Sinh viên Trường Đại học FPT và dự án ứng dụng AI tái chế rác thải thành đồ dùng

Với slogan “AI tái chế, sản phẩm xinh thế”, dự án RecyCool – Ứng dụng AI biến rác thải thành đồ dùng của nhóm 4 sinh viên Trường Đại học FPT (Trường ĐH FPT) đã xuất sắc giành giải Quán quân cuộc thi Google Developer Student Clubs Hackathon Vietnam 2024.

Không ngủ quên sau chiến thắng, những ngày này, nhóm 4 sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu Hà Nội gồm Nguyễn Hồng Hải, Dương Xuân Bách, Phan Hoài Nam (K17 chuyên ngành Trí tuệ Nhân tạo) và Vũ Trung Quân (K18 chuyên ngành Kỹ thuật Phần mềm) vẫn đang miệt mài nâng cấp dự án RecyCool để sẵn sàng “chinh phục” ở những đấu trường lớn hơn.

11 1724722272
Ảnh 1. Nhóm sinh viên Trường ĐH FPT nhận giải Quán quân cuộc thi Google Developer Student Clubs Hackathon Vietnam 2024

Trưởng nhóm Nguyễn Hồng Hải cho biết, ý tưởng thực hiện dự án RecyCool xuất hiện từ những trăn trở của 4 sinh viên về việc làm sao ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống và đóng góp hữu ích cho cộng đồng. “Nhận thấy vấn đề ô nhiễm môi trường đang là “bài toán” nhức nhối cần lời giải gấp, chúng mình nảy ra ý tưởng ứng dụng công nghệ để giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường cho học sinh, bởi đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư cho tương lai”, Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.

Sản phẩm RecyCool gồm phần cứng là bộ bảng mạch và các linh kiện dùng để kết hợp với các vật dụng tái chế, từ đó làm ra đồ dùng hữu ích. Phần mềm là một website được ứng dụng công nghệ AI, với khả năng nhận diện vật liệu tái chế và đề xuất bản thiết kế, hướng dẫn cách “chế biến” rác thải thành đồ dùng. Ví dụ khi học sinh thu thập được những rác thải có thể tái chế như vỏ chai, xiên que, bìa carton…, RecyCool sẽ nhận diện vật liệu và hướng dẫn các em làm những đồ dùng từ đơn giản (không cần mạch/linh kiện) như chậu cây, hộp bút, cho đến phức tạp hơn (cần mạch/linh kiện) như xe tự hành, robot.

22 1724722282
Minh họa phần cứng của sản phẩm do nhóm sinh viên kết hợp với Stickem sản xuất

Do sản phẩm hướng tới đối tượng học sinh nên nhóm chú trọng thiết kế đơn giản, dễ sử dụng nhưng phải đảm bảo đồ họa sinh động, có những linh vật ngộ nghĩnh đồng hành cùng trẻ em trong suốt quá trình sử dụng. “Quá trình từ lúc lên ý tưởng đến hoàn thiện sản phẩm kéo dài suốt một tháng, với những chuỗi ngày cả nhóm cùng ăn cùng ngủ với dự án, thậm chí thức xuyên đêm để tranh luận và giải quyết các vấn đề phát sinh. Thời điểm tham gia cuộc thi Google Developer Student Clubs Hackathon Vietnam 2024 cũng khá bất lợi với chúng mình, do sát lịch nghỉ Tết nguyên đán. Khi mà ai cũng đang háo hức chờ nghỉ lễ thì để giao việc, giục deadline hay teamwork cũng gặp nhiều khó khăn. Mình đã phải dành nhiều thời gian để “rã đông” tinh thần của mọi người, chấp nhận việc trở thành một leader khó tính hơn để hô hào cả nhóm mở laptop lên làm việc ngay trong Tết”, Nguyễn Hồng Hải cho biết.

44 1724722310
Học sinh hào hứng học tái chế rác thải thành đồ dùng với RcyCool

Không phụ sự cố gắng và tâm huyết của cả nhóm, dự án RecyCool đã xuất sắc vượt qua hơn 80 đội thi để giành giải Quán quân Google Developer Student Clubs Hackathon Vietnam 2024. Dự án cũng được thử nghiệm trong các tiết học STEAM tại Trường Phổ thông liên cấp FPT tại Hà Nam và nhận được những phản hồi tích cực từ cả giáo viên, học sinh nhà trường.

55 1724722322
Đồ dùng đã được học sinh tái chế từ rác.

“Hiện tại, dự án đang được ươm mầm khởi nghiệp bởi một trung tâm khởi nghiệp. Ở đó, chúng mình được kết nối với các giáo sư, tiến sĩ để hướng dẫn nhóm tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, nâng cao cơ hội giành giải thưởng ở các cuộc thi cũng như có thể xin bảo trợ từ các bên có chuyên môn. Hứa hẹn trong tương lai, RecyCool sẽ quay trở lại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật với một diện mạo “chất” hơn và kỳ vọng sớm được đưa vào sử dụng rộng rãi trong đời sống”, Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.

Theo Tạp chí giáo dục

Bài viết liên quan