Là sinh viên K16 chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, Kiệt ghi dấu ấn tại nhiều cuộc thi khởi nghiệp như DB-SNUBIZ Global Startup Challenge 2023, Water Hackathon 2024 và Sáng kiến Mekong 2024.
Trần Khánh Kiệt hiện là sinh viên năm cuối (kỳ 9) chuyên ngành Kinh doanh quốc tế của Trường Đại học FPT. Tuy nhiên trước đó, đích đến ban đầu của chàng trai người Kiên Giang không phải lĩnh vực kinh doanh mà là chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm. Chỉ đến khi bước vào quá trình học tiếng Anh nền tảng tại năm nhất và được thầy cô tái định hướng, Kiệt mới quyết định “rẽ lối” đổi chuyên ngành.
“Chương trình giảng dạy nhóm ngành Kinh tế tại trường tập trung đào tạo lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực chiến, kèm theo đó là đào tạo kỹ năng mềm như teamwork (làm việc nhóm), thuyết trình, phản biện và giao tiếp. Chính điều đó đã thu hút mình theo đuổi chuyên ngành Kinh doanh quốc tế và say mê đến tận bây giờ”, Kiệt cho hay.

Từ ý tưởng đến những giải pháp bền vững
Mang tâm thế khám phá và học hỏi, Kiệt “bén duyên” với các cuộc thi khởi nghiệp từ cuối năm hai. Càng đi sâu, chàng trai sinh năm 2002 càng bị cuốn hút khi các cuộc thi giúp cậu không ngừng phát huy tinh thần sáng tạo, đưa ý tưởng thành giá trị thực, rèn luyện tư duy kinh doanh, đồng thời nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, kỹ năng lãnh đạo và mở rộng mạng lưới kết nối. Đây dần trở thành động lực để cậu theo đuổi con đường khởi nghiệp khi còn là sinh viên.
Trong số các cuộc thi đã tham gia, Kiệt ấn tượng nhất với DB-SNUBIZ Global Startup Challenge 2023 – cuộc thi khởi nghiệp quốc tế dành cho sinh viên đại học tại các quốc gia châu Á, được tổ chức bởi Tập đoàn DB và Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Seoul. Đây đồng thời là lần đầu tiên chàng trai trẻ bước chân vào sân chơi khởi nghiệp.
Tại cuộc thi, đội của Kiệt mang đến dự án “Plastic làm từ hạt bơ” với khả năng tận dụng phụ phẩm hạt bơ tạo ra một loại vật liệu mới mang tính cứng và khả năng chịu nhiệt cao. Vật liệu này có thể thay thế nhựa trong sản xuất các sản phẩm như muỗng, đũa, bàn ghế.
“Dự án không chỉ mang đến một giải pháp thân thiện với môi trường, mà còn hướng tới tính ứng dụng cao và khả năng thương mại hóa bền vững. Cả nhóm đã trải qua nhiều vòng thi từ nghiên cứu sản phẩm mẫu đến phát triển kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh, đánh giá mức độ thành công và tính khả thi của dự án với ban giám khảo. Kết quả, nhóm vượt qua hơn 300 đối thủ từ các nước trong khu vực để ghi tên vào Top 35, là một trong 3 nhóm đại diện Việt Nam đạt thành tích này. Đây cũng chính là dự án giúp nhóm mình giành giải Nhất Business Challenge 2023 tại Trường Đại học FPT”, Kiệt chia sẻ.
Bước sang năm 2024, Kiệt tiếp tục thử thách sức sáng tạo của bản thân khi tham dự Water Hackathon – cuộc thi tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững về môi trường, nơi cho phép cậu được kết hợp tư duy thị trường với các giải pháp phát triển bền vững. Nhóm Kiệt trình làng dự án “Vải sinh học không dệt làm từ bã cà phê”, giúp giảm thiểu rác thải hữu cơ và thay thế các loại vải tổng hợp gây ô nhiễm môi trường.
Để hoàn thiện dự án, nhóm đã phải đối mặt với không ít thử thách, đặc biệt trong quá trình nghiên cứu và phát triển công thức sản xuất. Việc tối ưu hóa độ bền, khả năng phân hủy và tính ứng dụng thực tế của vải sinh học không dệt làm từ bã cà phê đã đẩy nhóm vào những thử nghiệm không ngừng nghỉ, yêu cầu sự sáng tạo và điều chỉnh liên tục. Mỗi lần thử nghiệm đều mang lại bài học quý giá, giúp nhóm tiến gần hơn đến mục tiêu cuối cùng: tạo ra một sản phẩm bền vững và ứng dụng cao.
Kết quả, dự án đã nhận được sự công nhận từ hội đồng giám khảo với đánh giá tích cực: hoàn toàn khả thi, có tiềm năng thương mại hóa cao và ứng dụng thực tiễn, giúp nhóm giành giải Ba tại Water Hackathon 2024. Không dừng lại ở đó, ý tưởng sáng tạo này tiếp tục lọt vào Top 30 Sáng kiến Mekong 2024 – cuộc thi tìm kiếm các giải pháp đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Mục tiêu chinh phục ngành logistics
Với Kiệt, khởi nghiệp không chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp mà còn là hành trình khám phá và thử thách bản thân. Cậu đánh giá tiềm năng khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam là rất lớn khi các bạn có tư duy cởi mở, nhanh nhạy với công nghệ và luôn sẵn sàng đối mặt thử thách.
Kiệt cũng đặc biệt nhấn mạnh lợi thế vượt trội mà sinh viên Trường Đại học FPT sở hữu. Nền tảng đào tạo thực tiễn tại đây chính là điểm tựa vững chắc giúp các bạn bước vào sân chơi khởi nghiệp một cách tự tin. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, sinh viên còn được trải nghiệm thực tế qua những môn học như “Trải nghiệm khởi nghiệp” (EXE101 và EXE201), qua đó rèn luyện tư duy kinh doanh, khả năng giải quyết vấn đề và xây dựng mô hình khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Với sự hỗ trợ từ chương trình đào tạo thực tiễn, các cuộc thi khởi nghiệp và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, sinh viên Trường Đại học FPT ngày càng có nhiều cơ hội để biến ý tưởng thành hiện thực. Nhưng quan trọng nhất, chính tinh thần dám nghĩ dám làm và không ngại thất bại sẽ giúp tạo ra những startup có sức ảnh hưởng, những ý tưởng kinh doanh xuất sắc trong tương lai”, Kiệt cho biết.
Sau khi tích lũy dày dạn kinh nghiệm, chàng trai sinh năm 2002 quyết định tạm gác lại các sân chơi khởi nghiệp để dồn toàn bộ thời gian vào việc định hướng rõ ràng hơn cho con đường sự nghiệp. Cậu chọn theo đuổi lĩnh vực logistics – ngành đang phát triển mạnh mẽ và có xu hướng toàn cầu – với kỳ vọng sẽ có cơ hội áp dụng tư duy sáng tạo và khởi nghiệp vào lĩnh vực này, góp phần tạo ra những giải pháp đổi mới và bền vững.
“Khởi nghiệp là một hành trình đầy thử thách, nỗi sợ thất bại sẽ luôn là cái bóng vô hình khiến chúng ta không dám thực hiện những ý tưởng đột phá. Nhưng mỗi thất bại sẽ là một bài học quý giá giúp hoàn thiện sản phẩm và hoàn thiện chính bản thân mình. Không những vậy, tư duy đổi mới giúp startup thích nghi nhanh với thị trường, tìm ra hướng đi khác biệt và tạo giá trị thực sự. Sự kiên trì, linh hoạt và sáng tạo sẽ là chìa khóa giúp startup trẻ học hỏi nhiều điều mới mẻ và ngày càng phát triển hơn”, Kiệt khẳng định.
Bích Hiền