Hội nghị cộng tác viên truyền thông giữa Cục Thể dục thể thao Việt Nam và Trường Đại học FPT ghi dấu sự hợp tác chặt chẽ trong việc đưa truyền thông thể thao vào môi trường học thuật thực tiễn.
Ngày 9/5, Hội nghị Cộng tác viên Truyền thông giữa Cục Thể dục thể thao Việt Nam và Trường Đại học FPT diễn ra tại Hà Nội, đánh dấu bước tiến mới trong mô hình hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở đào tạo đại học. Sự kiện ghi nhận những thành quả từ dự án “Thể thao Việt Nam cùng sinh viên Trường Đại học FPT” và mở ra định hướng hợp tác lâu dài, bền vững trong việc truyền thông thể thao.
Dự án “Thể thao Việt Nam cùng sinh viên Trường Đại học FPT” khởi xướng từ năm 2021 do Cục Thể dục thể thao Việt Nam phối hợp cùng chuyên ngành Công nghệ truyền thông, Trường Đại học FPT triển khai. Dự án đã tạo nền tảng cho hàng loạt chiến dịch truyền thông chuyên nghiệp và mang tính xã hội cao. Với sự đồng hành của đội ngũ giảng viên Trường Đại học FPT như TS. Vũ Việt Nga, PGS. TS Phạm Thị Thanh Tịnh, ThS. Vũ Thị Tuyết Nhung cùng hơn 100 sinh viên, cựu sinh viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, dự án đã tổ chức 14 chiến dịch truyền thông quy mô toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lý Đức Thùy – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Truyền thông Thể dục Thể thao – nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc lan tỏa hình ảnh thể thao quốc gia. Ông khẳng định: “Sự đồng hành của sinh viên Trường Đại học FPT là minh chứng cho mô hình hợp tác thiết thực, năng động, bắt kịp xu hướng thời đại”.
Trong báo cáo tổng kết, TS. Vũ Việt Nga – giảng viên bộ môn Truyền thông đa phương tiện – cho biết dự án đã sản xuất hàng chục nghìn tin, bài, video và sản phẩm truyền thông số, lan tỏa mạnh mẽ trên các kênh TikTok, Facebook, Youtube, tiếp cận hàng triệu người dùng. Riêng trang Facebook Ban Phụ nữ & Thể thao Việt Nam đã đạt mốc 60.000 lượt theo dõi, kênh TikTok Vietnam Sport News 24/7 thu hút hơn 57.000 người theo dõi và hơn 1,3 triệu lượt thích.
Một trong những điểm nổi bật của dự án là việc tích hợp các chiến dịch truyền thông vào quá trình học tập và tốt nghiệp của sinh viên. Các nhóm sinh viên đóng vai trò như những agency thực thụ, tự chủ từ khâu ý tưởng, sản xuất nội dung đến đo lường hiệu quả truyền thông. Nhiều chiến dịch đã để lại dấu ấn rõ nét, như “Tình yêu của Thể thao dành cho người khuyết tật” giúp phần lan tỏa tinh thần nhân văn và thay đổi nhận thức cộng đồng; chiến dịch “Bình đẳng vươn cao – Thể thao vươn xa” thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao; “Gen Z và Thể thao Việt Nam” khai thác góc nhìn trẻ trung để kết nối thể thao với thế hệ mới.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng trực tiếp tham gia hỗ trợ truyền thông tại hơn 20 sự kiện thể thao lớn trên cả nước, từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa đến Đà Nẵng và TP HCM, thể hiện tinh thần chuyên nghiệp và khả năng tác nghiệp thực tế linh hoạt.
Dự án còn tạo ra giá trị xã hội rõ rệt. Chiến dịch gây quỹ cộng đồng “Những chiến binh tương lai” đã huy động hơn 99 triệu đồng để hỗ trợ phát triển các môn thể thao cộng đồng như boocia, pickleball và đóng góp cho Trung tâm phục hồi chức năng Thụy An. Đại diện Cục Thể dục thể Thao Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp thiết thực từ đội ngũ sinh viên Trường Đại học FPT.
Kết thúc hội nghị, hai bên thống nhất hướng tới việc mở rộng hợp tác trong giai đoạn tới, bao gồm triển khai các chiến dịch truyền thông mới, xây dựng chương trình thực tập và cộng tác viên dành riêng cho sinh viên Trường Đại học FPT tại các sự kiện thể thao cấp quốc gia. ThS. Vũ Thị Phương Thảo – Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và Cựu sinh viên – chia sẻ mong muốn tiếp tục mở rộng sự tham gia của sinh viên các chuyên ngành khác của Trường Đại học FPT. Bà chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng có thể hợp tác với Cục Thể dục thể thao Việt Nam trong tương lai, để không chỉ sinh viên chuyên ngành Công nghệ truyền thông mà sinh viên các chuyên ngành khác như Công nghệ thông tin, Thiết kế mỹ thuật số… cũng có thể tham gia vào những chương trình và hỗ trợ cho thể thao nước nhà”.
Thông qua từng chiến dịch của dự án “Thể thao Việt Nam cùng sinh viên Trường Đại học FPT”, các bạn sinh viên được tích lũy kiến thức chuyên môn, rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng ứng dụng công nghệ vào thực tiễn đồng thời nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Đó là những kỹ năng không thể thiếu trong hành trang của thế hệ công dân toàn cầu.
Lan Phương