Theo chân sinh viên ĐH FPT đi chợ… làm bài tập

Nhóm sinh viên khối ngành Kinh tế thích thú với những kiến thức mới mẻ sau chuyến đi tới Chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức diễn ra sáng 19/10 để làm bài khảo sát về hệ thống phân phối trong môn Marketing căn bản học tại trường.

Thức dậy rất sớm, đi ra chợ và… làm bài tập. Bên cạnh những buổi học lý thuyết, sinh viên Đại học FPT có nhiều trải nghiệm thông qua các buổi khảo sát thực tế.

Bước chân vào chợ, Mai Huy Hoàng, sinh viên K11 ngành Quản trị Kinh doanh đến gian hàng bán hoa tươi để khảo sát giá trước dịp lễ. Điều làm Hoàng ngạc nhiên là sự thân thiện của những tiểu thương ở một khu chợ lớn: “Trước đây, mình khá ngại đi chợ vì mình nghĩ, việc chợ đi thường dành cho con gái. Mình chẳng biết phải làm như thế nào để thuyết phục người khác chia sẻ thông tin, cũng chẳng biết phải hỏi chuyện ra sao để thu thập thông tin cho bài tập về các kênh phân phối”.

Sinh viên Mai Huy Hoàng (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm đi khảo sát thị trường hoa tươi trước ngày lễ.

Vừa mua hàng, vừa trò chuyện, Hoàng háo hức chia sẻ với các bạn những thông tin thu thập được: Đúng là có đi trải nghiệm mới vỡ lẽ ra nhiều điều”. Khảo sát tại khoảng hơn 10 gian hàng, Hoàng biết được tại những chợ đầu mối, thời gian hoạt động nhộn nhịp là từ 9h tối về khoảng 3, 4 giờ sáng. Hoa được nhập từ Hà Nội, Đà Lạt bằng đường bộ và đường hàng không. Người đến mua ở chợ chủ yếu là những tiểu thương nhỏ, chủ các cửa hàng hoa trong thành phố.

Trong khi đó, sinh viên Đặng Nguyễn Xuân Hương gặp khó khăn khi khảo sát gian hàng rau củ: “Nhiều tiểu thương không đồng ý trả lời phỏng vấn. Họ bận rộn phân loại hàng hóa và phân phối xe hàng”. Tuy nhiên, Hương biết được, giá cả tại chợ đầu mối luôn rẻ hơn bên ngoài từ 1/3 đến 1/2 đơn giá. Mang về khoai, cà rốt, xoài, ổi… nhóm của Hương tự tin sẽ làm bài khảo sát tốt vì đã hiểu được tâm lý người bán hàng, cách mua bán các loại mặt hàng.

Lần đầu tiên sinh viên được khảo sát tại một chợ đầu mối.

Cùng với thành viên của nhóm mình, Lâm Nguyễn Tấn Duy – sinh viên K12, ngành Kinh doanh Quốc tế cho biết: “Những chuyến đi thực tế giúp chúng mình trở nên năng động hơn, chủ động giao tiếp để thu thập thông tin”. Nuôi ước mơ được làm việc trong lĩnh vực Marketing tại nước ngoài, Duy chọn trường Đại học FPT để được trang bị tốt kỹ năng Tiếng Anh, được đào tạo gắn với thực tiễn. Với đề tài là các kênh phân phối, hơn 20 sinh viên trong chuyến đi đã học được nhiều kiến thức từ tâm lý, doanh số đến cách thức, giá cả… Nhiều bạn thích thú khi đây là lần đầu tiên được cùng nhóm bạn đến làm bài tập tại chợ đầu mối.

Chú trọng tới tính thực tế, trường Đại học FPT vẫn thường xuyên tổ chức nhiều chương trình tham quan doanh nghiệp, khảo sát thị trường, nhiều buổi hội thảo và các chương trình trải nghiệm giúp sinh viên chủ động lĩnh hội kiến thức. Đây là một trong những điểm mạnh để các doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp từ ĐH FPT.

Cóc đọc