Những ngày qua, bộ ảnh chân dung Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam do các bạn sinh viên Đại học FPT thực hiện đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Chắc hẳn đằng sau những tác phẩm nghệ thuật đó là những tâm tư cũng như trải nghiệm thú vị chưa được kể. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của các Thầy Trò ngành Digital Art & Design nhé.
Ý tưởng vẽ chân dung bác Đam xuất phát từ đâu?
Được biết, chủ đề Vẽ chân dung chính là một bài tập cá nhân do Thầy Nguyễn Viết Tân, giảng viên trực tiếp của các bạn sinh viên K15 ngành Thiết kế Đồ hoạ ra đề cho các bạn trong 2 buổi học Online thông qua ứng dụng Google Meet mà Đại học FPT đã triển khai từ tháng 3. Thế nhưng, chủ nhân thực sự của ý tưởng vẽ bác Đam lại chính là các bạn sinh viên.
Thầy Nguyễn Viết Tân trong 1 buổi dạy Online
Chia sẻ về những tác phẩm này, thầy Nguyễn Viết Tân vô cùng ấn tượng khi nhận những tác phẩm của học trò. “Ban đầu chỉ đơn giản là một bài tập vẽ chân dung nhưng các bạn sinh viên đã gợi ý vẽ một nhân vật điển hình thời dịch. Ý tưởng này có thể nói là đến từ chính sinh viên.”
Bạn Đỗ Ngọc Khánh Uyên, một thành viên của lớp GD 1501, K15 ngành Thiết kế Đồ họa trường ĐH FPT TP. HCM cho biết: “Có một câu nói của bác Đam làm mình rất cảm động: “Cách ly như nhau, không phân biệt. Không có cơ sở cách ly cao cấp dành cho người Việt Nam trả phí dịch vụ”. Vì thế ngay khi biết đề bài là “Người hùng chống dịch” mình đã nghĩ ngay đến bác.
Thế là cả lớp cùng nhất trí sẽ vẽ chân dung “Người hùng chống dịch” là Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam.
Những trải nghiệm khó quên khi bắt tay vẽ chân dung “quan chức cấp cao”
Tất cả các tác phẩm này đều được các bạn sinh viên hoàn thành chỉ sau vỏn vẹn 2 buổi học online với giảng viên. Ngoài giờ học, các bạn đều dành ra rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thiện tác phẩm của mình. Và quá trình đó cũng nhiều kỷ niệm.
Bạn Khánh Uyên kể lại: “Lúc vẽ mình cũng run và căng thẳng lắm vì lần đầu vẽ quan chức cấp cao mà vẽ tay lại không phải sở trường của mình nữa. Thế nên mình đã cố gắng rất nhiều, may mà thầy không chê”.
Còn bạn Đào Lê Nhật Tân – một thành viên khác của lớp lại chia sẻ về sự “khủng hoảng” do vẽ mãi mà chưa thấy giống bác Đam: “Mình khủng hoảng liên tục vì vẽ không giống bác á. Góc hất mặt thật sự rất khó để đo đúng tỷ lệ nên lúc đầu mình gạch xóa tùm lum à. Cũng rất may là cuối cùng bức chân dung dù chưa giống bác lắm nhưng vẫn truyền tải được cảm xúc mình muốn đưa đến”.
Tác phẩm của bạn Đào Lê Nhật Tân, khá giống nhân vật sau nhiều giờ chỉnh sửa
“Vì đây là một bài vẽ về người hùng của Việt Nam nên khi vẽ tụi mình để nhiều tâm sức hơn bình thường .Từ lúc mới vào học đến giờ thì chắc đây là sản phẩm mình dành nhiều thời gian nhất, mất đến hơn 10 tiếng để hoàn thiện. Là học online nhưng mình thấy thầy dạy rất hiệu quả, thầy chữa bài còn kỹ hơn bình thường luôn. Mình rất vui khi được thầy khen và mọi người chia sẻ nhiều như thế.” – Nguyễn Đăng Dũng, sinh viên lớp GD 1502A, K15 ngành Thiết kế Đồ hoạ cho biết.
Tác phẩm của bạn Nguyễn Đăng Dũng được chia sẻ khá nhiều trong bộ ảnh
Mỗi tác phẩm là nững lời gửi gắm của sinh viên trường F
Bạn Đặng Tuấn Anh chia sẻ: “Khi mình vẽ về đề tài này, mình cảm thấy như mình cũng như một phần nào góp sức vào công cuộc chống dịch Covid19. Có thể sức lực không nhiều nhưng mình nghĩ là những bức vẽ như thế này cũng có thể giúp mọi người nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân trong mùa dịch này. Đặc biệt, mình rất cảm thông và biết ơn bác Đam, một người đã vô cùng tâm huyết trong việc bảo vệ lợi ích người dân và chống lại dịch bệnh. Mình hy vọng cuộc chiến này mau kết thúc để bác cũng như mọi người đang tham gia chống dịch có thể được nghỉ ngơi vì đã có một khoảng thời gian vô cùng khó khăn vừa rồi.”
Bên cạnh việc bày tỏ sự biết ơn tới những người anh hùng mùa dịch, các bạn sinh viên K15 cũng mong muốn thông qua những tác phẩm này có thể cổ vũ tinh thần mọi người: Chỉ cần đất nước chúng ta đoàn kết, nhất định chiến thắng dịch bệnh.
“Ngoài yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật, mình thích sự năng động, táo bạo được thể hiện trên tác phẩm của các bạn sinh viên và cả những tình cảm chân thành mà đằm thắm trong các tác phẩm ấy nữa. Trước khi môn học được triển khai ở hình thức trực tuyến, một số bạn sinh viên chưa tự tin về sự thành công của môn học. Tuy nhiên ngay sau buổi học đầu tiên, rất nhiều ưu điểm của việc học online đã được sinh viên thừa nhận. Quá trình học và làm tuy vất vả, nhưng đa số sinh viên đều hào hứng và thành quả cuối cùng thật mỹ mãn” – thầy Nguyễn Viết Tân, Trưởng khoa Thiết kế đồ hoạ chia sẻ.
Không giấu được niềm tự hào và xúc động khi nhận được bài làm của sinh viên, Thầy chia sẻ thêm: “Các bạn là những “tân binh” của ngành Digital Art & Design chập chững vào nghề (đây là học kỳ đầu tiên), tuổi đời chỉ mới 19 – 20 vậy mà đã cho ra đời những sản phẩm ấn tượng cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật thì dường như những sinh viên bây giờ hơn ông thầy của chúng khá nhiều rồi. Xin cám ơn sự nhiệt tình học tập và tình yêu nghề của các bạn trẻ.”
Thầy Nguyễn Viết Tân cập nhật status và đổi avatar thể hiện niềm tự hào về các bạn sinh viên. Ảnh chụp FBNV
Yến Linh tổng hợp