Tại Hội nghị quốc tế về Quản lý công nghệ giáo dục hồi tháng 11/2024, Lê Thị Huỳnh Như – sinh viên K18 chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo – trình bày báo cáo nghiên cứu về tác động của sự phát triển AI đối với sinh viên gặp hạn chế tiếp cận công nghệ.
Sinh ra và lớn lên tại Tiền Giang, cựu nữ sinh Trường THPT Cái Bè đã sớm dành sự quan tâm đặc biệt đến công nghệ và các môn khoa học tự nhiên. Bước vào Trường Đại học FPT với môi trường học tập năng động và thực tiễn, cô bạn như “cá gặp nước” khi có nhiều cơ hội tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này.
Trong quá trình theo đuổi chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (AI), Như nhận ra sự phát triển nhanh chóng của AI tại Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội trong giáo dục, nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận công nghệ hoặc được đào tạo kỹ năng sử dụng công cụ AI hiệu quả. Điều này có thể vô tình tạo ra khoảng cách lớn trong cơ hội học tập và làm việc giữa các sinh viên. Đó chính là động lực thôi thúc cô thực hiện nghiên cứu “Tác động của sự phát triển nhanh chóng của AI đối với sinh viên gặp hạn chế tiếp cận công nghệ”.
Sau quá trình khảo sát, Như phát hiện ra rằng những sinh viên thiếu điều kiện tiếp cận công nghệ thường gặp khó khăn khi sử dụng các công cụ AI hỗ trợ học tập. Sự chênh lệch về kỹ năng số không chỉ khiến họ mất tự tin mà còn ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp. Trong một số trường hợp, dù có đủ điều kiện để tiếp cận công nghệ, sinh viên lại lo ngại về tính xác thực của thông tin được đưa ra bởi các công cụ này.
Một kết quả trong nghiên cứu khiến Như bất ngờ hơn cả là dù hơn 90% sinh viên được khảo sát từng nghe và sử dụng AI, chỉ một số ít có đủ kỹ năng để ứng dụng công nghệ này hiệu quả.
“Nghiên cứu chỉ ra rằng rào cản lớn nhất khiến sinh viên bị tụt lại trong cuộc đua AI là sự thiếu hụt về kỹ năng số. AI không chỉ yêu cầu sinh viên biết cách sử dụng thành thạo công cụ, mà còn phải có tư duy phản biện, tính sáng tạo khi ứng dụng vào học tập và công việc. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về tài chính cũng trở thành rào cản vì một số công cụ AI hữu ích yêu cầu trả phí”, cô bạn chia sẻ. Chính khoảng cách chênh lệch về kỹ năng số đã vô tình gây ra áp lực về thể chất và tinh thần lên những sinh viên chưa có cơ hội tiếp cận hay chưa theo kịp công nghệ AI.
Để giúp sinh viên giảm bớt áp lực không theo kịp công nghệ, Như đề xuất 3 giải pháp chính: Khuyến khích tự học và nghiên cứu chuyên sâu về AI, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình, tham gia các khóa học nâng cao. Trong đó, cô cho rằng việc kết hợp cả 3 phương pháp, đặc biệt là tham gia khóa học do trường tổ chức hoặc workshop (hội thảo chuyên đề) từ các CLB công nghệ, sẽ giúp sinh viên tiếp cận AI một cách hiệu quả hơn.
Hành trình Như thực hiện nghiên cứu kéo dài khoảng 3 tháng, từ khảo sát, thu thập dữ liệu đến phân tích. Trong đó, thách thức lớn nhất cô bạn gặp phải là việc khảo sát nhóm sinh viên tiếp cận công nghệ còn hạn chế để lấy ý kiến. Bên cạnh đó, không dễ có thể xác định những tiêu chí khách quan để đánh giá mức độ ảnh hưởng của AI.
May mắn, Như được các giảng viên tại trường và bạn bè cho ý kiến đóng góp, đưa ra những gợi ý thực tiễn có giá trị ứng dụng cao, giúp cô kịp thời điều chỉnh phương pháp nghiên cứu cũng như mở rộng góc nhìn.
Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho lần đầu tiên trình bày báo cáo nghiên cứu khoa học tại hội thảo quốc tế, Như vẫn không giấu được sự hồi hộp. Lúc đầu, cô bạn cảm thấy lo lắng không biết mọi người sẽ đón nhận nghiên cứu này như thế nào. Nhưng đến khi thấy được sự quan tâm trong mắt các chuyên gia cùng những câu hỏi thảo luận sôi nổi được đặt ra, trong lòng Như nhen lên niềm vui mừng và tự hào khó tả. “Đứa con tinh thần” của cô đã tạo được sự chú ý trên diễn đàn học thuật quốc tế.
Đối với Như, trải nghiệm “đem chuông đi đánh xứ người” này đã tạo nên một dấu mốc quan trọng trong hành trình học tập của cô. Đây đồng thời trở thành động lực để nữ sinh K18 chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu, mở rộng kiến thức về AI và tìm kiếm những giải pháp giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ trong giáo dục.
Bích Hiền