của nhóm là có các thành viên có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Cao Minh Chí từng tham dự và trình bày báo cáo khoa học tại Hội thảo “The 3rd Southeast Asian Conference on Education- Singapore (SEACE 2023) cùng nhóm nghiên cứu Trường ĐH FPT vào tháng 2/2023.

Tuy nhiên, với đặc thù một dự án truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, về vấn đề bảo vệ môi trường, nhóm vẫn gặp phải một số khó khăn, trong đó có “bài toán” tài chính và nhân lực. Giải quyết những vấn đề này cũng giúp nhóm có thêm kiến thức, kinh nghiệm hữu ích.

Từng tham gia nghiên cứu khoa học, làm dự án cộng đồng, bằng trải nghiệm của mình, Minh Chí cho rằng: “Trường ĐH FPT khuyến khích sinh viên tham gia các dự án cộng đồng, tạo cơ hội cho chúng mình học tập kết hợp thực hành, nghiên cứu. Những trải nghiệm phong phú ở trường cũng khiến chúng mình tự tin có thể nghiên cứu, làm dự án và lan tỏa những giá trị tích cực tới cộng đồng”, Chí nói.

Trưởng nhóm dự án chia sẻ thêm, sẽ duy trì “Đưa tê tê về nhà” lâu dài, phát triển thêm các hoạt động hướng tới giới trẻ và cân nhắc việc phát triển một ứng dụng trực tuyến giúp nhiều người dễ dàng tham gia vào hoạt động bảo tồn hơn. “Hy vọng rằng dự án sẽ trở thành một phong trào lan tỏa tinh thần tích cực, vì cộng đồng”, Chí bộc bạch.

Theo yeah1

Exit mobile version