Gần hai thập kỷ gắn bó với giảng đường, thầy Trần Quốc Huy (Bộ môn Kỹ năng mềm) đã biến Triết học thành những luồng suy tưởng sống động, nơi mỗi bài giảng không dừng lại ở lý thuyết mà còn mở ra những góc nhìn thực tiễn gần gũi.
Lý trí chọn hướng đi, trái tim chọn nơi đến
Có những hành trình được định hình từ sớm, nhưng giữa ngã rẽ cuộc đời, không phải ai cũng đủ kiên định để đi đến cuối cùng. Thế nhưng, thầy Trần Quốc Huy – giảng viên Trường Đại học FPT – vẫn làm được điều đó bằng cả thanh xuân gắn bó với Triết học. Từ những năm cấp ba chuyên ban, đến giảng đường Đại học, rồi bước lên bục giảng, con đường ấy chưa bao giờ đổi hướng. Đối với thầy, Triết học không chỉ là những trang sách mà còn là những trải nghiệm sống động được chiêm nghiệm qua thời gian.
Ban đầu, thầy Trần Quốc Huy chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chuyển về công tác tại Trường Đại học FPT, cho đến khi những cuộc trò chuyện với đồng nghiệp mở ra cho thầy một góc nhìn hoàn toàn mới: “Trước khi về với Trường Đại học FPT cách đây 3 năm, thầy đã có thời gian giảng dạy tại một trường đại học tư thục ở thành phố Đà Nẵng với giảng đường lên đến 400 – 500 sinh viên. Ở đó, thầy không biết hết được các trò mà trò cũng không biết nhiều về thầy. Nhưng rồi, khi nghe mọi người kể về Trường Đại học FPT – nơi có quy mô lớp học chỉ giới hạn dưới 30 sinh viên, thầy cảm thấy rất ấn tượng. Bởi điều này sẽ tạo điều kiện để giảng viên quan tâm đến từng em và theo sát từ nhận thức, cảm xúc đến thái độ học tập. Không riêng thầy, một môi trường đào tạo như vậy, bất kỳ người dạy học nào cũng sẽ mong muốn được trải nghiệm”.
Trường Đại học FPT còn gây ấn tượng trong lòng thầy Huy với cơ sở vật chất hiện đại và phương pháp tổ chức giáo dục chặt chẽ, thực tế. “Khi lần đầu tiên đặt chân đến trường để tham quan, thầy cảm nhận ngay một không khí làm việc vui vẻ, gắn kết giữa các giảng viên và nhân viên. Chính điều đó đã thôi thúc thầy dấn thân vào một môi trường mà thầy tin là phù hợp với lý tưởng giảng dạy của mình”, thầy Huy chia sẻ thêm.
Trong giáo dục đại học, có những môn học được xem là nền tảng nhưng lại thường bị sinh viên e ngại vì tính trừu tượng và khô khan của nó. Lý luận chính trị là một trong số đó. Không ít sinh viên khi bước vào giảng đường đã cảm thấy môn học này xa lạ, khó tiếp cận, đặc biệt khi chưa có đủ trải nghiệm thực tế để thấu hiểu sâu sắc những vấn đề triết học hay chính trị. Tuy nhiên, giữa những khung chương trình giảng dạy truyền thống, Trường Đại học FPT đã chọn một hướng đi riêng.
Đề cập quan điểm về vấn đề này, thầy Huy cho biết: “Thay vì đưa môn Lý luận chính trị vào năm nhất hay năm hai như thường lệ, Trường Đại học FPT quyết định đưa môn học này vào năm cuối – một thời điểm mà sinh viên đã có đủ vốn sống, trải nghiệm thực tế cũng như tư duy hệ thống để tiếp cận môn học một cách hiệu quả nhất. Bởi lúc này, các bạn đã hoàn thành kỳ thực tập, va chạm với thực tế và không còn là những sinh viên non nớt. Vì vậy, khi tiếp xúc với khối lượng kiến thức về triết học hay lý luận, các bạn sẽ hiểu sâu cũng như có khả năng phân tích sắc bén hơn. Điều đó khiến cho người giảng viên như thầy cảm thấy rất hạnh phúc”.
Người thầy tâm huyết với giáo dục và trách nhiệm xã hội
Giữa những trang giáo trình mang nặng tính lý thuyết, thầy Trần Quốc Huy không ít lần trăn trở: làm sao để sinh viên không chỉ học thuộc, mà còn thật sự hiểu và thấm nhuần tri thức? Đó cũng là lý do thầy chọn một con đường giảng dạy mới mẻ – không chỉ dừng lại ở các bài giảng trên lớp, mà còn đưa sinh viên đến với thực tế, để tri thức trở thành những bài học sống động.
Thầy Huy quan niệm: “Các môn Lý luận chính trị vốn dĩ là tri thức của cuộc sống, mang tính quy luật và được đúc kết qua thực tiễn. Chính vì vậy, phương pháp giảng dạy của thầy luôn gắn lý thuyết với thực tế, lấy thực tiễn làm điểm tựa để sinh viên dễ dàng tiếp cận những vấn đề mang tính học thuật. Rõ ràng rằng cách thức gắn lý thuyết bằng những câu chuyện khôi hài trong thực tiễn sinh viên sẽ đỡ nhàm chán với môn học hơn”.
Bên cạnh việc đưa ra những ví dụ minh họa, thầy Huy còn là một trong những người tiên phong xây dựng các đề án học tập thực tế, đưa sinh viên đến bảo tàng để trực tiếp tiếp xúc với các kỷ vật thời chiến, những ký ức của dân tộc bằng mọi giác quan. Những chuyến đi thực tế trong môn học của thầy Huy không chỉ giúp sinh viên tại trường hiểu sâu hơn về bài học mà còn góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và góc nhìn sâu sắc về xã hội.
Một kỷ niệm đáng nhớ của thầy Huy cùng với các sinh viên trong trường chính là cuộc thi “Trường học không ma tuý 2024”, sân chơi quy mô quốc gia, do Bộ Công an phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Thời điểm đó, thầy có vỏn vẹn 7 ngày để tập hợp đội hình, 10 ngày chuẩn bị hành trang đến vòng Sơ loại. Và tiếp đó, hành trình của thầy Trần Quốc Huy cùng nhóm sinh viên Trường Đại học FPT là một câu chuyện đầy bất ngờ.
Theo dòng hồi tưởng, thầy kể: “Thời điểm thầy nhận được thông tin về cuộc thi từ Phòng Công tác sinh viên là chỉ còn đúng một tuần nữa trước vòng Sơ loại diễn ra tại Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng. Khi biết vẫn còn cơ hội đăng ký dự thi và được sự chấp thuận của Phó Hiệu trưởng, thầy đã bắt tay ngay vào tập hợp đội hình. Thầy còn ấn tượng mãi với tinh thần của các bạn: không chỉ tham gia mà phải làm hết mình, để chứng minh giá trị của sinh viên Trường Đại học FPT trên sân chơi quốc gia”.
Bằng sự nỗ lực của cả thầy trò, ứng dụng SafeEdu – nền tảng di động tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy trong giới trẻ đã ra đời và nhận về sự đánh giá cao từ Ban tổ chức. Nhờ vậy, đội thi của Trường Đại học FPT xuất sắc trở thành đại diện duy nhất khu vực miền Trung vào chung kết toàn quốc cuộc thi “Trường học không ma túy 2024”.
Tại đêm Chung kết toàn quốc ở Hà Nội, dự án đạt giải Nhì chung cuộc. Thầy tự hào nhấn mạnh: “Điều này một lần nữa khẳng định được tố chất của sinh viên trong trường khi các bạn chỉ có vài ngày để thực hiện hóa sản phẩm. Thầy mong trong tương lai sẽ có thêm thật nhiều cuộc thi như vậy nhằm chứng minh cho mọi người thấy rằng thế hệ sinh viên nào của Trường Đại học FPT cũng có đủ khả năng để góp sức giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội”.
Trong ấn tượng của thầy Huy về cuộc thi, sinh viên Trường Đại học FPT luôn để lại thiện cảm với các trường đại học khác bởi sự lịch lãm, tinh thần cầu thị và thái độ ứng xử văn minh. Thầy nói: “Các bạn ấy không chỉ chào hỏi tất cả mọi người mà còn thể hiện sự biết ơn bằng những cử chỉ trân trọng khi nhận được sự giúp đỡ. Đặc biệt, đọng lại nhất trong hành trình này chính là khoảnh khắc mấy thầy trò quây quần bên nhau sau cuộc thi. Thay vì tận hưởng chiến thắng, các bạn đã cùng nhau thảo luận, vạch ra kế hoạch hiện thực hóa dự án sớm nhất có thể. Đó chính là tinh thần FPT – luôn khát khao cống hiến và không ngừng hướng đến những giá trị thiết thực cho xã hội”.
Ước mơ vẫn “cháy” qua năm tháng
Trước những băn khoăn về định hướng nghề nghiệp của giới trẻ, thầy luôn mong muốn các bạn có một nền tảng vững chắc, thay vì mãi loay hoay trong những lựa chọn ngắn hạn. Thầy Huy nhấn mạnh: “Dù ở bất kỳ môi trường nào, lao động vẫn là hoạt động cốt lõi của con người. Khi đã lao động, hãy lao động hết mình, rồi một ngày thành quả sẽ đến. Trong đó, lao động không chỉ đơn thuần là làm việc mà còn là quá trình tích lũy tri thức, rèn luyện kỹ năng và đúc kết kinh nghiệm. Những giá trị này không phải tự nhiên mà có, cũng không thể đạt được nếu chỉ liên tục thay đổi công việc và không tiến vào chiều sâu”.
Chính vì vậy, thầy Huy luôn hy vọng sinh viên sẽ có một định hướng rõ ràng ngay từ đầu, chọn môi trường phù hợp và kiên trì phát triển trong lĩnh vực mình đã được đào tạo. Thầy nói: “Sự ổn định trong công việc không đồng nghĩa với dậm chân tại chỗ. Đó còn là mở ra cơ hội cho các bạn đào sâu chuyên môn, trau dồi năng lực và xây dựng nền tảng vững chắc trong sự nghiệp. Sau cùng, kinh nghiệm chính là tài sản quý giá, không thể lãng phí vào những bước đi hời hợt. Hãy đầu tư đúng vào chuyên môn của mình, khi ấy thành công sẽ tự khắc gõ cửa”.
Trong suốt hành trình của mình, bên cạnh đam mê giảng dạy, thầy Trần Quốc Huy còn nuôi dưỡng một ước mơ đặc biệt: xây dựng một thư viện mang tên cụ Trịnh Văn Bô (1914-1988), một thương nhân Việt Nam giữa thế kỷ XX theo chủ nghĩa dân tộc và từng ủng hộ cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng (tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ bấy giờ). Vượt lên trên mong muốn cá nhân, thầy Huy khát khao được góp phần lan tỏa tri thức, tạo nên một không gian để những người yêu sách có thể khám phá và học hỏi.
Thầy chia sẻ: “Ngay từ những ngày còn là sinh viên, thầy đã sưu tập rất nhiều sách. Khi rời Huế vào Đà Nẵng, thầy phải thuê hẳn một chuyến xe riêng chỉ để chở toàn bộ số sách ấy theo mình. Và ước mơ mở một thư viện không phải là điều mới nảy sinh. Nó đã hình thành trong suy nghĩ của thầy từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học và lớn dần theo thời gian, rồi trở thành một phần trong cuộc sống của thầy”.
Tuy nhiên, hiện thực không phải lúc nào cũng thuận lợi, thầy tâm sự: “Cuộc sống với những bộn bề trách nhiệm, những thay đổi về nơi ở, công việc đã khiến thầy chưa thể thực hiện giấc mơ ấy. Những lần chuyển trọ hay sự mất mát dọc đường cũng ảnh hưởng không ít đến kho sách mà thầy đã dày công gây dựng”.
Dẫu vậy, niềm tin vào giấc mơ trong thầy vẫn chưa bao giờ tắt: “Có thể bây giờ nó vẫn đang nằm trên bản kế hoạch, nhưng chắc chắn một ngày không xa, thầy sẽ biến nó thành hiện thực”.
Hạnh Ly