Trường Đại học FPT

Tương lai nghề nghiệp giới trẻ trong thời buổi CMCN 4.0

Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 5,7% trong số 56.000 người được hỏi cho biết, họ đã mất việc do kỹ năng không còn phù hợp hoặc bị thay thế bởi công nghệ. 

Người trẻ nghĩ gì về cơ hội nghề nghiệp trong CMCN 4.0?

Sáng 16/8, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa tổ chức buổi công bố một khảo sát mới về các kỹ năng công nghệ đối với tương lai nghề nghiệp của người trẻ trong khu vực ASEAN.

Cuộc khảo sát được tiến hành với 56.000 công dân ASEAN nằm trong độ tuổi từ 15 đến 35. Nghiên cứu này góp phần phản ánh nhận thức và việc chuẩn bị của thế hệ trẻ  trong khu vực đối với những thách thức mà cuộc CMCN 4.0 mang lại cho thị trường lao động.

Khi được hỏi về mong ước tương lai, 33% giới trẻ Đông Nam Á muốn làm việc trong lĩnh vực kinh tế, 19% bày tỏ khao khát được làm việc tại các công ty đa quốc gia nước ngoài.

Tỷ lệ người trẻ khao khát trở thành doanh nhân hay người làm chủ tại 6 nước trong khu vực ASEAN. Số liệu: WEF

Nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là xương sống của thị trường lao động tại các quốc gia Đông Nam Á. Hiện khoảng 18% số người được hỏi đang làm việc trong nhóm ngành này.

Tuy vậy, có một thực tế là chỉ 8% số người được hỏi muốn tiếp tục làm việc trong các nghiệp vừa và nhỏ. Lý do được đưa ra là bởi các công ty nhỏ mang đến ít cơ hội được đào tạo hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 5,7% trong số 56.000 người được hỏi cho biết, họ đã mất việc do kỹ năng không còn phù hợp hoặc bị thay thế bởi công nghệ.

Ông Justin Wood – người đứng đầu khu vực Châu Á – TBD của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chia sẻ về các dữ liệu vừa được WEF công bố. Ảnh: Trọng Đạt

Đáng chú ý khi có tới 9% giới trẻ cho rằng, các kỹ năng của họ đã trở nên lỗi thời trên thị trường lao động. Trong khi đó, 52% người được hỏi nhận thức rằng họ sẽ phải cập nhật liên tục các kỹ năng trong suốt cả cuộc đời.

Theo ông Justin Wood – người đứng đầu khu vực Châu Á – TBD của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, rất khó để có thể dự đoán cách mà công nghệ thay đổi tương lai của các ngành nghề lao động. Tuy vậy, có một điều chắc chắn rằng, người lao động sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc gia tăng, “vòng đời” của các kỹ sư cũng sẽ bị rút ngắn. Thật may là giới trẻ Đông Nam Á thực sự nhận thức được điều này, Justin Wood nói.

Thế hệ trẻ không thích học toán, ưu tiên ngoại ngữ và kỹ năng mềm

Có một điều đáng chú ý khi mà theo khảo sát của WEF, giới trẻ khu vực ASEAN dường như chú trọng đến các kỹ năng mềm nhiều hơn là các kỹ năng về khoa học, kỹ thuật, toán học và công nghệ (nhóm STEM).

Theo đó, người trẻ Đông Nam Á coi sự sáng tạo là quan trọng nhất, kế đó là khả năng nói được nhiều ngôn ngữ. Họ cũng rất tự tin về các kỹ năng mềm của mình. Ở chiều ngược lại, toán học và phân tích dữ liệu là những kỹ năng ít được chú ý nhất.

Kỹ năng nghề nghiệp mà người trẻ khu vực Đông Nam Á cho rằng mình thành thạo nhất. Xếp hạng đầu là khả năng thích ứng và kỹ năng sử dụng công nghệ. Số liệu: WEF

Chuyên gia kinh tế Santitarn Sathirathai đánh giá cao vai trò của các kỹ năng mềm, kể cả đối với lĩnh vực công nghệ. Trong một thế giới phát triển nhanh như hiện nay, các kiến thức sẽ trở nên lỗi thời một cách nhanh chóng, do vậy các kỹ năng mềm cho khả năng thích ứng và sáng tạo là vô cùng quan trọng . Tuy vậy, vị chuyên gia của Sea Group cho rằng, các nước trong khu vực ASEAN nên tích cực đầu tư các kỹ năng STEM cho giới trẻ.

Chia sẻ về việc phát triển các kỹ năng số, ông Lê Hồng Minh – TGĐ VNG cho rằng, Tập đoàn này hướng sự tập trung của mình vào việc đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thực tập sinh. Tuy vậy, rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp này mắc phải chính là việc tìm ra một đội ngũ các chuyên gia đào tạo (trainer) đủ tốt và chuyên tâm với nghề. Do vậy, việc tạo ra đội ngũ trainer giỏi sẽ là ưu tiên của tập đoàn này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nguồn lao động trẻ cần phải được đào tạo tốt cả về công nghệ lẫn kỹ năng mềm. Ảnh: Trọng Đạt

Đối với FPT, theo ông Trương Gia Bình – TGĐ FPT, tập đoàn này đang hướng tới việc đào tạo kĩ năng số cho khoảng 50.000 người. Điều này sẽ được thực hiện bằng việc xây dựng và phát triển một trường đại học chuyên đào tạo các ngành công nghệ mới cho hàng ngàn sinh viên với chất lượng quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ sẽ thay đổi rất nhanh, nhưng người dân và chính phủ thì lại không thể thay đổi nhanh như vậy. Đây chính là thách thức lớn nhất của Việt Nam.

Do đó, một trong những việc mà Việt Nam đã thực hiện chính là thay đổi con người, để họ có thể thích nghi tốt hơn đối với sự thay đổi. “Muốn làm được điều đó, chúng ta không chỉ đào tạo về công nghệ mà còn phải đào tạo họ cả về kĩ năng mềm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đi cùng với xu hướng của thời đại, từ khi ra đời, sứ mệnh của Đại học FPT hướng tới là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hội nhập, cung cấp năng lực cạnh tranh toàn cầu cho người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước. Khác biệt trong phương pháp đào tạo của Đại học FPT là gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, đào tạo theo chương trình chuẩn công nghệ quốc tế, thành thạo hai ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng mềm,  chú trọng phát triển con người toàn diện, hài hòa.
Tổng hợp
Theo vietnamnet.vn
Exit mobile version