Trường Đại học FPT

Sky Mavis: Hành trình vượt thử thách trở thành kỳ lân công nghệ tỷ đô

Với Axie Infinity, tựa game NFT đắt giá nhất thế giới, Sky Mavis không chỉ tạo ra một hiện tượng toàn cầu mà còn tiên phong cho trào lưu “play-to-earn”. Tuy nhiên, đằng sau hào quang ấy là những thử thách cam go mà đội ngũ sáng lập, dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Thành Trung (cựu sinh viên FPT Edu), đã kiên cường đối mặt.

Tầm nhìn chiến lược của Trung, cùng sự đồng lòng và nỗ lực bền bỉ của cả đội ngũ, đã giúp Sky Mavis vượt qua mọi trở ngại, khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành blockchain gaming.

Ra mắt năm 2018, Axie Infinity bước đầu thu hút sự chú ý trong giới blockchain gaming, nhưng phải đến năm 2021, tựa game này mới thực sự bùng nổ. Với tổng giá trị giao dịch NFT đạt hơn 4,3 tỷ USD, đỉnh điểm có 3 triệu người chơi, đồng thời sở hữu các giao dịch kỷ lục như một nhân vật Axie trị giá 814.000 USD, một mảnh đất kỹ thuật số được bán với giá 2,5 triệu USD, Axie Infinity đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ của làn sóng blockchain gaming toàn cầu.

Theo đó, Sky Mavis nhanh chóng trở thành kỳ lân công nghệ thần tốc nhất Việt Nam, đạt định giá 3 tỷ USD chỉ sau ba năm thành lập. Đặc biệt, đồng AXS – token của Axie Infinity – từng đạt giá trị vốn hóa hơn 9 tỷ USD vào tháng 11/2021, một minh chứng cho sức hút của hệ sinh thái mà Sky Mavis tạo ra.

Sky Mavis đã huy động thành công 152 triệu USD trong vòng Series B vào cuối năm 2021.

Dẫu vậy, hành trình của Sky Mavis không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Cuối năm 2018, khi thị trường crypto lao dốc, công ty rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. CEO Sky Mavis cho biết: “Giai đoạn đó, nguồn vốn dần cạn, các nhà sáng lập Sky Mavis thậm chí đã không nhận lương, công ty đối mặt với áp lực đến mức phải cân nhắc sa thải nhân sự. Nhưng thay vì từ bỏ, chúng tôi quyết định mở bán trước các NFT trong game để huy động thêm nguồn lực tiếp tục phát triển”.

Đầu năm 2022, Sky Mavis một lần nữa gặp phải biến cố lớn khi cầu nối Ronin bị hacker tấn công, gây thiệt hại nặng nề với giá trị tương đương hơn 600 triệu USD. Ngay sau khi phát hiện sự cố, công ty đã chủ động nhận trách nhiệm, minh bạch hóa thông tin, nhanh chóng khắc phục lỗ hổng hệ thống và hoàn tất việc đền bù thiệt hại cho toàn bộ người dùng. Sky Mavis cũng từng bước nâng cấp và củng cố hệ thống bảo mật để ngăn ngừa những sự cố tương tự trong tương lai.

Chính tinh thần trách nhiệm, sự đổi mới không ngừng và những quyết định táo bạo trong nghịch cảnh đã giúp Sky Mavis vượt qua khó khăn, củng cố vị thế vững chắc trong lĩnh vực blockchain gaming. Thành quả này cũng là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết và nỗ lực không ngừng của cả đội ngũ công ty. Trong đó, Nguyễn Thành Trung – với vai trò đồng sáng lập và CEO – đã dẫn dắt tập thể bằng những định hướng quan trọng.

Trung (hàng đầu, bên phải) và các cộng sự đồng sáng lập Sky Mavis.

Trong những thời khắc khó khăn nhất, CEO 9X luôn phát huy tốt tinh thần “làm khác để làm tốt”, kỷ luật và trách nhiệm – những bài học đã theo anh từ khi còn là sinh viên FPT Edu.

“FPT Edu là môi trường đề cao tính thực tiễn. Việc “học đi đôi với hành” giúp tôi sớm có cơ hội ra ngoài tiếp xúc với môi trường làm việc. Thời sinh viên của tôi có phần đặc biệt, ngay từ năm 2, tôi đã quyết định dừng học (dù gia đình phản đối) để khởi nghiệp Lozi. Sau hơn 3 năm gắn bó với Lozi, tôi chọn quay lại trường để hoàn thành chương trình Đại học.

Mọi người thường nhắc đến những tấm gương điển hình cho việc bỏ học nhưng thành công như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs… Nhưng với tôi, việc quay lại trường để hoàn thành chương trình học là quyết định đúng đắn và sáng suốt nhất. Những gì tôi học được ở FPT Edu không chỉ là kiến thức mà còn là tinh thần đổi mới sáng tạo, tính kỷ luật và trách nhiệm – những yếu tố quan trọng khi tôi xây dựng dự án tiếp theo như Axie Infinity”, Trung cho biết.

Mới đây, Trung đã được ghi nhận những thành công trong sự nghiệp một cách đầy ý nghĩa khi lọt vào danh sách 25 cựu sinh viên ưu tú nhất của FPT Edu trong hành trình 25 năm phát triển.

Từ trải nghiệm của mình, CEO Sky Mavis cho rằng để thành công trong môi trường khởi nghiệp đầy thách thức như hiện nay, việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cá nhân là yếu tố quan trọng nhất. “Những người trẻ, trước hết cần chủ động tìm kiếm thế mạnh của mình thông qua việc tìm hiểu, trải nghiệm và đánh giá mức độ phù hợp đối với bản thân từ sớm. Song song với việc tìm kiếm là nuôi dưỡng, bằng cách không ngừng học hỏi, liên tục thực hành, tích lũy kinh nghiệm qua công việc thực tế. Khởi nghiệp là hành trình không hề đơn giản, cần có sự nỗ lực, phải kiên trì và thật sự kiên trì”, Trung nhấn mạnh.

Theo Tiền phong

Exit mobile version