Trường Đại học FPT

CTO 8X biến start-up thành trang thương mại nông sản điện tử hàng đầu Việt Nam

Đó chính là anh Võ Đông Tuấn Đạt, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm trường ĐH FPT, hiện đang là CTO FoodMap – sàn thương mại điện tử nông sản hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ mơ ước làm nông nghiệp và bán nông sản khác biệt: đưa con cá, củ khoai… “cưỡi” máy bay sang trời Tây, Foodmap đã thành công xuất khẩu 2 sản phẩm đầu tiên là vải và mận trong năm 2021.

Cú sốc đầu đời của cựu học sinh THPT Chuyên Quốc học Huế: Trượt Đại học

Sau 1 năm “ở ẩn” ở TP. HCM để ôn luyện, năm thứ 2 thi ĐH, Đạt chọn ĐH FPT: “Vì ĐH FPT dạy bằng giáo trình, tài liệu tiếng Anh, hợp với mong muốn của bản thân mình”. Ngoài ra, thế hệ của Đạt lớn lên khi máy tính và Internet bắt đầu trở nên phổ biến tại Việt Nam. Những làn sóng công nghệ đầu tiên mở ra cho những nam sinh như Đạt thuở ấy nhiều trải nghiệm mới mẻ. Cũng như bạn bè cùng trang lứa, được tiếp xúc với máy tính và Internet, Đạt say mê. Niềm yêu thích công nghệ dần hình thành trong chàng trai xứ Huế. Và ĐH FPT khi ấy, với ngành Kỹ thuật phần mềm trở thành lựa chọn để Đạt gửi gắm nhiều hoài bão.

Chàng sinh viên miền Trung chăm chỉ học hành “để xứng đáng với sự đầu tư của bố mẹ”. Ra trường, đúng như mong đợi, Đạt có ngay một công việc lập trình ở tập đoàn lớn, được sang Mỹ làm việc, tiếp xúc với nhiều đối tác nước ngoài. Đó là công việc lý tưởng với Đạt khi ấy. Anh gắn bó với nó trong vòng 7 năm. 8X chân thành chia sẻ: “Từ nhỏ mình đã có mong muốn làm một sản phẩm gì đó cho riêng mình nhưng lúc ra trường chưa dám nghĩ tới khởi nghiệp gì đâu, chỉ tập trung đi làm để ổn định kinh tế, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm.” Quả thật, với khả năng của bản thân và môi trường làm việc tại Mỹ với đối tác nước ngoài, Đạt có nhiều trải nghiệm công nghệ mới mẻ, cải thiện kỹ năng lập trình, giao tiếp tiếng Anh và thiết lập được mạng lưới đối tác tương đối tốt.

Năm 2015, Đạt “muốn bắt đầu cái gì đó của riêng mình”. Anh bắt tay vào dự án khởi nghiệp đầu tiên là công ty Fetch Technology nền tảng chuyên xây dựng team lập trình viên ODC cho các đối tác nước ngoài, và bây giờ là Plusteam Global – đối tác chiến lược của rất nhiều start-up nổi tiếng trong lĩnh vực Blockchain, Big Data với quy mô hơn 100 nhân viên.

Tình cờ gặp lại người bạn học chung trường cấp 3 tại Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, là Phạm Ngọc Anh Tùng – CEO FoodMap hiện tại. Ý tưởng về một sàn thương mại điện tử nông sản được Anh Tùng chia sẻ với Tuấn Đạt. Tuấn Đạt chẳng xa lạ gì với khởi nghiệp bởi anh từng start-up lần đầu vào năm 2015. Nhưng trước ý tưởng của Anh Tùng, Đạt cảm nhận sự thấu hiếu xuất phát từ thực tế cuộc sống. Cái bắt tay của hai người bạn học cũ khởi đầu cho một sản phẩm khởi nghiệp được xây dựng với cốt lõi là công nghệ trong đó Võ Đông Tuấn Đạt là “kiến trúc sư” trưởng.

FoodMap là sản phẩm khởi nghiệp được ra mắt vào cuối năm 2018. Đây là một website thương mại điện tử, giới thiệu và bán các loại nông sản, đặc sản Việt Nam thông qua việc kết nối trực tiếp giữa nông dân, các hộ sản xuất nhỏ lẻ với người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố.

Lựa chọn thương mại điện tử, một lĩnh vực không mới ở Việt Nam nhưng FoodMap thông minh khi “bẻ lái” vào thị trường ngách: nông sản. Có thể coi, đây là một “đại xương xanh” trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bởi, trong khi các sản phẩm khởi nghiệp e-commerce chọn thời trang, đồ gia dụng, hay đồ ăn thì FoodMap hướng tới sản phẩm có nguồn cung dồi dào, có nhu cầu lớn nhưng chưa có kênh online đáp ứng và dễ “được lòng” người dùng đang có xu hướng ngày càng thích sử dụng nông sản, đặc sản Việt và đã có thói quen mua hàng trực tuyến.

Theo Tuấn Đạt, những người tiên phong sẽ có thiệt thòi là thiếu vốn tri thức cộng đồng về hiểu biết hành vi và tâm lý thị trường; nhưng FoodMap đã khắc phục được yếu tố này và trở thành sàn nông sản tương đối biết cách “chiều lòng” khách hàng. Bài toán công nghệ khi xây dựng website nói riêng và cả hệ thống vận hành phía sau được tối ưu để tập trung đáp ứng nhu cầu thực tế của người Việt với nông sản, đặc sản Việt.

Phục vụ cả đối tượng nông dân – những người có nhu cầu bán nông sản của mình và người tiêu dùng – những người mua hàng với trăm nghìn nhu cầu khác nhau – đây đều là những đối tượng không quá thành thạo công nghệ, thích những gì dễ hiểu, dễ sử dụng. Bởi vậy, Tuấn Đạt và đội ngũ lập trình đã xây dựng website FoodMap với những module sản phẩm riêng: Trái cây theo mùa, Rau củ Đà Lạt, Trà – Cafe, Đặc sản. Mỗi module lại chia nhỏ sản phẩm theo nhóm, rất tiện cho việc lựa chọn, tìm kiếm. Ngoài ra, FoodMap còn có chuyên mục thông tin về nông sản, đặc sản, các xu hướng nông nghiệp xanh hoặc tiêu dùng thông minh nhằm mục đích hỗ trợ nhà sản xuất và người tiêu dùng qua module Ngon lành TV. Tất cả các sản phẩm đều được hình ảnh hóa trực quan, niêm yết giá công khai và “vote sao” thể hiện sự đánh giá của khách hàng ngay trên webiste.

Tuấn Đạt cho biết: “FoodMap nhắm đến mục tiêu dùng công nghệ để nâng cao giá trị nông sản Việt. Vấn đề truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc khi mọi nông dân hoặc nhà sản xuất muốn đưa sản phẩm của mình lên sàn. Người tiêu dùng cũng dễ dàng dùng điện thoại để truy xuất nguồn gốc, kiểm tra kiểm định chất lượng của mặt hàng mình mua.” FoodMap sẽ theo sát quá trình sản xuất nông sản tại các nông hộ đối tác, kiểm tra định kỳ và dán tem kiểm định nguồn gốc, chất lượng nông sản theo các tiêu chuẩn được cho phép tại Việt Nam hiện nay như VietGap, Global Gap. Ngoài ra, sàn thương mại điện tử này cũng đang là đối tác chính thức của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam với nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ vào việc giúp nông dân chuyển sang làm nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, áp dụng tự động hóa và quản trị chuỗi cung ứng theo nền tảng số hóa 4.0.

“Công nghệ là yếu tố quan trọng của FoodMap chứ không đơn thuần là nông nghiệp hay kinh doanh.” Tuấn Đạt chia sẻ. Với đặc trưng mô hình làm việc với cả nhà sản xuất, tức là B2B và với cả người tiêu dùng, tức là B2C, lượng dữ liệu cần được lưu trữ và xử lý mỗi giờ, mỗi ngày của FoodMap là rất lớn. Hiểu được điều này, Tuấn Đạt cho biết, anh cùng đội ngũ của mình đang ấp ủ việc sử dụng các giải pháp hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay như Big Data, AI hay Blockchain để xây dựng một hệ thống dữ liệu đủ sức cạnh tranh với thị trường E-commerce đang phát triển như vũ bão.

“Có nhiều khó khăn chứ, nhưng khi đối diện với bài toán khó là lúc phải học hỏi.” Tuấn Đạt cho biết. Anh có cơ hội học hỏi không ngừng khi còn là sinh viên ĐH FPT, rồi là kinh nghiệm khi sang Us, Singapore làm việc trực tiếp với KH FPT. Đến bây giờ, Đạt cùng đội ngũ của mình tại FoodMap vẫn không ngừng học hỏi công nghệ mới. “May mắn của mình là có đội ngũ nhân viên trẻ, nhiệt tình, làm việc thường xuyên từ 12-14 tiếng mỗi ngày và có nhiều network với các chuyên gia công nghệ trong ngoài nước.” Đạt bày tỏ.

Thách thức cũng là thời cơ

Trước khi tới với FoodMap, chàng cựu sinh viên ĐH FPT từng là CEO của công ty khởi nghiệp có 3 chi nhánh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với 150 nhân viên. Nhưng Covid-19 ập tới, hiệu quả kinh doanh của công ty giảm sút. Covid-19 là thách thức lớn nhất trong vài năm trở lại đây với giới khởi nghiệp và Tuấn Đạt thấm thía trải nghiệm này. Anh chọn từ bỏ để nắm bắt những thời cơ mới, cách làm mới.

Thời cơ đến với Tuấn Đạt và FoodMap, bất ngờ cũng trong những làn sóng Covid-19. Giãn cách, hạn chế tiếp xúc khiến những dịch vụ mua sắm trực tuyến bung nở rực rỡ. Giờ đây, người tiêu dùng không chỉ mua các loại hàng hóa, quần áo, mỹ phẩm… qua mạng mà mua cả thưc phẩm tươi sống thậm chí đi chợ hàng ngày theo cách trực tuyến. Điều này tạo cơ hội cực kỳ thuận lợi cho FoodMap và các dịch vụ của mình phát triển.

Tiềm năng của FoodMap được giới kinh doanh và những nhà đầu tư khởi nghiệp nhìn nhận một cách rất rõ ràng. Cuối tháng 9/2019, FoodMap được tổ chức Ricebowl (Malaysia) bầu chọn là start-up tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ (Agri-tech). Năm 2020, sàn thương mại điện tử nông sản này nhận được 500.000 USD đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners (Singapore). Tuấn Đạt tiết lộ, cuối năm 2021, dự kiến FoodMap tiếp tục vòng gọi vốn giai đoạn preA để đầu tư phát triển công nghệ, phát triển kinh doanh.

“Từ vài nghìn lượt truy cập mỗi ngày vào thời điểm tháng 6/2020, đến nay, website FoodMap có thể đón tới 100.000 lượt truy cập/ ngày. Hiện FoodMap là đối tác của cả 3 sàn thương mại điện tử phổ biến hàng đầu Việt Nam hiện nay là Tiki, Lazada và Shopee. Cơ hội phát triển của sàn là rất lớn.” Tuấn Đạt cho biết. Hiện, sàn thương mại điện tử nông sản này hợp tác với hơn 800 nông dân và nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm từ hơn 50 tỉnh thành cho hơn 15.000 người dùng cuối và nhà bán lẻ.

Càng phát triển “nóng”, FoodMap càng phải đối mặt với nhiều bài toán công nghệ. Trước hết, theo Tuấn Đạt chia sẻ đó là vấn đề đảm bảo sự ổn định hệ thống khi có nhiều người cùng truy cập một lúc và vấn đề bảo mật thông tin. Đó cũng là lý do FoodMap sử dụng một phần vốn đầu tư để phát triển công nghệ.

Tuy nhiên, tham vọng của Tuấn Đạt và đội ngũ FoodMap không dừng lại ở một kênh thương mại điện tử kết nối nhà sản xuất nông sản với người tiêu dùng. “Chúng tôi mong muốn trở thành mô hình tiên phong, đầu tư vào nông sản Việt ngay từ khâu sản xuất, đảm bảo chất lượng với quy trình số khép kín, hỗ trợ người nông dân đến khâu xây dựng thương hiệu nông sản Việt trở thành những “brand name” uy tín trên thị trường thế giới và phân phối đến tay người tiêu dùng trong, ngoài nước.” Đạt cho biết.

Mơ ước đưa con cá, củ khoai “cưỡi” máy bay sang trời Tây của CTO 8X cùng đội ngũ khởi nghiệp FoodMap đã thành hiện thực khi quả vải và mận là hai trong số những nông sản đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu thành công từ sàn thương mại điện tử này trong năm 2021.

Ánh Dương – CafeBiz

Exit mobile version