Trường Đại học FPT

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ tự nhiên vào xây dựng đô thị thông minh phù hợp với Việt Nam

Trao đổi bên lề hội nghị PACLING 2019, GS. Koiiti Hasida, Đại học Tokyo cho rằng, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ tự nhiên rất phù hợp cho các nước đang phát triển như Việt Nam vì không tiêu tốn quá nhiều nguồn lực.

Gần 100 nhà khoa học đến từ 10 quốc gia trên thế giới tham dự lễ khai mạc Hội nghị Ngôn ngữ học máy tính khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm nay

Từ ngày ngày 11 – 13/10 tại Hà Nội, Đại học FPT đăng cai hội nghị quốc tế về ngôn ngữ học máy tính – PACLING 2019. Đây là lần đầu tiên hội nghị có quy mô và uy tín lớn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về lĩnh vực này được tổ chức tại Việt Nam.

Hội nghị Ngôn ngữ học máy tính khu vực châu Á – Thái Bình Dương (PACLING) lần thứ 16 là sự kiện do Đại học FPT đăng cai tổ chức, phối hợp cùng Ban Công nghệ FPT, Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản. Đây là sự kiện khoa học thường kì, quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.

PACLING lần thứ 16 quy tụ gần 100 nhà khoa học thuộc hàng chục trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương (Nhật Bản, Canada, Ấn Độ, Australia, Trung Quốc,…) cùng nhiều diễn giả uy tín đến từ các nước có nền khoa học cơ bản phát triển mạnh như Anh, Pháp, Ireland.

Trao đổi bên lề hội nghị, GS. Koiiti Hasida đến từ Đại học Tokyo, Đồng Trưởng ban tổ chức PACLING 2019 cho biết, PACLING là một trong những hội nghị hàng đầu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Đây là một cơ hội tốt để cộng đồng nghiên cứu Việt Nam được tiếp cận với các chuyên gia, cập nhật xu hướng mới về lĩnh vực này.

“Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Thời gian trước, thành phố thông minh tập trung chủ yếu vào xây dựng hệ thống giao thông thông minh nhưng đến nay, mục tiêu chính là phục vụ nhu cầu cá nhân của người dân. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý ngôn ngữ tự nhiên không tiêu tốn quá nhiều nguồn lực, rất phù hợp cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Việc triển khai sử dụng dữ liệu và các ứng dụng thông minh sẽ giúp thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh trong tương lai, nơi mà cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ sẽ gắn liền với nhu cầu của người dân”, GS. Koiiti Hasida chia sẻ.

Giáo sư Koiiti Hasida, Đại học Tokyo, Đồng trưởng ban tổ chức hội nghị quốc tế về ngôn ngữ học máy tính – PACLING 2019

Chia sẻ thêm về việc Đại học FPT đăng cai tổ chức một hội nghị chuyên sâu tầm cỡ quốc tế TS. Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, Đại học FPT rất chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Trường đã có những chính sách khuyến khích bằng giải thưởng cho cán bộ nhân viên, giảng viên và sinh viên trong trường. Cụ thể: một bài báo cáo nghiên cứu khoa học có thể được thưởng tối đa 60 triệu đồng; hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng cho mỗi giảng viên, sinh viên tham dự hội thảo khoa học quốc tế. Mặt khác, trường duy trì tổ chức hội thảo nghiên cứu khoa học cho nội bộ Tổ chức giáo dục FPT. Trường có chương trình học bổng toàn phần từ Đại học đến Tiến sĩ ngành Trí tuệ nhân tạo.

“Việc tổ chức hội nghị PACLING 2019 là nỗ lực của chúng tôi trong việc thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường cũng như khẳng định vị thế của trường đối với cộng đồng học thuật quốc tế”, ông Nguyễn Khắc Thành nói.

Theo Ban tổ chức, trong khuôn khổ sự kiện năm nay, các nhà khoa học sẽ thảo luận xoay quanh 16 chủ đề chính của ngôn ngữ học máy tính gồm ngữ âm học, phân tích hình thái, ngôn ngữ nói và đối thoại, tài nguyên ngôn ngữ, dịch máy, xử lý ngôn ngữ dựa trên Corpora và Corpus…

Tại hội nghị này, các chuyên gia công nghệ, giảng viên FPT cùng các giáo sư, chuyên gia đến từ các trường đại học danh tiếng trình bày hơn 40 bài báo cáo chuyên sâu về những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực ngôn ngữ học máy tính được các tác giả công bố sau quá trình nghiên cứu và thực nghiệm lâu dài.

Các báo cáo nghiên cứu giá trị này sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng ngành Ngôn ngữ học máy tính trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, giáo dục… Đơn cử như thiết kế hệ thống nhận diện giọng nói, hệ thống trả lời giọng nói tự động, công cụ tìm kiếm web, trình soạn thảo văn bản, tài liệu giảng dạy về ngôn ngữ…

Cùng phần triển lãm trình diễn các sáng kiến, giải pháp công nghệ hấp dẫn, PACLING 2019 giúp cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam được cập nhật những xu hướng mới của thế giới, các nghiên cứu chuyên sâu có giá trị cho sự phát triển của nền khoa học công nghệ Việt Nam.

Đặc biệt PACLING sẽ có 4 bài trình bày của các nhà khoa học đầu ngành: “Hiểu và đánh giá ngôn ngữ tự nhiên” của GS. Kentaro Inui (Đại học Tohoku, Nhật Bản); “Khắc phục những hạn chế trong Đại diện từ điển thông qua Học tập nhúng” của GS Danushka Bollegala (Đại học Liverpool, Anh); “Hai hệ thống hộp thoại cho hai môi trường khắc nghiệt: WEKDA và SOCDA” của TS. Kentaro Torisawa (Viện Công nghệ Truyền thông và Thông tin quốc gia, Nhật Bản); và “Xử lý lời nói và học sâu – các xu hướng nghiên cứu mới nhất” của GS. Tomoko Matsui (Viện Toán học Thống kê Tokyo, Nhật Bản).

Các báo cáo tại hội nghị sẽ được tập hợp và xuất bản trong một chuỗi ấn phẩm của Nhà xuất bản Springer, một nhà xuất bản có uy tín trong giới khoa học – công nghệ thế giới.

Trưởng Ban Tổ chức Pacling 2019 là TS. Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng Đại học FPT, GS. Koiiti Hasida, Đại học Tokyo và GS Satoshi Tojo, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản. Hội đồng chuyên môn có sự tham gia của 2 nhà khoa học Việt Nam là ông Nguyễn Lê Minh, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản và ông Phan Xuân Hiếu, Trường ĐH Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội làm Đồng Chủ tịch.

Theo ICTNews

 

 

 

 

Exit mobile version