Trường Đại học FPT

Sinh viên trường F khiến bạn bè gato vì môi trường học tập đầy trải nghiệm hay ho

Gái học võ Vovinam, trai chơi nhạc cụ dân tộc điêu luyện nghe có vẻ hơi kỳ lạ nhưng đó là một trong những trải nghiệm hàng ngày của sinh viên ĐH FPT. Sở hữu môi trường học tập đầy những trải nghiệm hay ho như vậy, bảo sao bạn bè cùng trang lứa không khỏi ghen tị với sinh viên trường F.

Làm robot, “build” công trình khoa học

ĐH FPT có những ngành học đón đầu xu thế phát triển của Việt Nam và thế giới như AI, Truyền thông Đa phương tiện, Kỹ thuật phần mềm… quy tụ những bạn trẻ đam mê trải nghiệm. Cứ dăm bữa nửa tháng, trường lại tổ chức một sân chơi trí tuệ hoành tráng, nơi sinh viên đua tài lập trình hay nghiên cứu khoa học, trình diễn tác phẩm đồ họa bằng một hoặc nhiều thứ tiếng. Có lẽ vì vậy mà việc chế tạo robot tự hành “trendy” hay có bài nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí kỷ yếu hàng đầu thế giới ở tuổi đôi mươi không phải là trải nghiệm lạ lẫm với sinh viên ĐH FPT.

Sinh viên ĐH FPT có hẳn một Hội nghị nghiên cứu khoa học quy mô toàn Tổ chức Giáo dục FPT để “công khai” những công trình tâm huyết của mình.

Không chỉ khiến bạn bè “mắt tròn mắt dẹt” về những thành quả hữu hình, trải nghiệm trong môi trường tri thức đón đầu xu thế giúp sinh viên ĐH FPT sở hữu bộ kỹ năng “hợp thời”. Những kỹ năng đó giúp các bạn thích ứng với nhiều công việc, trong bối cảnh xã hội hiện đại không ngừng thay đổi. Trải nghiệm thi thố hay giải thưởng có được hôm nay ở ĐH FPT rất có thể sẽ trở thành bước chạy đà cho sinh viên của trường đạt tới những mục tiêu tương lai.

Đi nước ngoài “dễ như ăn kẹo”

Ngay từ khi là sinh viên năm nhất ĐH FPT, bạn có thể có 6 tuần học tiếng Anh ở các nước nói tiếng Anh hàng đầu Đông Nam Á. Đến năm thứ hai, thứ ba, cơ hội xuất ngoại càng mở rộng với những chương trình như Summer Trip, Passage to ASEAN, Semester Abroad hay thực tập tại doanh nghiệp với thời gian lên tới 6 tháng hoặc… cả đời nếu bạn được tuyển dụng thậm chí định cư luôn ở quốc gia đó. Nhiều sinh viên ĐH FPT đã trải nghiệm đi nước ngoài và rồi an cư lạc nghiệp với công việc đáng mơ ước như anh chàng “đường tới Google” Hồ Vĩnh Thịnh, nữ sinh CNTT tiêu biểu Hoàng Phương Nga (đều là các cựu sinh viên Kỹ thuật phần mềm của ĐH FPT).

Mỗi chuyến ra nước ngoài học tập, làm việc là một trải nghiệm đáng nhớ của sinh viên ĐH FPT còn những “con ảnh đẹp” từ chuyến đi đó lại khiến bạn bè trên Facebook không khỏi gato.

Trải nghiệm cuộc sống, học tập, làm việc ở nước ngoài có thể nói là một bước ngoặt trong hành trình của nhiều sinh viên ĐH FPT khi lần đầu các bạn học được những kỹ năng sống tưởng chừng cơ bản mà không phải ai cũng biết. Tiếp xúc với nền giáo dục, nền văn hóa mới cũng đem lại cho các bạn trẻ trải nghiệm về xu thế xã hội và văn hóa tương lai, ảnh hưởng đến việc định hình bản thân và xác định mục tiêu cho mình trong cuộc sống, công việc.

Lương nghìn đô khi chưa tốt nghiệp

Mức lương ấy đáng mơ ước nhưng không phải mục tiêu xa vời với sinh viên ĐH FPT khi 100% các bạn được thực tập doanh nghiệp trước khi ra trường. Một số bạn giàu trải nghiệm hơn, còn thực tập ở các doanh nghiệp nước ngoài. Làm thật, cống hiến thật cho hiệu quả kinh doanh của công ty, sinh viên ĐH FPT được tuyển dụng ngay khi chưa cầm bằng trong tay không phải chuyện hiếm. Một số bạn nhận mức lương khởi điểm lên đến cả nghìn đô như bạn Đồng Thị Hồng Thắm được công ty BigtreeT (Nhật Bản) tuyển dụng với lương 3.000 USD, Nguyễn Việt Tú được một trong những tập đoàn đường sắt lớn nhất Nhật Bản – JEIS tuyển dụng với mức lương tương tự.

Nguyễn Việt Tú (thứ 3 từ trái sang) từng được bạn bè gọi là “quái kiệt trường ĐH” khi chưa tốt nghiệp đã yên tâm có công việc lương nghìn USD ở Nhật đợi sẵn.

Được khuyến khích thực tập, đi làm sớm, sinh viên ĐH FPT dường như “bị ném” vào môi trường doanh nghiệp để tự thử thách kỹ năng sinh tồn. Khi đó, kiến thức chuyên ngành chỉ là một phần nhỏ, có thể học được, còn thái độ làm việc, kỹ năng hòa đồng, khả năng thể hiện bản thân… là những yếu tố đánh giá chất lượng nhân sự mà các doanh nghiệp hiện nay quan tâm. Càng rèn luyện để tự trang bị những kỹ năng đó sớm, sinh viên ĐH FPT càng có lợi thế khi cạnh tranh với bạn bè trường khác trong thị trường lao động toàn cầu.

Hòa quyện văn hóa thế giới và bản sắc dân tộc

ĐH FPT đào tạo sinh viên bằng giáo trình nước ngoài. Môi trường trải nghiệm có cả thầy cô giáo và bạn bè “Tây”. Nhiều màu da, quốc tịch cùng tham gia vào những hoạt động trải nghiệm tại trường đem đến không gian ngập tràn văn hóa năm châu. Nhưng, sinh viên ĐH FPT rất Việt Nam khi ngay cả nữ sinh cũng biết đi quyền Vovinam bài bản, nam sinh chơi nhạc cụ dân tộc điêu luyện chẳng kém nghệ sĩ thực thụ.

Nữ sinh ĐH FPT sáng lên giảng đường nói tiếng Anh như gió, chiều ra sân trường đánh võ Vovinam là chuyện bình thường

Tiếp cận cả những xu thế văn hóa thế giới, xu thế văn hóa Việt Nam và Á Đông, sinh viên ĐH FPT giàu có về vốn sống, phong phú trải nghiệm và luôn giữ cho mình “hồn dân tộc” qua việc thấu hiểu đặc trưng văn hóa Việt Nam. Đây là nền tảng để các bạn ý thức được bản sắc cá nhân giữa thế giới phẳng. Điều này tạo nên khác biệt của sinh viên ĐH FPT so với bạn bè và là lợi thế để các bạn phát triển kỹ năng sống toàn cầu.

“Combo” tiện ích trong lòng học xá

Sống nội trú trong ký túc xá điều hòa mát rượi, đi ăn ở căng-tin có xe điện miễn phí đưa đón, quần áo bẩn đem xuống khu giặt là tự động ấn nút một cái là xong, cafe với bạn bè có thể lựa chọn những tên tuổi “hạng A” trong nước là một phần trong “combo” tiện ích mà sinh viên ĐH FPT có được ngay trong lòng học xá.

Những trận cầu nảy lửa khi ánh đèn buông xuống trong lòng khuôn viên ĐH FPT trở thành một trong nhiều trải nghiệm tuổi trẻ đáng nhớ của sinh viên

Không chỉ chăm lo trải nghiệm qua học tập, hoạt động mà còn để tâm đến cả đời sống nội trú, ĐH FPT mong muốn những năm thanh xuân của các bạn trẻ ở đây sẽ là khoảng thời gian đáng nhớ. Được trải nghiệm đời sống nội trú với đầy đủ cung bậc cảm xúc, những câu chuyện tình bạn, tình thầy trò… sẽ trở thành vốn sống hữu ích cho các bạn trẻ, bước đệm để sinh viên bước vào đời sống xã hội thật sau cánh cửa giảng đường.

Theo Yeah1.com

Exit mobile version