Trường Đại học FPT

Thí sinh FPT Hackathon 2025 giải bài toán về AI và logistics thông minh

Trường Đại học FPT tổ chức cuộc thi FPT Hackathon 2025 với quy mô toàn quốc, tạo sân chơi cho tài năng trẻ giải bài toán về AI và logistics thông minh.

Với chủ đề “Chip AI – Logistics on Edge”, cuộc thi tập trung vào việc ứng dụng AI, IoT và công nghệ chip nhúng để giải quyết các thách thức trong lĩnh vực logistics, ngành công nghiệp đang trải qua làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ. Cuộc thi do Trường Đại học FPT, Tập đoàn FPT, tổ chức từ năm 2018 nhằm phát hiện tài năng công nghệ trẻ, triển khai mô hình đào tạo thực chiến giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa giảng đường và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh AI trở thành “hạ tầng công nghệ” của kỷ nguyên mới, Trường Đại học FPT hướng tới tạo lợi thế cạnh tranh cho sinh viên và đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. FPT Hackathon là một trong những hoạt động trọng điểm hiện thực hóa chiến lược này, giúp sinh viên làm quen với AI từ sớm, trực tiếp ứng dụng vào các bài toán thực tế của doanh nghiệp.

DSC07665
FPT Hackathon 2025 có gần 600 sinh viên đại học, cao đẳng toàn quốc tham gia.

Bà Phạm Tuyết Hạnh Hà – Trưởng ban tổ chức FPT Hackathon kiêm Trưởng ban công tác học đường, Mảng giáo dục Tập đoàn FPT cho biết, cuộc thi giúp sinh viên phát triển các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tư duy đổi mới sáng tạo, tinh thần lãnh đạo.

“FPT Hackathon là ví dụ cho triết lý giáo dục của trường bởi thí sinh phải chủ động tìm tòi, tự học kiến thức mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ đang thay đổi hằng ngày. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thích ứng với môi trường làm việc sau này”, bà nói thêm.

FPT Hackathon 2025 có 131 đội thi với gần 600 sinh viên từ 35 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc, tranh tài tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Cuộc thi gồm hai vòng: Sơ loại (ngày 25/5) và Chung kết (ngày 18-20/7).

Tại vòng đầu tiên, các đội có 5 tiếng để hoàn thành bài lập trình theo đề bài được ban giám khảo đưa ra. Mỗi khu vực chọn ra 5 đội xuất sắc ở bảng đại học và cao đẳng để vào vòng chung kết. Kết quả, đại diện Trường Đại học FPT, trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Cao đẳng FPT Polytechnic… vượt qua vòng Sơ loại đi tiếp vào Chung kết.

Đội HNNation (Trường Đại học FPT) giành vị trí cao nhất bảng đại học khu vực Hà Nội.

Nguyễn Mạnh Khang – đội LeBoBo (Viện đào tạo quốc tế FPT Hà Nội) chia sẻ, Hackathon khiến cậu bất ngờ vì tốc độ và áp lực thời gian rất lớn, đòi hỏi kỹ thuật và làm việc nhóm ăn ý. Vòng Sơ loại của FPT Hackathon 2025 thiên về giải các bài toán logic thử thách tư duy, yêu cầu code nhanh và chính xác.

“Điều này giúp chúng em rèn luyện khả năng tư duy phản xạ và chia việc hợp lý trong thời gian rất ngắn, khác hẳn với những trải nghiệm em từng được trải qua ở lớp học”, nam sinh nói thêm.

Tại vòng Chung kết, các đội sẽ bước vào 27 tiếng code liên tục, mô phỏng quá trình phát triển sản phẩm công nghệ cấp tốc. Ngoài kỹ năng lập trình, các đội còn trải qua phần thuyết trình, phản biện và bảo vệ sản phẩm trước hội đồng giám khảo là chuyên gia công nghệ từ doanh nghiệp logistics lớn. Kết quả chung cuộc dựa trên mức độ hoàn thiện, hiệu năng và tính ứng dụng thực tiễn của sản phẩm.

Tổng giải thưởng cuộc thi năm nay vượt 200 triệu đồng, chia đều cho các khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Mỗi khu vực có một giải Nhất (15 triệu đồng), một giải Nhì (10 triệu), một giải Ba (5 triệu) và hai giải Triển vọng (3 triệu).

Thí sinh tập trung cao độ hoàn thành bài thi lập trình dài 5 tiếng của vòng Sơ loại FPT Hackathon.

Trong hành trình gần một thập kỷ phát triển, FPT Hackathon tạo cơ hội cho nhiều nhóm sinh viên phát triển dự án thành sản phẩm thương mại hoặc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu trong chương trình thạc sĩ công nghệ. Chủ đề qua các năm bám sát xu hướng công nghệ thời sự: Internet vạn vật (IoT, 2018), môi trường (2019), AI xử lý ảnh (2021), blockchain (2022) và Generative AI (2024). Điều này góp phần thể hiện rõ triết lý “học để làm thật” của Trường Đại học FPT.

Trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy Nghị quyết 57 về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trường và các chương trình như Hackathon góp phần tìm ra thế hệ chiến lược này. Cuộc thi lan tỏa mô hình đào tạo gắn thực tiễn, đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ có tư duy đổi mới sáng tạo, sẵn sàng đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Cuộc thi còn có sự đồng hành của các tổ chức như Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, các công ty thành viên Tập đoàn FPT, doanh nghiệp và chuyên gia đầu ngành logistics.

Theo VnExpress

Exit mobile version