Đồ án thủ khoa về cảm giác thời gian trôi nhanh gây chú ý tại triển lãm của L’Officiel Vietnam

Lấy cảm hứng từ cảm giác thời gian trôi nhanh, “Trượt nhịp động” trở thành đồ án thủ khoa của chuyên ngành hẹp Thiết kế truyền thông, thuộc chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số tại Trường Đại học FPT và được trưng bày tại triển lãm Ô của L’Officiel Vietnam. 

Trong kỳ bảo vệ đồ án tốt nghiệp học kỳ Fall 2024 (tháng 12/2024), nhóm sinh viên chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số Trường Đại học FPT gồm 3 thành viên: Nam Sinh (Khoá 17); Quốc Hưng (Khoá 16); Quốc Khánh (Khoá 15) đã gây chú ý với dự án triển lãm nghệ thuật số mang tên Trượt nhịp động. Tháng 12/2024, dự án vinh dự có mặt tại triển lãm Ô với chủ đề Hope: Between Despair and Renewal (Hy vọng: Giữa tuyệt vọng và tái sinh) được tổ chức bởi L’Officiel Vietnam. 

Từ trái qua: Quốc Hưng, Nam Sinh, giảng viên Hoàng Thị Cúc Phương, Quốc Khánh.
Từ trái qua: Quốc Hưng, Nam Sinh, giảng viên Hoàng Thị Cúc Phương, Quốc Khánh.

Những thông điệp ý nghĩa về giá trị của thời gian

Chia sẻ về ý tưởng của đồ án, nhóm cho biết, thời gian là khái niệm không thể nhìn thấy hay chạm vào nhưng nó vẫn luôn tồn tại và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của mỗi người. Cảm giác thời gian trôi nhanh là một phạm trù trừu tượng, ai cũng từng trải qua nhưng ít khi dừng lại để suy ngẫm. Trong cuộc sống hiện đại, mỗi người đều bị cuốn vào guồng quay của công việc, học tập, và các mối quan hệ, khiến thời gian dường như vụt qua mà chúng ta không kịp để ý. Đây không chỉ là một hiện tượng tâm lý mà còn là một vấn đề văn hóa xã hội, khi mọi người luôn bị áp lực phải ‘bắt kịp’ và ‘theo đuổi’ mọi thứ. Mặc dù ai cũng cảm nhận được, nhưng không phải ai cũng dám đối mặt với nó và tìm cách thay đổi. 

“Chúng em muốn thông qua đề tài này có thể giúp mọi người nhận ra tốc độ trôi qua của thời gian, đồng thời nhắc nhở về giá trị của việc sống chậm lại. Sống chậm không phải là bỏ qua cơ hội, mà là biết cách tận hưởng từng khoảnh khắc, trân trọng hiện tại và dành thời gian cho những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống. Đây cũng là thông điệp mà chúng em muốn truyền tải, để mọi người dừng lại một chút, suy nghĩ và làm chủ cuộc sống của chính mình”, các thành viên của nhóm cho biết. 

Từ đồ án sinh viên bước ra triển lãm chuyên nghiệp

 Trước khi được tham dự triển lãm Ô chủ đề Hope: Between Despair and Renewal, các tác phẩm của Trượt nhịp động đã được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, TP HCM từ ngày 22/11 đến 24/11/2024, thu hút hơn 700 lượt khách tham quan trực tiếp và 156,326 lượt tiếp cận qua kênh Instagram của dự án. 

Dự án Trượt nhịp động được chia làm ba phần: Khu trượt, Vùng nhịp, và Thời động với gần 10 tác phẩm khắc họa cảm giác mơ hồ, nhịp điệu và sự biến đổi liên tục của thời gian, đồng thời mời gọi người xem khám phá sự liên kết giữa thời gian và nhận thức con người.

Trượt nhịp động không chỉ gây ấn tượng bởi tính thẩm mỹ cao mà còn mang nội dung truyền tải sâu sắc, nhận được lời khen ngợi và sự công nhận từ những người có tiếng trong ngành như: Bà Phan Thị Tuyết Mai – Phó Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TP HCM, bà Nguyễn Phan Thùy Dương – Chủ biên ELLE Decoration Vietnam, Ông Nguyễn Duy Thông – Đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Dentsu Redder. Đặc biệt, ông Đặng Thanh Bình – Giám đốc Nghệ thuật Tạp chí L’Officiel Vietnam – đã ngỏ lời mời trưng bày các tác phẩm của nhóm tại triển lãm Ô hồi tháng 12/2024 với chủ đề Hope: Between Despair and Renewal.  

Các tác phẩm trong triển lãm “Trượt nhịp động” được chọn để trưng bày tại triển lãm Ô EXHIBITION 2024 “Hope: Between Despair and Renewal”.
Các tác phẩm trong triển lãm “Trượt nhịp động” được chọn để trưng bày tại triển lãm Ô EXHIBITION 2024 “Hope: Between Despair and Renewal”.

Triển lãm Ô là sự kiện nghệ thuật thường niên do L’Officiel Vietnam tổ chức. Năm 2024, triển lãm Ô diễn ra từ 11/12 đến 15/12 tại TP HCM. Với chủ đề Hy vọng: Giữa tuyệt vọng và tái sinh, sự kiện quy tụ gần 30 nghệ sĩ đa lĩnh vực, mang đến không gian nghệ thuật đa tầng kết hợp giữa thời trang và nghệ thuật sắp đặt, đưa khán giả qua hành trình cảm xúc xoay quanh hy vọng và tương lai. 

Việc tham gia triển lãm Ô của L’Officiel Vietnam đánh dấu một cột mốc ý nghĩa trong hành trình của nhóm. Từ một triển lãm tốt nghiệp, các tác phẩm đã nhận được sự đánh giá cao, vinh dự được trưng bày cùng tác phẩm của các nghệ sĩ có kinh nghiệm dày dặn. Đây không chỉ là niềm tự hào lớn mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thúc đẩy nhóm vững bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Triển lãm cũng mang đến cơ hội để nhóm mở rộng mạng lưới kết nối, học hỏi từ những chuyên gia đầu ngành và tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn. 

Hình 2
“Trượt nhịp động” nói về cảm giác thời gian trôi qua nhanh mà mọi người thường gặp phải nhưng ít ai để ý.

Điểm đặc biệt của triển lãm là sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học, tâm lý học hành vi và nghệ thuật thị giác. Nhóm đã nghiên cứu về cách con người cảm nhận và đối diện với thời gian, từ đó tạo nên những tác phẩm mang tính trải nghiệm cao. Thay vì chỉ đơn thuần trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật số Trượt nhịp động mở ra một không gian đa chiều, nơi người xem không chỉ là người quan sát mà còn là người tham gia, được tương tác và cảm nhận thời gian theo cách riêng của mình.

Khách tham quan triển lãm còn có thể tương tác với các tác phẩm.
Khách tham quan triển lãm còn có thể tương tác với các tác phẩm.

Trong suốt quá trình thực hiện dự án, nhóm đã phải đối mặt với không ít thử thách, không chỉ về mặt lý thuyết mà còn là việc biến những ý tưởng trừu tượng thành hiện thực. Đề tài “cảm giác thời gian trôi nhanh” vốn hạn chế trong các tài liệu nghiên cứu, khiến nhóm gặp khó khăn tìm kiếm nguồn tài liệu tham khảo và khai thác chiều sâu. Điều này đòi hỏi nhóm phải tự nghiên cứu, mở rộng phạm vi kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý học, triết học, xã hội học, nghệ thuật. 

Hơn nữa, việc hình dung và chuyển hóa những khái niệm trừu tượng về thời gian thành những hình ảnh trực quan, có thể truyền tải cảm xúc và thông điệp cũng là một thử thách lớn đối với cả nhóm. “Chúng em đã phải thử nghiệm qua nhiều phương pháp khác nhau, từ vẽ phác thảo thủ công, ứng dụng đồ họa số cho đến tạo mô hình 3D, để tìm ra cách thức tốt nhất giúp hình ảnh hóa những cảm giác, những khoảnh khắc vô hình mà thời gian mang lại”, nhóm chia sẻ.

Tuy nhiên, thử thách không chỉ đến từ khía cạnh sáng tạo. Việc tổ chức và triển khai triển lãm thực tế còn là một công việc đầy gian nan cho cả ba bạn. Mỗi giai đoạn, từ việc lên kế hoạch chi tiết, phát triển chiến lược truyền thông, cho đến việc điều phối công tác hậu cần, đều yêu cầu sự tỉ mỉ. Cả ba đã phải học hỏi không ngừng và làm việc dưới áp lực cao. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình từ giảng viên hướng dẫn là cô Hoàng Thị Cúc Phương – Giảng viên chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số, cùng tinh thần làm việc tích cực, nhóm đã vượt qua mọi thử thách. 

Dù đối mặt với không ít khó khăn, nhóm đã hoàn thành dự án và được Hội đồng đánh giá cao.
Dù đối mặt với không ít khó khăn, nhóm đã hoàn thành dự án và được Hội đồng đánh giá cao.

Sau khi hoàn thành đồ án, nhóm sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển các tác phẩm trong triển lãm với mong muốn đưa Trượt nhịp động lan tỏa đến nhiều không gian nghệ thuật khác. Nhóm bày tỏ: “Chúng em hy vọng có thể mang tác phẩm này đến gần hơn với cộng đồng, để thông điệp về thời gian và giá trị của cuộc sống được chia sẻ rộng rãi hơn”. 

Nhìn lại hành trình đã qua, các thành viên trong nhóm nhận thấy, không chỉ kiến thức chuyên môn mà kỹ năng làm việc nhóm đã được rèn giũa một cách rõ rệt. Quá trình cùng nhau vượt qua thử thách, đối mặt với khó khăn và sáng tạo đã giúp 3 bạn trưởng thành và tự tin hơn. Nhóm chia sẻ: “Khi nghe kết quả bảo vệ đồ án, nhóm chúng em tràn ngập cảm xúc vui mừng, tự hào và biết ơn. Đó là khoảnh khắc mà mọi nỗ lực, sự kiên trì và niềm tin vào bản thân suốt hành trình thực hiện dự án được đền đáp xứng đáng. Và cảm ơn cô Cúc Phương đã luôn tin tưởng để cho chúng em được thử sức mình trong đồ án tốt nghiệp lần này”. 

Mỹ Linh