FPTU AI & Robotics Challenge 2025 trang bị cho học sinh THPT tư duy công nghệ và kỹ năng sáng tạo với AI

652 đội trên cả nước đã hoàn thành giai đoạn đào tạo trực tuyến về trí tuệ nhân tạo, chuẩn bị kiến thức trước khi bước vào vòng thi AI cuộc thi FPTU AI & Robotics Challenge 2025.

Chuỗi đào tạo gồm 3 buổi (từ ngày 5-9/5), cung cấp cho học sinh kiến thức về trí tuệ nhân tạo và các kỹ năng cần thiết để tham gia vòng thi AI diễn ra từ 31/5 – 1/6. Tại vòng thi AI, các đội sẽ trực tiếp phát triển sản phẩm trên nền tảng PartyRock. Nhằm giúp học sinh làm chủ nền tảng này trước khi bước vào thi đấu, Ban tổ chức đã triển khai buổi đào tạo chuyên sâu, hướng dẫn cụ thể về các tính năng chính và quy trình sử dụng PartyRock trong khuôn khổ cuộc thi. Thông qua phần demo trực tiếp và các bài tập thực hành, học sinh biết cách biến ý tưởng thành sản phẩm ứng dụng chỉ trong vài giờ đồng hồ.

gfdgere
Học sinh THPT được hướng dẫn sử dụng nền tảng PartyRock.

Bên cạnh đó, học sinh được tìm hiểu tổng quan về trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật tạo yêu cầu cho AI (prompt engineering). Các thí sinh được trang bị kiến thức nền tảng về trí tuệ nhân tạo, lịch sử hình thành của AI và phân biệt giữa các loại AI. Qua hình thức học trực tuyến kết hợp minh họa sinh động bằng các ứng dụng thực tiễn, học sinh không chỉ nắm được lý thuyết mà còn trực tiếp thực hành thiết kế prompt – kỹ năng quan trọng để khai thác tối đa sức mạnh của các công cụ AI hiện đại. Các thí sinh đã học được cách giao tiếp với máy móc hiệu quả, từ đó tự “huấn luyện” AI trở thành công cụ hỗ trợ học tập và sáng tạo cho chính mình.

Học sinh được hướng dẫn áp dụng nền tảng Scamper Framework để cải tiến ý tưởng, dùng Miro để tổ chức suy nghĩ bằng sơ đồ tư duy, còn Canva và AI Designer hỗ trợ học sinh trình bày ý tưởng một cách chuyên nghiệp. Tất cả công cụ này đóng vai trò hỗ trợ học sinh truyền tải sản phẩm một cách rõ ràng, logic và thuyết phục. Đây cũng chính là kỹ năng mềm mà Ban tổ chức cuộc thi FARC 2025 muốn học sinh phát triển song song với năng lực công nghệ.

Thí sinh Nguyễn Hồng Vân (đội LIONKING_1, trường THPT Xuân Mai, Hà Nội) cho biết sau buổi đào tạo, cô có thêm kiến thức về AI tạo sinh và những ứng dụng hữu ích của trí tuệ nhân tạo. Nữ sinh chia sẻ: “Chúng em đã biết cách tạo một ứng dụng AI hoàn chỉnh trên PartyRock và áp dụng những kiến thức được học để phát triển sản phẩm của đội mình trong cuộc thi. Cả đội của em được truyền cảm hứng từ những kiến thức mà giảng viên cung cấp trong các buổi đào tạo”.

Thầy Lâm Hữu Khánh Phương – giảng viên IT, Trường Đại học FPT đồng thời là người đảm nhiệm vai trò hướng dẫn trong 3 buổi đào tạo – cho biết: “Chuỗi đào tạo không đơn thuần truyền đạt kiến thức mà còn là bước đầu để học sinh hình thành tư duy công nghệ. Các em được tiếp cận AI bằng cách tương tác trực tiếp với công cụ thật, qua đó hiểu được AI không xa vời và hoàn toàn có thể trở thành trợ lý đắc lực trong quá trình học tập, sáng tạo”.

Bệnh cạnh việc thể hiện năng lực chuyên môn trong lĩnh vực AI và robotics, các đội thi còn phải phát huy khả năng sáng tạo nội dung thông qua video truyền thông. Theo đó, các đội sẽ sáng tạo video ngắn với chủ đề tự chọn xoay quanh việc tham gia cuộc thi FARC 2025. Mỗi thành viên trong đội sẽ đăng video lên Facebook và TikTok cá nhân kèm hashtag và key visual do Ban tổ chức cung cấp để được tính điểm. Tổng điểm vòng thi AI sẽ bao gồm 70% điểm chuyên môn và 30% điểm video truyền thông. Mỗi thành viên trong đội đăng video không đúng và đủ tất cả tiêu chí của Ban tổ chức sẽ bị trừ 1/3 số điểm truyền thông. Nếu 3 thành viên trong đội không hoàn thành việc đăng tải video, cả đội sẽ bị trừ toàn bộ điểm của phần thi này.

Vòng thi AI diễn ra tại 5 cơ sở đào tạo của Trường Đại học FPT. Mỗi cơ sở sẽ có 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 6 giải phụ. 

Ban tổ chức sẽ chọn 220 đội thi xuất sắc nhất tiếp tục thi đấu vòng Robotics cấp khu vực diễn ra từ ngày 16/6 – 10/7 với thử thách “Robot nông nghiệp bền vững”. Mỗi trận đấu kéo dài 2 phút 30 giây với 4 đội tham gia. Các đội được ghép ngẫu nhiên để tạo thành 2 liên minh, mỗi liên minh gồm 2 đội và 2 robot. Trong giai đoạn đầu, mục tiêu của mỗi liên minh là phối hợp vận chuyển đất và hạt giống vào nhà kính để sản xuất và thu hoạch các loại nông sản. Ở giai đoạn tiếp theo, hai liên minh sẽ hợp tác để hình thành một liên minh toàn cầu, với nhiệm vụ cân bằng năng lượng để duy trì hoạt động của nhà máy sản xuất hạt giống, đồng thời đảm bảo nhà kính luôn được tiếp hạt giống cần thiết.

Tại vòng Chung kết toàn quốc (ngày 2 – 3/8), Ban tổ chức sẽ trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba cùng nhiều giải phụ và các suất học bổng hấp dẫn tại Trường Đại học FPT.

FPTU AI & Robotics Challenge 2025 là sân chơi dành cho học sinh khối giáo dục trung học trên toàn quốc do Trường Đại học FPT tổ chức. Cuộc thi không chỉ mở ra cơ hội để học sinh thực hành và sáng tạo với công nghệ, mà còn khơi dậy niềm say mê khám phá lĩnh vực STEAM, giúp các em nuôi dưỡng tư duy đổi mới và phát triển kỹ năng toàn diện cho thời đại số.

Thúy Anh