Trường Đại học FPT

Trung Nguyễn: Từ học sinh nghịch ngợm đến tỷ phú đô la công nghệ

Nguyễn Thành Trung – Co-Founder và CEO Axie Infinity đồng thời là cựu sinh viên trường F vừa có buổi giao lưu với SV ĐH FPT tối qua 27/7 trên nền tảng Zoom và livestream. Chương trình còn có sự xuất hiện của 2 người dẫn dắt đặc biệt là anh Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT và chị Phạm Tuyết Hạnh Hà – Trưởng Ban học đường Tổ chức Giáo dục FPT.

Xuất hiện liên tục trên các tạp chí tài chính điện tử, Trung Nguyễn và Axie Infinity đã tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng mạng thế giới với thành tích đáng nể của mình.

Với tốc độ tăng trưởng “không thể ngăn cản nổi”, Axie Infinity đã trở thành tựa game NFT đắt giá nhất mọi thời đại với giá trị vốn hóa gần 2,5 tỷ USD (~ 60 nghìn tỷ VNĐ). Đây là niềm tự hào không chỉ của làng game thủ mà còn lan sang cả giới công nghệ Việt Nam theo GameK.vn). Trung cho biết bản thân rất vui vì sự cố gắng của nhóm đã được mọi người ghi nhận sau 3 năm hoạt động của Axie Infinity.

Sự kiện nằm trong họạt động của FES-Webinar là chuỗi talkshow được tổ chức trên nền tảng giao lưu trực tuyến, dành cho học sinh, sinh viên các đơn vị thuộc Tổ chức Giáo dục FPT.

Với hơn 300 sinh viên theo dõi qua nền tảng Zoom và hơn 1000 người theo dõi qua livestream, nhiều câu chuyện thú vị về hành trình tỷ đô của Axie Infinity, chuyện thời sinh viên dưới mái trường FPT, đam mê, sở thích, tính cách, những vấp ngã tuổi trẻ cũng như lời khuyên chân tình được Trung chia sẻ cởi mở đến các bạn sinh viên.

Bản thân Trung chưa từng nghĩ có một ngày sẽ làm về game dù cậu “nghiện” game từ bé, từng cúp học cùng đám bạn ra ngồi quán net. Bên cạnh sở thích thì đam mê lớn nhất của cậu là công nghệ, Trung tiếp xúc với máy tính từ lớp 8 – 9 và mượn sách giải Pascal để cài vào máy tính. Trung thích thú khi tập tành những dòng lệnh đầu tiên cho máy tính “em thích cảm giác tự tay mình điều khiển suy nghĩ sáng tạo”. Trung học lập trình từ bé thông qua việc đọc sách và chính vì năm đó được tiếp xúc với sách giải nên đã nuôi dưỡng niềm đam mê công nghệ trong cậu.

Chàng tỷ phú công nghệ trẻ tuổi với phong cách nói chuyện điềm đạm, từ tốn.

Mọi khó khăn đều bắt đầu từ đam mê, khi bước vào ngành game dù bị hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức, không có lợi thế cạnh tranh nhưng Trung biết cách kết hợp giữa công nghệ và game để làm nên thành công như hiện tại. “Lúc đầu em ghét blockchain vì lúc đó mọi người đang có cái nhìn tiêu cực về nó nhưng về sau chơi thử thì em đã khách quan hơn”. Quá trình phác thảo ý tưởng cho tới lúc phát hành của Axie diễn ra thuận lợi nhưng khó khăn ở thời kỳ đầu của Axie vẫn là gọi vốn như bao công ty star up khác. Trung cũng chia sẻ thêm điều làm nên thành công của Axie Infinity là làm việc nhóm, ở đây là các cộng sự thực sự thấu hiểu nhau, sẵn sàng đi cùng nhau. “Em khá kỹ tính trong việc chọn người làm việc cùng, chọn cộng đồng game, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng đồng thời cũng là điểm mạnh của Axie. Vì những người chơi đầu tiên là những người đặt nền móng để tạo văn hoá, giá trị cốt lõi cho cộng đồng”. Được biết, Philippines là cộng đồng người chơi lớn nhất của Axie.

Bản thân từng mê game nên ở cương vị làm ra sản phẩm, thấu hiểu người chơi, Trung nhận định, game cũng phản ánh đời sống thực, là ứng dụng, là sản phẩm “mình ở gần người chơi hơn, mình lan truyền sự thân thiện”. “Em tin rằng muốn xây dựng văn hóa game tốt thì việc lựa chọn cộng đồng ngay từ những ngày đầu là tiên quyết. Với cương vị là người làm sản phẩm, em luôn cố gắng thu ngắn khoảng cách giữa người làm và người chơi để thấu hiểu nhu cầu và làm ra một sản phẩm ưu việt. Qua đó, lan truyền những suy nghĩ, thông điệp và tầm ảnh hưởng tới người chơi của mình. Đó là một mối quan hệ tin tưởng”. “Axie là một game chưa có nhiều thời gian hoàn thiện, phần lớn bọn em mới tập trung xử lý phần kỹ thuật. Tuy nhiên, điều đã tạo nên sự hấp dẫn của Axie chính là thiết kế, sáng tạo tinh tế của đời sống trong game rất gần với đời sống thường ngày. Nền kinh tế trong Axie giúp người chơi được làm chủ và có những trải nghiệm giống đời thực. Sau cùng, em nghĩ tính hấp dẫn một phần cũng do phần thưởng trong game mang giá trị thật” – Trung nói thêm.

Anh Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT xuất hiện với người dẫn dắt, đặt nhiều câu hỏi thích thú cho Trung Nguyễn.

Nói về thời nhất quỷ nhỉ ma của Trung cũng khá thú vị, thông minh, lanh lợi nhưng không kém phần nghịch ngỗ khi 7-8 lần phải mời phụ huynh lên gặp thầy giáo vì chơi game nhiều hơn học. “Hồi THPT (chuyên Toán Tin – ĐH KHTN) em hơi ngông cuồng, do xuất phát điểm đi trước, nghĩ mình “vô đối” nên xem nhẹ chuyện học nhưng chính sự ngông cuồng đó phải trả giá nhất định khi các bạn đang gần về đích thì mình bị tụt lại phía sau, cũng may là bản thân theo kịp”. Nhưng “quậy” theo cách của Trung là để khám phá ra tính cách của mình nhưng đừng vượt quá giới hạn cho phép.

Dù có đam mê rõ ràng về công nghệ nhưng bản thân Trung lúc đó cũng không tránh khỏi đôi ba lần phân vân giữa công nghệ hay kinh tế “lúc đó em băn khoăn giữa tin học và ngoại thương nhưng bố mẹ đã khuyên em nên chọn tin học”. Được 3 trường tuyển thẳng, Trung theo học chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm tại ĐH FPT với suất học bổng 100%. “Triết lý của em là có gì dùng nấy nên quá trình ở học tập ở FPT không quá khó khăn, chương trình học OK, một phần tuổi trẻ của em ở FPT” – Trung nhớ lại. Theo học được 2 năm, Trung nghỉ học giữa chừng để cùng cộng sự cho ra đời ứng dụng Lozi – một ứng dụng tìm kiếm địa điểm ăn uống. LOZI được đánh giá là một trong 5 Start Up Việt Nam đáng chú ý trong năm 2016. “Vì lý luận cãi hăng, nghĩ mình tự chủ được tài chính nên bố mẹ đã phải “nhượng bộ” cho mình nghỉ học”. Chia sẻ lý do quay lại trường học, Trung trải lòng “lúc đó mình hơi mất định hướng, không biết bản thân phải làm gì thì chỉ còn cách học tiếp, quay lại Sài Gòn học nhưng mình vẫn đi làm thêm”.

Team founder của Sky Mavis.

Tự nhận mình là người ham cạnh tranh, “máu đi thi”, ở FPT Trung có cơ hội được đi các nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Nga thi đấu ACM-ICPC (cuộc thi lập trình quốc tế lâu đời và danh giá nhất dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng trên toàn cầu).

Bản thân không giỏi và không đầu tư tiếng Anh ngay từ đầu nhưng chàng “tỷ phú” trẻ đã khuyên chân tình các bạn sinh viên nên học thật tốt ngoại ngữ này vì đó là chìa khoá, là cơ hội khi bạn làm công nghệ, giao tiếp với đồng đội, với nhà đầu tư…

Dù được truyền thông ca ngợi, giới công nghệ, người trẻ ngưỡng mộ nhưng Trung khiêm tốn bày tỏ đây chỉ là mới khép lại một chặng đường, một dấu mốc mà thôi. “Axie còn đi nhiều năm nữa, vẫn còn nhiều việc để làm” – Trung nói. Gặt hái được những “quả ngọt” đầu tiên, Trung không quên cảm ơn tới gia đình đang theo dõi livestream của cậu lời cảm ơn chân thành vì đã là điểm tựa vững chắc và làm nên Trung của hiện tại.

Công nghệ và chuyển đổi số sẽ “đẻ” ra nhiều cơ hội cho chúng ta, Trung là điểm sáng truyền cảm hứng cho bạn trẻ, anh Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT bày tỏ mong muốn người trẻ, đặc biệt là sinh viên ĐH FPT thành công như chàng cựu sinh viên khoá 6 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm Nguyễn Thành Trung đang có.

Quỳnh Như

 

Exit mobile version