Theo thầy Trần Văn Thi – giảng viên Thiết kế mỹ thuật số, việc ứng dụng AI vào chuyên ngành này tại Trường Đại học FPT đòi hỏi giảng viên đổi mới tư duy và phương pháp, đồng thời mở ra cho sinh viên những chân trời sáng tạo mới mẻ.
Nói về những tiềm năng mà trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cho lĩnh vực thiết kế mỹ thuật số, thầy Thi bày tỏ quan điểm: “AI đang dần thay thế Google và trở thành cộng sự đắc lực trong công việc giảng dạy, một điều mà trước đây chỉ có trong phim ảnh”.
Bằng kinh nghiệm giảng dạy thực tế tại Trường Đại học FPT, thầy Thi chỉ ra những lợi ích rõ nét mà AI mang lại cho sinh viên chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số. Điển hình là trong giai đoạn brainstorming, thay vì tốn nhiều thời gian trao đổi và tìm kiếm hình ảnh tham khảo, sinh viên giờ đây có thể sử dụng các công cụ AI như ChatGPT, Gemini, Firefly để lên đề cương chi tiết và hình ảnh concept (chủ đề) định hướng ý tưởng ban đầu chỉ bằng việc nhập prompt (câu lệnh) mô tả chi tiết. Sau đó, các bạn có thể tự do thêm hoặc chỉnh sửa để tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.
Trong quy trình 3D, AI cũng chứng tỏ khả năng vượt trội khi giúp giảm thiểu đến 30-40% khối lượng công việc dựng hình ban đầu. Từ một hình ảnh 2D, AI có thể “hô biến” thành mô hình thô nhanh chóng và khá chi tiết, tạo tiền đề để người dùng can thiệp và hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Tương tự, trong lĩnh vực diễn hoạt hiện đại, AI có khả năng trích xuất dữ liệu chuyển động từ video, hỗ trợ đắc lực cho việc tạo ra những cử động lớn một cách ấn tượng.
Mặc dù đánh giá cao những lợi ích mà AI mang lại, thầy Thi vẫn lưu ý về việc ứng dụng AI quá sâu vào giai đoạn đầu của quá trình sáng tạo. Thầy đặt ra câu hỏi: “Nếu dùng AI quá sớm vào công việc sáng tạo, thì liệu rằng chúng ta có còn đủ siêng năng sáng tác hay không? Đây là một vấn đề cần được xem xét thận trọng để đảm bảo sinh viên vẫn rèn luyện được những kỹ năng nghề nghiệp cốt lõi”.
Khi AI hỗ trợ mạnh mẽ quá trình sáng tạo, thầy Thi cho biết việc đánh giá sản phẩm của sinh viên sẽ tùy thuộc vào loại hình tác phẩm và mức độ ứng dụng AI. Đối với các thể loại như phim AI minh họa câu chuyện hoặc architectural visualization (chuyển đổi các ý tưởng thiết kế kiến trúc thành hình ảnh trực quan) dựa trên bản vẽ gốc của tác giả, việc sử dụng AI trong các hạng mục video/demonstration (minh họa) hoàn toàn được ủng hộ vì nó không ảnh hưởng đến sự suy tư và sáng tạo ra bản gốc.
Tuy nhiên, đối với sáng tác tranh, thầy khuyến khích chỉ nên sử dụng AI trong các bước tham khảo, tìm kiếm thông tin, để tác phẩm cuối cùng vẫn mang đậm dấu ấn cá nhân và người học có thể tự tin khẳng định “tác phẩm này là của tôi”.
“Là giảng viên, tôi đề cao năng lực sáng tác của cá nhân người học. Các bạn cần trang bị kiến thức, kỹ năng để trở thành người có chuyên môn, làm việc một cách chuyên nghiệp. Trong những công đoạn không ảnh hưởng đến tính sáng tạo, nét riêng cá nhân thì giảng viên có thể khuyến khích người học ứng dụng AI. Để cụ thể hóa điều này, tôi nghĩ các nhà đào tạo cần ngồi lại với nhau và thống nhất một ‘khung tiêu chí’ về mức độ ứng dụng AI được phép trong từng loại hình tác phẩm. Trong 3-5 năm tới, tôi kỳ vọng các chuyên gia có thể tạo ra quy trình chuẩn cho việc ứng dụng AI vào lĩnh vực thiết kế mỹ thuật số”, thầy Thi nhận định.
Để sinh viên vừa tận dụng được sức mạnh của công nghệ AI, vừa giữ vững dấu ấn cá nhân trong sản phẩm, thầy Thi cho rằng trước tiên cần phải xây dựng một nền tảng vững chắc về văn hóa đọc, luyện tập kỹ năng thường xuyên, suy tư và trải nghiệm cuộc sống để có những ý tưởng mới mẻ. Sau đó, AI sẽ đóng vai trò như một “ngoại lực” hỗ trợ, giúp hiện thực hóa những ý tưởng đó một cách hiệu quả và kiểm soát được kết quả theo mong muốn. Quan trọng nhất là người học phải có khả năng thẩm định được đầu ra của AI để lựa chọn kết quả phù hợp nhất.
Nhìn về chương trình đào tạo hiện tại của Trường Đại học FPT, thầy Thi cho rằng lợi thế lớn của sinh viên sau khi tốt nghiệp là sự trải nghiệm đa dạng và kiến thức bao quát về nhiều lĩnh vực. Việc áp dụng hình thức Project-Based Learning (học tập thông qua dự án) trong nhiều môn học cũng là một điểm mạnh, giúp sinh viên học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
“Với sự kết hợp giữa nền tảng kiến thức vững chắc và khả năng ứng dụng AI một cách thông minh, sinh viên chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số tại Trường Đại học FPT sẽ có đủ khả năng bứt phá giới hạn và tự tin khẳng định mình trong kỷ nguyên số”, thầy khẳng định.
Bích Hiền