Trường Đại học FPT

TS. Lê Trường Tùng: Mỗi trường đại học cần nhanh chóng trở thành một tổ chức số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên phạm vi toàn cầu hiện nay đang làm xáo trộn nhiều hoạt động kinh tế – xã hội. Các trường đại học và cả hệ thống giáo dục đại học phải thay đổi để nắm bắt cơ hội, thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn các thể chế kinh tế – xã hội khác, lấy lại vai trò dẫn dắt đã bị mất đi hiện nay. Để làm được điều này, mỗi trường đại học cần nhanh chóng trở thành một tổ chức số, thay đổi nội dung giảng dạy, thay đổi cách thức dạy và học và cách thức quản trị phù hợp với kỷ nguyên số.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về bức tranh giáo dục đại học năm 2019?

TS. Lê Trường Tùng: Bức tranh giáo dục đại học Việt Nam năm 2019 được đánh dấu bởi việc Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, trong đó hiện thực hóa hai tư tưởng mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam, đó là nâng cao chất lượng đào tạo và trao quyền tự chủ cho các trường. Luật Giáo dục đại học sửa đổi quy định các trường đại học phải được kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế ở quy mô trường, cũng như ở quy mô từng ngành đào tạo, và nếu chưa kiểm định thì không được tăng chỉ tiêu hoặc có thể bị đình chỉ tuyển sinh – điều đó có nghĩa là hoạt động của trường đại học, sự tồn tại của trường đại học đồng nghĩa với việc phải đảm bảo chất lượng. Các trường đại học cũng được tự chủ về tài chính, về nhân sự và về học thuật – bao gồm cả tự chủ trong việc tuyển sinh, mở ngành, hợp tác quốc tế. Điều này tạo nền tảng để nhiều trường đại học chuyển mình, dịch chuyển hoạt động của trường sang một tầm mới khác so với trước đây – đặc biệt là các trường đại học công lập từng một thời gian rất dài hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa do cơ quan chủ quản điều phối.

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT

Trong năm 2019, các trường đại học Việt Nam cũng tiến được một bước dài trong việc tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với công bố quốc tế – và một số trường đại học Việt Nam đã có tên trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế, mặc dù thứ hạng vẫn còn khiêm tốn.

Năm 2019 cũng chứng kiến việc các tập đoàn kinh tế tư nhânh đầu tư mạnh vào giáo dục đại học. Ngoài FPT đầu tư mở rộng khu vực hoạt động của Trường ĐH FPT với các phân hiệu tại Cần Thơ, Đà Nẵng, TP. HCM, Quy Nhơn, một loạt tên tuổi mới đã xuất hiện trong đội hình giáo dục đại học Việt Nam như các đại học Phenikaa, Vin, FLC và Nguyễn Hoàng.

PV: Song hành với những thành công, thành tựu thì vẫn còn tồn tại không tí những bất cập ở hệ thống giáo dục này. Theo ông, những bất cập đó là gì?

TS. Lê Trường Tùng: Bất cập lớn nhất – và không chỉ ở Việt Nam – là giáo dục đại học trong 50 năm qua đã thụt lùi so với các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Khi các hoạt động kinh tế – xã hội chuyển đổi sang mô hình của xã hội thông tin, hình thành các mô hình vận hành mới, đưa ra thị trường các sản phẩm dịch vụ hoàn toàn mới, hoặc các sản phẩm dịch vụ mới thay thế cho các sản phẩm dịch vụ cũ, hình thành một thế hệ công dân mạng, công dân toàn cầu gắn với chuyển đổi số và hội nhập quốc tế – thì mô hình hoạt động và nội dung đào tạo của nhiều trường đại học không khác gì nhiều so với vài chục năm trước. Giáo dục đại học không còn giữ được vai trò dẫn dắt xã hội, mà đang chạy theo sau các thể chế kinh tế xã hội. Giáo dục với sứ mệnh là đào tạo nhân lực cho xã hội tương lai, nhưng cách thức hoạt động và quản trị lại không thoát khỏi các hạn chế trong quá khứ, và cũng không theo kịp các thay đổi kinh tế – xã hội trong hiện tại.

Một bất cập khác của giáo dục đại học Việt Nam là chất lượng đào tạo thấp, hay nói cách khác, đào tạo “không đủ chất” để người học sau khi tốt nghiệp có đủ các tri thức, kỹ năng cần thiết, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia và tăng cường hội nhập quốc tế.

Bất cập nữa cũng cần phải nhắc đến là khi giáo dục đại học Việt Nam đã chuyển từ tinh hoa sang đại chúng, đã chuyển từ đào tạo cho số ít tài năng sang đào tạo cho số đông, chuyển từ việc được học đại học như một sự ưu ái của xã hội sang quyền được học đại học của thanh niên, thì tư duy và phương thức quản trị giáo dục đại học của Việt Nam vẫn chủ yếu theo mô hình đào tạo tinh hoa trước đây.

SV Trường ĐH FPT phải đạt trình độ tiếng Anh ít nhất 6.0 IELTS (hoặc tương đương) mới có thể bắt đầu học các môn chuyên ngành.

PV: Rất nhiều ý kiến cho rằng sinh viên Việt Nam có rất nhiều cái yếu: yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu kỹ năng giao tiếp công chúng và làm việc nhóm, thiếu khả năng vận dụng giải quyết vấn đề, yếu về kỹ thuật vi tính và tiếng Anh… Theo ông, vì sao xảy ra tình trạng này?

TS. Lê Trường Tùng: Những điểm yếu này như: yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu kỹ năng giáo tiếp và làm việc nhóm, thiếu tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề, yếu về kỹ thuật tin học – ngoại ngữ… chính là cái mà tôi nói là “đào tạo không đủ chất”.

Một trong các lý do học “không đủ chất” là chi phí đào tạo đại học trên đầu sinh viên Việt Nam quá thấp, chắc là thấp nhất thế giới hiện nay, trung bình chỉ bằng 5 – 10% các nước tiên tiến tính theo sức mua quy đổi. Học phí học một năm đại học Việt Nam hiện nay cũng chỉ bằng khoảng độ 2 tháng lương khi tốt nghiệp đi làm, trong khi định mức học phí sinh viên một năm ở các nước tiên tiến phải trên 6 tháng lương, ngoài ra nguồn thu từ người học mới chỉ là một phần của tổng chi phí đào tạo.

Bước vào thế kỷ 21 đã được 20 năm, giáo dục đại học nếu dùng ngôn ngữ ẩm thực để so sánh thì mức độ phát triển trong lĩnh vực này mới chỉ giải quyết được việc có cái ăn (không đói), nhưng vẫn còn chưa đủ chất, chưa nói gì đến việc ngon, đến khía cạnh vệ sinh an toàn thực phẩm…

PV: Ông có thể chỉ ra những vướng mắc, cản trở đối với quá trình đổi mới giáo dục đại học hiện nay?

TS. Lê Trường Tùng: Có hai cản trở cơ bản. Cản trở lớn thứ nhất là thiếu nguồn lực đủ mạnh, không có thực thì khó vực được đạo. Hiện các trường đại học công đang đào tạo khoảng 85% sinh viên, trong khi ngân sách nhà nước hạn chế, học phí lại không dễ thu cao, còn tín dụng sinh viên hiện chỉ mang tính hình thức nên không đủ nguồn lực tối thiểu để đảm bảo chất lượng. Cũng lưu ý là ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển như Mỹ, tín dụng sinh viên chiếm một tỷ trọng lớn trong chi phí học tập. Cản trở lớn thứ hai là giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa ở tình trạng sẵn sàng để hội nhập quốc tế, khi đa số các trường dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt, trong khi ngôn ngữ học thuật hiện nay là tiếng Anh. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng của tri thức hiện nay, dùng tiếng Việt sẽ tạo ra các rào cản về việc thay đổi nội dung, về việc tra cứu nguồn thông tin quốc tế, cản trở việc trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, trao đổi giáo trình với các trường đại học nước ngoài, sinh viên tốt nghiệp yếu tiếng Anh thì rất khó làm việc hướng ngoại và khó tự nâng cao trình độ sau này. Cũng phải nói là với mô hình đào tạo hiện nay, khi tiếng Anh chỉ là môn học chứ không phải là công cụ thì rất khó hy vọng tiếng Anh đầu ra của sinh viên được cải thiện.

PV: Để giáo dục đại học Việt Nam vượt qua những thách thức, đón nhận những cơ hội, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

TS. Lê Trường Tùng: Dịch chuyển sang xã hội số, CMCN 4.0 trên phạm vi toàn cầu hiện nay đang làm xáo trộn mọi hoạt động kinh tế xã hội, đang tạo ra cơ hội hiếm hoi để từng trường đại học và cả hệ thống giáo dục đại học bứt phá, nắm bắt cơ hội để thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn các thể chế kinh tế – xã hội khác và lấy lại vai trò dẫn dắt đã bị mất đi hiện nay. Để làm được điều này, mỗi trường đại học cần nhanh chóng trở thành một tổ chức số, thay đổi nội dung giảng dạy, thay đổi cách thức dạy và học và cách thức quản trị phù hợp với kỷ nguyên số, là nơi sẽ dạy cho người học các tri thức và kỹ năng số, văn hóa số, sẽ thành lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế – xã hội những năm tới.

Hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam cũng là việc cần ưu tiên thực hiện, và việc đầu tiên – cũng là nền tảng trong việc hội nhập quốc tế – là các trường đại học cần có lộ trình nhanh chóng chuyển sang dạy và học bằng tiếng Anh, đơn giảng nhất là với khóa sinh viên mới, năm đầu  tiên sinh viên sẽ tập trung học tiếng Anh, trong khi đó trường đầu tư phát triển chương trình và giảng viên, và từ năm thứ hai sinh viên học chuyên môn bằng tiếng Anh.

Việc cuối cùng là tìm các nguồn tài chính để tổng chi phí đào tạo một sinh viên một năm tăng ít nhất vài ba lần trong các năm tới. Một giải pháp có thể thực hiện ngay theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới là hàng năm giảm dần chỉ tiêu các trường đại học công, trên cơ sở đó suất đầu tư trên đầu sinh viên trường công tăng dần lên, và mở đường cho các trường đại học tư phát triển. Theo mô hình của nhiều nước, tỷ trọng sinh viên trường công tư của Việt Nam nên vào khoảng 60:40 là hợp lý, thay cho 85:15 như hiện nay.

Và tất nhiên, tự chủ trong học thuật, tài chính, nhân sự là nền tảng quan trọng để các trường đại học và cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phát triển.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam

Exit mobile version