Trường Đại học FPT

Teen hào hứng nâng cao năng lực não bộ cùng TS Nguyễn Hồng Phương

Hội trường Innovation, công viên phần mềm Quang Trung, TP.HCM của Đại học FPT chiều thứ 7 ngày 03/02 rộn ràng hơn khi hơn 300 học sinh THPT Trần Hưng Đạo (Q. Gò Vấp) và THPT Tây Thạnh (Q. Tân Phú) tham gia buổi chia sẻ “Nâng cao năng lực não bộ” của TS. Nguyễn Hồng Phương.

Nguyễn Hồng Phương – Giám đốc đào tạo Viện quản trị kinh doanh FPT, nguyên Trưởng ban đào tạo ĐH FPT từng được biết đến là người hướng dẫn và đem kỷ lục về trí nhớ cho các sinh viên Đại học FPT năm 2015. Với 15 sinh viên xuất sắc vượt qua kỳ kiểm tra năng lực não bộ, ĐH FPT đã chính thức được Tổ chức Guiness Việt Nam công nhận là “Trường đại học đầu tiên có nhiều sinh viên nhận chứng chỉ Memory Grand Master” nhất.

Teen chăm chú nghe những chia sẻ của “Tiến sĩ não bộ” Nguyễn Hồng Phương.

Nằm trong chương trình Open Day – Trải nghiệm sự khác biệt tại Đại học FPT, “Tiến sĩ não bộ” đã lan toả nguồn năng lượng tích cực của mình đến các học sinh khối 12. TS. Hồng Phương bắt đầu 60 phút học phương pháp tăng cường trí nhớ bằng tình huống quen thuộc: “có bạn nào từng học bài khuya, đói bụng và khi xuống đến nhà bếp, mở tủ lạnh ra lại không nhớ mình muốn lấy cái gì không”?

“Chúng ta sẽ nhớ hình ảnh lâu hơn các con số và chữ viết” – nữ tiến sĩ khẳng định. Để minh hoạ dễ hiểu hơn, TS. Hồng Phương dùng một bình nước suối 5 lít đã cắt đáy, thả từ phía đáy bình những ký tự chữ, số. Ngay lập tức, các ký tự rơi vào miệng chai và rớt ra ngoài. TS. Hồng Phương thay bằng những con thú nhồi bông và chúng không thể rơi ra khỏi “não bộ”.

TS Hồng Phương chia sẻ cách thức ghi nhớ bằng phương pháp Christmas. Trong đó, C – concentration (Sự tập trung), R – Ridiculous Thinking (Suy nghĩ Hài hước), I – Imagination (Sự tưởng tượng), M – Mnemonics (Sự ghi nhớ) , A – Associtation (Sự kết hợp), S- Science of Belief (Niềm tin), đưa ra các minh chứng cụ thể và dễ nhớ để chuyển dữ kiện bằng số hoặc chữ thành hình ảnh để ghi nhớ lâu hơn.

Sinh viên Đại học FPT Phạm Hồng Linh (trái) và Trần Nguyễn Phước (phải) ghi nhớ chuỗi 48 số chỉ trong thời gian rất ngắn. Nguyễn Phước cũng là 1 trong số 15 sinh viên đại học FPT được nhận chứng chỉ Memory Grand Master.

Ở mỗi nội dung hướng dẫn, nữ tiến sĩ đều cho teens áp dụng tại chỗ. Với yếu tố tưởng tượng, TS. Hồng Phương lồng ghép các dữ kiện vào tình huống để sinh viên dễ nhớ hơn, như: “các em hãy tưởng tượng màn chiếu của chúng ta đã bị cô Phương dùng kéo cắt một lỗ to”, hay “các em có thấy trên bục có một hộp bánh cô Phương để không”… vừa tưởng tượng, các học sinh vừa nhớ một danh sách dài 8 món cần đi mua. Hay để minh hoạ cho yếu tố liên kết, TS. Hồng Phương đã hướng dẫn học sinh ghi nhớ 10 đặc tính của nhựa bằng cách liên tưởng lý thuyết vào đặc tính của một con người, nhìn tóc để nhớ đặc tính nhẹ, “trán “cứng đầu” để nhớ “khó phân huỷ”… Qua cách hướng dẫn của cô Phương, bức tranh có nhiều yếu tố hay danh sách dài các món vật dụng, hay 10 đặc tính của nhựa cũng được học sinh ghi nhớ chỉ trong 5-10 phút.

Kính VR thu hút đông đảo học sinh trải nghiệm công nghệ mới.

“Tại Đại học FPT, sinh viên các khoá đều đã được học những cách rèn luyện trí nhớ trong tuần lễ định hướng đầu năm học” – TS. Nguyễn Hồng Phương chia sẻ. Để tăng tính thuyết phục, buổi chia sẻ của TS. Nguyễn Hồng Phương còn có sự tham gia của Trần Nguyễn Phước – sinh viên khoá 10 và Phạm Hoàng Linh – sinh viên khoá 11. Hai sinh viên đã lần lượt đọc chuỗi 48 con số theo cả 2 chiều xuôi ngược khi chỉ có chưa đầy 5 phút để ghi nhớ.

Cùng trong ngày hội Open Day, học sinh cũng đã được chia sẻ định hướng ngành nghề, quy chế tuyển sinh cũng như trải nghiệm sản phẩm công nghệ 4.0 và giao lưu các câu lạc bộ qua sự kiện chợ Tết dân gian tại Đại học FPT.

Thích thú với từng hoạt động trong ngày Open Day, học sinh Nguyễn Thị Thu Hà – 12A6 – THPT Trần Hưng Đạo cho biết: “buổi chia sẻ rất thú vị, có nhiều cách để ghi nhớ rất hay mà từ trước đến nay em chưa từng thử bao giờ. Qua buổi học, em có thêm nhiều phương pháp học để áp dụng cho mình”.

H.B – Hana

 

 

Exit mobile version