Đã nhiều lần đến với Đà Lạt nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận về thành phố mộng mơ theo cách đặc biệt nhất cùng sinh viên Đại học FPT qua chương trình “7 ngày trải nghiệm cuộc sống” do phòng Phát triển cá nhân tổ chức.
Đà Lạt vẫn thế, vẫn luôn lạnh như lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây vào năm 8 tuổi, lạnh đến nỗi cả đoàn khi đến nơi phải lật đật lôi thêm áo khoác ra mặc thêm. Chúng tôi đến nhà thờ Con Gà lúc gần 5h sáng. Ánh đèn nhà thờ vào buổi sớm khiến cái lạnh ở đây gần gũi và dễ chịu hơn hẳn. Mọi người được bố trí ở cùng một tầng trong nhà thờ với nhiều phòng sát nhau, khiến chúng tôi cảm thấy như một đại gia đình vậy. Sau khi ổn định mọi thứ trong khu ký túc xá của nhà thờ, chúng tôi bắt đầu những công việc đã lên kế hoạch từ trước. Tiết mục “cây nhà trồng được” mà chúng tôi mang tặng các em nhỏ.
Ngày đầu tiên, mọi người chia ra mua sắm đồ đạc tại siêu thi để chuẩn bị quà giáng sinh muộn cho các em nhỏ ở đây. Những gói bánh kẹo, hộp sữa đủ màu sắc đầy hấp dẫn khiến chúng tôi mê mệt. Buổi chiều, cả bọn xúm xít lại để gói quà cho các em. Chỉ một vài cây bánh, vài cái bút cùng một quyển vở nho nhỏ nhưng đủ khiến mọi người cảm nhận được tình yêu thương đang bao trùm không gian này. Tối hôm sau, chương trình phát quà diễn ra đúng như kế hoạch. Mọi người làm quen, chơi đùa với các em học sinh cấp tiểu học, trao tận tay các em những món quà bé xinh ấy, rồi lại cùng nhau nhảy một bài chỉ được tập đúng ba lần nhưng đáng yêu hết mức. Giáng sinh của chúng tôi giờ mới thật sự khép lại.
Chở phân đến vườn rau là trải nghiệm khó quên của chúng tôi.
Ngày hôm sau, đoàn chúng tôi bắt đầu tham gia làm việc thử ở nông trại. Sáng sớm, cả đám đi bộ quãng đường hơn 5km đến chỗ làm. Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng công việc ở nông trại chắc sẽ là tưới cây, gieo trồng hoặc nhổ cỏ mà thôi. Nhưng trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra, vừa đến nơi mọi người đã ngửi thấy một mùi hương “tuy lạ mà quen”. Thì ra chúng tôi sẽ phải kéo phân để bón cho cây trồng. Nhìn các chú làm thử có vẻ nhẹ nhàng, nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy. Chúng tôi gặp nhiều vấn đề từ việc di chuyển đến cách kéo sao cho phân không bị rơi ra ngoài. Cả bọn con trai hơn hai mươi đứa kéo hì hục ba tiếng mà mới được hơn một nửa. Tôi tự nghĩ nếu chỉ có hai, ba người cùng làm thì đến bao giờ mới xong đây. Làm đến chiều, cả bọn ngồi thở dốc vì mệt. Ngẫm lại tôi mới thấy mỗi cây cải, mỗi quả cà chúng tôi được ăn mỗi ngày thật sự đáng quý đến chừng nào.
Chúng tôi thấy quý trọng sức lao động của người nông dân hơn qua công việc đồng áng.
Sau ngày hôm ấy, tôi tự dặn mình sau này không được lãng phí thức ăn nữa, dù là món thịt hay rau, cũng phải biết trân trọng vì người khác đã tốn biết bao công sức mới có thể tạo ra được. Chiều về, mọi người nhất trí gọi taxi vì không còn sức đi bộ nữa. Vừa đến nhà thờ, cả bọn vội tắm rồi leo ngay lên giường để ngủ vì mệt. Tuy làm việc khá nặng nhưng riêng tôi lại thấy rất xứng đáng, vì bản thân đã được trải nghiệm một bài học xưa nay được cha mẹ dạy nhưng chẳng nhớ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Ngày tiếp theo cũng là làm việc, nhưng bọn tôi chia nhau ra tại ba nhà hàng lớn để thử sức trong vai trò một nhân viên phục vụ. Nghĩ rằng sẽ không phải làm việc nặng nhọc như ngày hôm trước nhưng chúng tôi tiếp tục nhầm. Những bữa tiệc mà tôi từng tham gia từ trước đến nay không ngờ lại có những khâu chuẩn bị khó khăn đến thế. Từng đôi đũa phải được lau kỹ càng rồi bỏ vào túi giấy, từng cái chén cái ly phải sắp xếp theo một thứ tự nhất định. Chúng tôi bưng những nồi lẩu, những thố cơm trên tay mỏi nhừ nhưng vẫn cố hết sức vì những nhân viên ở đây có những người còn nhỏ hơn, thấp hơn tôi, nhưng họ vẫn làm được, và làm mỗi ngày, thì tại sao tôi lại không thể?
Chiến lợi phẩm của chúng tôi ngày hôm đó là một bữa ăn do chính đầu bếp nấu và 500 nghìn đồng cho cả bọn.
Mười tám tuổi, biết bao lần đi ăn ở hàng quán nhưng giờ tôi mới biết cảm giác của một người phục vụ, phải chạy tới chạy lui tìm cái muỗng, cái muôi, chiều ý từng vị khách một, luôn phải mỉm cười dù có mệt mỏi thế nào. Người tôi thấy phục nhất ở đây có lẽ là anh quản lý, một mình anh quán xuyến hết mọi thứ, điều hành công việc một cách suôn sẻ và hơn hết là luôn tràn đầy năng lượng, mang đến cảm hứng làm việc cho mọi người. Quan sát anh khiến tôi cảm thấy yêu ngành học Quản trị kinh doanh của mình hơn rất nhiều.
Chiến lợi phẩm của chúng tôi ngày hôm đó là một bữa ăn do chính đầu bếp nấu và 500 nghìn đồng cho cả bọn. Vui lắm vì đây là cảm giác được trả lương đầu tiên của tôi, dù không bao nhiêu nhưng đủ khiến cho tôi cảm nhận được đồng tiền khó kiếm và đáng quý thế nào.
Vượt qua hơn 22km để đi đến một trang trại nằm sâu trong núi. Cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng trong chuyến đi chăm sóc rau và nhổ cỏ. Đấy cũng là một trải nghiệm tuyệt vời đối với tôi.
Ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng đi làm, chúng tôi được xe chở đến Ma rừng Lữ quán để vào trang trại. Công việc hôm nay có vẻ đơn giản hơn hai ngày đầu: nhổ cỏ. Rất may vì Đà Lạt khá mát mẻ nên dù phải làm việc dưới cái nắng nhưng chúng tôi vẫn thấy khá ổn, mọi người cùng làm cùng trò chuyện cùng nhau, cứ thế từng luống cỏ dần biến mất, thế chỗ cho những cây cải được lớn lên. Cứ thế, đến 2h chiều thì xong việc. Đứng dậy mỏi cả chân và lưng vì ngồi xổm nhưng mọi người cũng thấy thoải mái vì hoàn thành công việc sớm hơn dự định. Mọi người lên xe về lại nhà thờ nghỉ ngơi.
Xong việc, bọn tôi cùng nhau ra chợ đêm Đà Lạt để tìm mua quần áo, quà lưu niệm và cùng ăn thịt nướng. Gần bờ hồ Xuân Hương, một band nhạc acoustic với guitar, trống và một giọng hát mộc mạc. Tất cả khiến cho Đà Lạt như thu bé lại, chúng tôi ngồi đó thưởng thức và cùng ca hát, trong tay mỗi người một ly trà xí muội nóng. Cứ thế Đà Lạt in dấu trong tôi, một Đà Lạt rất khác.
Sau bao ngày “lao động vất vả” thì chúng tôi được tự do một ngày để thám hiểm Đà Lạt.
Gia Huy – Bảo Giang