Nói chuyện với hơn 1000 tân sinh viên Đại học FPT, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra lời khuyên “Đừng ngồi chờ mà hãy tự tham gia vào. Khủng hoảng thì có nhưng nó cũng là cơ hội. Hãy tranh thủ thời gian học tập ngay từ trên trường và sẵn sàng tinh thần để tham gia vào cộng đồng thế giới mới”.
Buổi tọa đàm diễn ra cuối tuần qua (11/9) về chuyên đề “Việt Nam đang ở đâu và các bạn trẻ có thể làm gì”. Nội dung nằm trong chương trình Tháng rèn luyện tập trung dành cho hơn 1000 sinh viên Đai học FPT tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng Hà Nội 2, Xuân Hòa, Vĩnh Phúc.
Cô Phạm Chi Lan xuất hiện giản dị.
Lý giải lựa chọn chủ đề, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Tưởng chừng như rất trừu tượng nhưng lại là vấn đề thiết thực với tất cả mọi người. Mỗi người cần biết mình đang ở đâu, ở vị trí nào, từ đó tìm được hướng đi giúp chúng ta phấn đấu cũng như đóng góp một phần nào cho sự phát triển của xã hội”.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, Đại học FPT có những khối ngành mạnh là CNTT, Kinh tế, Ngôn ngữ và Mỹ thuật ứng dụng. Dù các bạn học lĩnh vực gì, cũng nên tìm hiểu những kiến thức ở các lĩnh vực còn lại. Dù học xong chuyên ngành nào, ngoài việc tiếp thu những kiến thức trên giảng đường, các tân sinh viên cần trau dồi kiến thức trên internet và trong thực tế. Bất cứ ngành nghề nào, với sự thay đổi phát triển của toàn cầu hiện nay, mọi kiến thức sẽ thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên kiến thức cơ bản sẽ cho bạn một “cái nền” để nhìn thấy sự vật hiện tượng trong sự vận động và phát triển của nó.
Theo cô Phạm Chi Lan, Đại học FPT có những khối ngành rất mạnh là CNTT, Kinh tế, Ngôn ngữ và Mỹ thuật ứng dụng.
Nói về vị trí Việt Nam hiện nay trên bản đồ thế giới, cô Phạm Chi Lan khẳng định: “Kể từ khi đổi mới Việt Nam đã rất thành công trong việc phát triển kinh tế. Tốc độ phát triển kinh tế cao thứ hai thế giới. Tốc độ tăng 5,5% tính theo đầu người. Thành công thứ hai của Việt Nam là phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội. Đây là điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được”.
Từ những bài học thực tế của lịch sử kinh tế Việt Nam thế giới, cô Phạm Chi Lan đưa ra lời khuyên cho các “tân binh”: “Chúng ta cần biết tìm chỗ đứng trong mọi lĩnh vực và phát huy sự sáng tạo để đi tắt đón đầu kịp với thế giới. Chúng ta từng rất thành công. Chúng ta thành công bởi nhiều nhân tố. Chúng ta phải tiếp tục khai thác những nhân tố đó và tìm kiếm những nhân tố mới để tạo thành công tốt hơn. Trong lúc hội nhập, đôi khi chúng ta sẽ yếu thế trong một số lĩnh vực, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tìm được cách đi của mình để chuyển bại thành thắng trong tương lai”.
Nhiều câu hỏi của tân sinh viên cũng đã được đặt ra cho cô Chi Lan về cách đối mặt với khủng hoảng kinh tế hay những hành động của sinh viên khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP). “Chúng ta có thể tự biến cuộc khủng hoảng thành cái thúc để đẩy mình lên. Ai cũng có thể làm được. Ai cũng có thể đóng góp được. Đừng ngồi chờ mà hãy tự tham gia vào. Khủng hoảng thì có nhưng nó cũng là cơ hội. Hãy tranh thủ thời gian học tập ngay từ trên trường và sẵn sàng tinh thần để tham gia vào cộng đồng thế giới mới” – chuyên gia kinh tế nhắn nhủ.
Lời khuyên của cô Chi Lan là hành trang hữu ích cho các tân sinh viên K12.
Trả lời câu hỏi “Các bạn kỳ vọng như thế nào về tương lai nghề nghiệp của mình khi học ngành CNTT” từ cô Chi Lan, một tân sinh viên chia sẻ: “Em học ngành CNTT, vì mong muốn sẽ tự thiết kế phần mềm của mình và có thể xuất khẩu phần mềm ra nước ngoài. Em rất tin Việt Nam có thể trở thành cường quốc CNTT trên thế giới”.
Kết thúc chuyên đề, đưa ra lời khuyên cho các tân sinh viên, chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định “Trước tiên các bạn cần đặt ra câu hỏi rằng mình là ai. Có như thế mới phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu để hoàn thiện bản thân. Biết mình rồi biết người. Từ khát vọng của mình, cần nghĩ rộng ra để có khát vọng chung, từ đó nâng cao trách nhiệm của mình với đất nước và xã hội”.
Trang Trần