Nhiều phụ huynh lo lắng khi con học ĐH mà suốt ngày tham gia hoạt động trải nghiệm, kể chuyện đi đây đó nhiều hơn chuyện học hành. Chuyên gia giáo dục lại cho đây là tín hiệu đáng mừng trong việc góp phần hoàn thiện kỹ năng sống cho người trẻ.
Những sinh viên đam mê trải nghiệm
Chọn học ĐH FPT, một trong những lý do quan trọng là Hà My biết tới trường có rất nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho sinh viên. Hiện đã là sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật phần mềm, cô bạn trải nghiệm rất nhiều hoạt động tại trường: MC các sự kiện, tham gia CLB, thành viên đội tuyển ĐH FPT tham dự SV 2020…. “Hoạt động nào cũng lôi cuốn mình, cho mình cảm nhận một bài học hữu ích nào đó. Không phải là kiến thức hàn lâm nhưng đó là những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống đối với một cô gái trẻ như mình”, nữ sinh xinh xắn này chia sẻ.
Nguyễn Quốc Đạt là cựu sinh viên ĐH FPT. Nhớ lại thời đi học, Đạt hóm hỉnh cho rằng “kiến thức nào đó có thể không lập tức nhớ ra chứ những trải nghiệm thời sinh viên thì lúc nào cũng sôi động trong tâm trí của mình.”
Là sinh viên Kỹ thuật phần mềm nhưng Quốc Đạt lại có năng khiếu đặc biệt về nhạc cụ dân tộc. Đạt chơi đàn giỏi, thường xuyên góp mặt trong các hoạt động sự kiện lớn ở trường, là Chủ nhiệm CLB Nhạc cụ dân tộc, từng tham gia thi Talent show của sinh viên ĐH FPT. Cậu cũng có trải nghiệm đi đó đây, khám phá văn hóa Việt Nam, giao lưu với bạn bè quốc tế. “Hồi sinh viên, mình cứ trải nghiệm vì đam mê thôi, chẳng đặt nặng học hỏi gì nhiều nhưng những kỹ năng cứ tự nhiên thấm vào con người. Đến giờ, nhiều lúc mình tự nhủ may mà hồi đó trải nghiệm học được kỹ năng này thì mới có thể ứng biến trong cuộc sống, công việc.” Đạt kể.
Phụ huynh lo, chuyên gia mừng
Đi đây đó, “chạy” sự kiện thường xuyên nên những chia sẻ của sinh viên Hà My hay cựu sinh viên Quốc Đạt với cha mẹ, gia đình mình về trường ĐH cũng xoay quanh các hoạt động trải nghiệm là chính. Vốn có tâm lý “đến trường là để học kiến thức”, thấy con học đại học chẳng vùi đầu vào sách vở, tối ngày lên giảng đường như bạn bè đồng trang lứa, phụ huynh của Hà My và Quốc Đạt lo ngay ngáy.
“Bố mẹ quan tâm đến việc học của mình lắm, hầu như ngày nào cũng hỏi hôm nay ở trường học hành thế nào. Nhưng, mình kể chuyện học bài vở thì ít mà kể làm sự kiện, tham gia trải nghiệm hoạt động thì nhiều. Nhiều khi bố mẹ lo lắng, sốt ruột “chất vấn” mình đến trường để học hay vác tù và hàng tổng?” Hà My kể. Quốc Đạt cũng chia sẻ, hồi trước, bố mẹ thấy cậu học Kỹ thuật phần mềm mà cứ “lo đàn ca sáo nhị suốt ngày” không tập trung học tập.
Tâm lý lo lắng của phụ huynh Hà Anh hay Quốc Đạt có lẽ cũng là tâm trạng của nhiều bậc cha mẹ có con cái thuộc gen Z chọn học ĐH giàu trải nghiệm. Tuy nhiên, có lẽ tâm lý ấy cần thay đổi bởi hiện nay không phải cứ đến trường mới học được kiến thức sách vở hàn lâm. Sinh viên có thể học hỏi qua Internet mọi lúc, mọi nơi, vậy nên các bạn mong muốn tìm thấy những điều mà công nghệ không thể thay thế trường học dạy được cho các bạn. Đó là trải nghiệm, là kỹ năng sống, khả năng thích ứng với một “xã hội” thu nhỏ với đầy đủ biến động của nó.
Theo các chuyên gia giáo dục, sinh viên đam mê hoạt động trải nghiệm chưa chắc đáng lo. Ngược lại, điều này phù hợp với tâm lý gen Z, chứng tỏ sự thay đổi trong nhận thức của các bạn so với các thế hệ trước. Hoạt động trải nghiệm ở trường ĐH nếu xoay quanh đủ 6 nhóm cốt lõi, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội: trải nghiệm công nghệ, trải nghiệm các hoạt động và khóa học về kỹ năng thế kỷ 21, trải nghiệm văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông, trải nghiệm các khóa học và hoạt động để trở thành lãnh đạo tương lai, trải nghiệm xu thế xã hội và văn hóa tương lai, trải nghiệm thế giới đa văn hóa thì hoàn toàn phù hợp và có lợi cho sinh viên.
Qua các hoạt động này, sinh viên có dịp va vấp, thử sức ở nhiều môi trường, tình huống, với nhiều người trong các vai trò khác nhau. Các bạn dần tự trang bị bộ kỹ năng sống hữu ích cho mình, thích ứng linh hoạt với đời sống xã hội. Đây là nền tảng để sinh viên như Hà Anh, Quốc Đạt tự định hình bản thân và kiến tạo tương lai.
Theo Dân Trí