Các sinh viên K17 chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học FPT đã tạo nên dự án “Nhất Huyền” với mục tiêu kết nối giới trẻ và âm nhạc truyền thống.
Là những người trẻ yêu văn hoá dân tộc và muốn đóng góp một phần cho hành trình lan tỏa những giá trị truyền thống tới cộng đồng, 5 sinh viên K17 chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học FPT gồm Nguyễn Như Quỳnh, Nguyễn Hữu Kiệt, Lê Trần Hoàng Vĩ, Trương Quỳnh Anh và Nguyễn Huỳnh Yến Vy đã thực hiện đồ án tốt nghiệp mang tên “Nhất Huyền”.
Tại Trường Đại học FPT, các sinh viên có cơ hội tiếp cận nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là đàn bầu, ngay từ học kỳ đầu tiên. Đàn bầu là nhạc cụ dân tộc Việt Nam duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi, chỉ có một dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả cao độ, phù hợp với kiểu giai điệu âm nhạc có nhiều âm hoa mỹ, luyến láy của Việt Nam.
“Nếu như áo dài, bánh mì, phở là những biểu tượng văn hóa quen thuộc, thì đàn bầu – nhạc cụ mang đậm hồn Việt – vẫn chưa được chú trọng đúng mức trên các nền tảng truyền thông. Dù có lịch sử lâu đời và giá trị nghệ thuật cao, đàn bầu vẫn chưa có sức lan tỏa mạnh mẽ tương xứng với vai trò biểu tượng của mình. Do đó, chúng mình quyết định triển khai dự án ‘Nhất Huyền’ như một cách tiếp cận mới để giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa dân tộc”, đại diện nhóm chia sẻ.
Trọng tâm của dự án là chương trình nghệ thuật “Nhất huyền vạn sắc hòa âm” – sự kiện âm nhạc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại với đàn bầu làm trung tâm. Không có MC, chương trình chọn cách kể chuyện bằng hình ảnh, âm thanh và ánh sáng, tạo nên hành trình giàu cảm xúc xuyên suốt các tiết mục.
Trong đêm nhạc, sân khấu được thiết kế theo hướng tối giản. Những bản phối mới lạ từ sự kết hợp giữa đàn bầu cùng EDM và pop đã giúp âm nhạc truyền thống trở nên gần gũi hơn với thị hiếu của giới trẻ. Hiệu ứng ánh sáng, hình ảnh động và màu sắc được sử dụng tinh tế, dẫn dắt khán giả từ dòng chảy lịch sử đến hành trình chuyển mình của đàn bầu, khép lại bằng sự giao thoa giữa âm nhạc dân tộc và hơi thở hiện đại. Tất cả tạo nên một trải nghiệm vừa hoài niệm vừa tươi mới, khẳng định tinh thần hội nhập nhưng không hòa tan của văn hóa Việt Nam.
Để biến một ý tưởng trên giấy thành chương trình nghệ thuật độc đáo, các thành viên trong dự án phải vượt qua không ít thách thức. Dù yêu thích văn hóa dân tộc, nhóm chưa có đủ kiến thức về hòa âm, phối khí để tạo ra những bản phối hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống. May mắn là nhóm nhận được sự hướng dẫn tận tâm từ các thầy cô bộ môn Nhạc dân tộc về chuyên môn âm nhạc truyền thống và cách kết hợp với yếu tố hiện đại sao cho hiệu quả.
“Về mặt định hướng và chiến lược, chúng mình được cô Huỳnh Ngọc Đông Giao – giảng viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện – dẫn dắt, giúp nhóm xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch và hoàn thiện các nội dung quan trọng. Nhóm còn nhận được sự hỗ trợ từ chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên từng là thành viên đội tuyển đàn bầu của trường”, đại diện nhóm chia sẻ.
Để những giai điệu đàn bầu không bị xem là “cũ kỹ”, nhóm sáng tạo trong cách kể chuyện (storytelling), kết hợp thị giác (visual effects) và âm thanh hiện đại (EDM, pop) để thu hút sự chú ý của khán giả trẻ. Nhóm cũng tận dụng các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông điệp, sử dụng hình ảnh sáng tạo khơi gợi sự tò mò và quan tâm của người xem. 250 khán giả tham dự chương trình cho thấy những nỗ lực của nhóm đã đạt được thành công bước đầu.
5 thành viên dự án “Nhất Huyền” mong muốn phát triển đồ án thành mô hình truyền thông có thể nhân rộng trong giáo dục. Nhóm đang làm việc cùng các thầy cô bộ môn Nhạc dân tộc của Trường Đại học FPT để tiếp tục nghiên cứu và triển khai nội dung sáng tạo về văn hóa dân tộc đến các trường THPT, giúp các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận sớm hơn với giá trị truyền thống.
“Thông qua dự án, nhóm mong muốn thế hệ trẻ nhận thức rằng bản sắc dân tộc không phải là giá trị cố định hay lạc hậu, mà có thể hòa nhập với thế giới hiện đại theo cách riêng của mỗi người, trở thành nguồn cảm hứng giúp thế hệ trẻ định vị bản thân trong thời đại toàn cầu. Âm nhạc truyền thống, đặc biệt là đàn bầu, có thể giao thoa với nhiều thể loại âm nhạc đương đại, mở ra những hướng đi độc đáo. Bằng cách trải nghiệm, tìm hiểu và sáng tạo trên nền tảng văn hóa dân tộc, mỗi người trẻ có thể tự hào mang bản sắc Việt Nam ra thế giới theo cách riêng của mình”, đại diện nhóm khẳng định.
Bích Hiền