Khi thấy âm nhạc truyền thống bị mai một, càng ngày càng ít khán giả đặc biệt là giới trẻ, nữ giảng viên Nguyễn Thu Thủy rất muốn và luôn cố gắng chia sẻ những gì đã được học tới các bạn trẻ khi có cơ hội. “Mình tự thấy việc đưa âm nhạc truyền thống tới gần khán giả trẻ là một phần trách nhiệm của bản thân”, Thủy lý giải lý do khiến cô trở thành một trong những giảng viên âm nhạc đầu tiên của Trường Đại học FPT, kể từ năm học 2014-2015 khi Trường chính thức đưa văn hóa nghệ thuật dân gian vào chương trình đào tạo.
Giảng viên Nguyễn Thu Thủy (người ngồi ngoài cùng bên trái) cùng các sinh viên FPT trong một chương trình giới thiệu CLB FTIC – CLB nhạc cụ truyền thống của Đại học FPT. Ảnh: NVCC.
Không chỉ chơi thành thục đàn Tỳ bà, đàn Tranh, đàn Đáy, cô Nguyễn Thu Thủy còn chơi được cả đàn Piano, đàn Bầu và đàn Nguyệt. Ở Đại học FPT, cô là giảng viên bộ môn đàn Tranh. Ngoài giờ học quy định, trước mong muốn học hỏi của sinh viên, Thủy còn dạy thêm các bạn cả đàn Tỳ bà và đàn Đáy.
Không phân biệt cũng chưa từng một lần cân nhắc về số lượng, dù là 1 hay 10 sinh viên đề xuất học, chỉ cần không bị vướng lịch trong những giờ giảng chính khóa, nữ giảng viên sinh năm 1987 đều nhiệt tâm truyền đạt hiểu biết của mình. Với Thủy, được truyền lại tình yêu âm nhạc, chia sẻ những hiểu biết của bản thân cho người yêu thích nhạc truyền thống, đặc biệt là các bạn trẻ như sinh viên FPT là một niềm hạnh phúc. Chính niềm hạnh phúc ấy bao năm nay đã biến Thủy thành một người “truyền lửa” nhiệt tâm. Nhờ Thủy, tình yêu sâu sắc dành cho âm nhạc truyền thống đã được thắp sáng và nhân rộng trong tâm hồn những người em, người bạn, đồng nghiệp và bao lớp thế hệ học trò của cô.
Biết chơi cả đàn Tỳ bà, đàn Tranh, đàn Đáy, đàn Piano, đàn Bầu và đàn Nguyệt, nữ giảng viên Nguyễn Thu Thủy bộc bạch: “Mỗi một nhạc cụ đều mang lại cho mình những cảm xúc khác nhau khi chơi nên rất công bằng, mình yêu các nhạc cụ như nhau”.
Giảng dạy âm nhạc cho các sinh viên FPT – vốn được xem là những người “ngoại đạo”, khiến nữ giảng viên trẻ nhiều khi gặp khó khăn. Đổi lại, Thủy kể, truyền đạt kiến thức cho các bạn tưởng chỉ biết nhiều về CNTT, Kinh tế hay ngôn ngữ như sinh viên FPT cũng khá thú vị, trong số đó nhiều bạn có năng khiếu và đặc biệt khả năng ghi nhớ rất tốt. “Đây là một lợi thế rất lớn của người học nhạc”, Thủy nhận định.
Bắt đầu mỗi khóa học, cô luôn hỏi và kiểm tra kiến thức âm nhạc của sinh viên để nắm được khả năng của từng bạn và cũng để có phương pháp dạy phù hợp. Với sinh viên có năng khiếu kèm đam mê và sinh viên không có năng khiếu nhưng vẫn muốn học hay đặc biệt hơn, sinh viên thiếu cả hai điều trên, cô Thủy sẽ áp dụng các phương pháp khác nhau.
“Một số bạn không có được cảm nhận về độ ngắn dài của nhịp phách, giai điệu của bài và thường bị sai nhịp khi chơi, lúc đó, mình phải luôn đứng cạnh, hát giai điệu bài, gõ nhịp xuống bàn và thậm chí là gõ nhịp lên người để sinh viên có được cảm giác về nhịp điệu”, giảng viên Nguyễn Thu Thủy cho biết.
Đan xen trong các buổi học là những câu chuyện Thủy kể về âm nhạc truyền thống, khi là nguồn gốc của một môn nghệ thuật, lúc là câu chuyện học đàn xưa kia đồng cảm cùng những khó khăn mà sinh viên FPT đang gặp phải với những bài luyện ngón, tập tay trái lặp đi lặp lại. Nhiều khi nữ giảng viên “xốc lại tinh thần” cho sinh viên của mình bằng việc chơi một vài bản, để các bạn nghe và đoán biết về thể loại. Có sinh viên đã thốt lên về nỗi nhớ nhà, về cái hay của âm nhạc quê hương mình mà trước nay chưa nhận ra cũng chưa từng dành thời gian nghe trọn vẹn một bài… “Lúc đó không khí lớp lặng xuống, nhìn ánh mắt của sinh viên, mình biết các bạn cũng đều đang nghĩ về bố mẹ, nhớ về quê hương mình. Mình nghĩ khoảng lặng đó quan trọng và có ý nghĩa cho mỗi một con người”, Thủy nói.
Tại Trường Đại học FPT, trong mỗi hoạt động liên quan đến âm nhạc truyền thống của sinh viên đều có sự tham gia nhiệt tình của giảng viên Nguyễn Thu Thủy, trong vai trò BTC, người cố vấn chương trình hay tham gia biểu diễn cùng sinh viên, dù sự kiện diễn ra buổi đêm hay cách xa Hà Nội tới 50km.
Gần 14 năm gắn bó với làn điệu truyền thống, Nguyễn Thu Thủy luôn say sưa mỗi khi kể về tình yêu âm nhạc được truyền từ mẹ, ngấm dần qua những năm tháng ấu thơ và trở thành một phần không thể thiếu trong cô suốt bao năm nay. Càng tìm hiểu về âm nhạc truyền thống của đất nước, đồng thời so sánh với âm nhạc phương Tây, giảng viên Nguyễn Thu Thủy càng cảm được giá trị cũng như sự khác biệt khiến bản thân càng yêu, càng say hơn. “Mình may mắn có cơ hội được tiếp xúc và học với những nghệ nhân cao tuổi, những người nắm giữ các giá trị quý báu của dòng âm nhạc này – điều có lẽ trong sách vở mình không bao giờ tìm thấy được”, Thủy tâm sự.
Bất kể một lĩnh vực nào, muốn thành công được đầu tiên phải có đam mê. “Học nhạc cũng vậy, có yêu thích sẽ làm được. Bạn nào chưa thấy âm nhạc truyền thống hay, hãy thử một lần nghe trọn vẹn một bài và nhớ là nghe trực tiếp. Bởi đã có rất nhiều sinh viên chia sẻ, khi nghe trực tiếp khác hẳn, thú vị hơn rất nhiều. Và khi đã thấy hay, thấy hứng thú, chắc chắn mọi người sẽ chơi được và còn chơi hay là khác”, nữ giảng viên dành lời khuyên cho các bạn trẻ, cũng như một lần nữa sống lại những ngày đầu tiên khi cô “bén duyên” với âm nhạc truyền thống, về sự lựa chọn của cuộc đời mà nếu được chọn lại, cô vẫn sẽ chọn như niềm đam mê bất tận của mình.
Theo FE