Trường Đại học FPT

Cựu sinh viên ĐH FPT bỏ việc lương nghìn USD mở Startup chinh phục thị trường Nhật

Tiến Hưng hiện là CEO công ty phần mềm GVN Technology. Với nguồn vốn đầu tư từ IT Sherpa Nhật Bản, GVN cung cấp dịch vụ xây dựng sản phẩm về mobile và website, dự án công nghệ ở nhiều lĩnh vực OTT, livestream, thương mại, y tế, bất động sản… cho các công ty Nhật Bản, Việt Nam.

Sau 5 năm vận hành, GVN đạt thành công bước đầu với những dự án giá trị lớn, quy mô văn phòng và nhân sự mở rộng nhiều so với lúc mới thành lập. Tuy vậy, chàng cựu sinh viên Đại học FPT cũng trải qua muôn vàn khó khăn trước khi biết đến “quả ngọt”.

 

 

 

 

 

 

Là một kỹ sư phần mềm nhưng Tiến Hưng lại đam mê kinh doanh. “Máu” khởi nghiệp sục sôi từ khi còn là sinh viên, anh chẳng thể ngờ những ý tưởng bản thân tâm đắc nhất lại khiến anh lao đao vì trắng tay, nợ chồng nợ, suy sụp đến mấy năm liền.

Năm 2013, chàng trai 8X mở một quán bar trên phố Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội) nhằm phục vụ khách nước ngoài. Không chỉ là nguồn thu nhập tay trái, quán giúp anh thêm niềm vui khi có cơ hội tìm hiểu văn hóa, kết bạn với nhiều bạn bè quốc tế.

Âm thầm lên kế hoạch, Hưng lặn lội đến ba ngân hàng để vay tín chấp, cầm 200 triệu đồng mở quán bar. Ngày đi làm, tối về tự điều hành để tiết kiệm chi phí. Trong năm đầu tiên, nhờ vị trí thuận lợi lại có ưu thế về thức uống, quán có lượng khách ổn định, doanh số tốt.

Nhưng món nợ ngân hàng chưa kịp tất toán, loạt biến cố ập đến. Năm 2014, thị trường quán bar phát triển sôi động. Từ vị trí độc tôn, trong thời gian ngắn, cửa hàng của Hưng lọt thỏm giữa một con phố lấp lánh bảng hiệu, thậm chí có phần lép vế với những quán quy mô lớn. Nguồn thức uống cũng không còn độc quyền, lượng khách quen hạn chế lui tới, việc duy trì gần như bất khả thi.

Thêm sự cố mâu thuẫn cùng quản lý, việc kinh doanh vốn là niềm tự hào của Hưng suốt một năm qua bỗng chốc sụp đổ. Non nớt trong ứng biến xử lý khủng hoảng, ngành trái chuyên môn, Hưng không tìm ra kịch bản để xoay chuyển tình thế, chấp nhận thất bại trong đắng cay, gánh thêm món nợ 200 triệu đồng.

Suy sụp, chán nản, thất vọng, nhưng anh vẫn phải đứng lên, quay về môi trường công sở để kiếm tiền trả nợ. Suốt hai năm trời, Hưng không có lấy một phút nghỉ ngơi. Bất kể việc gì trong tầm tay, anh đều nhận. Giờ hành chính đến công ty, cuối tuần “cày” thêm các dự án nhỏ lẻ. Trong từ điển không hề có khái niệm ăn chơi, mua sắm. Thậm chí có nhiều tháng liền, mỗi ngày anh chỉ có 2-3 tiếng để ngủ. Với Hưng, đây là thời kỳ đen tối nhất trong tuổi trẻ. Đến hết năm 2015 anh đã trả xong khoản nợ cuối cùng, sự chán nản và suy sụp kéo dài suốt hai năm qua cũng không còn là nỗi ám ảnh của chàng kỹ sư 8X.

Nhiều người gọi Hưng là kẻ gan lì, bởi gặp thất bại nhiều lần mà anh vẫn chẳng ngại, kiên trì với niềm đam mê khởi nghiệp. Trước sự cố phá sản, không ít ý tưởng kinh doanh của anh thất bại, bị thị trường từ chối, không tìm được khách hàng.

Như năm 2010, Hưng cùng nhóm đồ án phát triển sản phẩm sổ liên lạc điện tử và đi khắp các trường học chào hàng. Xuất phát từ thực tế, anh thấy sự giao tiếp giữa nhà trường và phụ huynh còn hạn chế. Phương thức liên lạc phổ biến là sổ liên lạc, sổ đầu bài, không đáp ứng nhu cầu thông báo lập tức khi xảy ra sự cố. Vì vậy, khi mang đầy nhiệt huyết đi giới thiệu, anh không ngờ mình toàn gặp những cái lắc đầu.

Khách hàng duy nhất mà anh bán được là một trường mẫu giáo gần nhà nhưng cũng phải sau bốn lần giới thiệu.

“Lúc đầu cô hiệu trưởng bảo không thích lắm, tôi thấy kỹ năng bán hàng của mình quá kém. Đến lần thứ tư, tôi thực hiện mô phỏng một ngày học của các bé, quá trình giao tiếp giữa phụ huynh nhà trường, rồi cô mới hiểu và đồng ý mua. Hoặc cô thấy tội quá nên gật đầu động viên”, anh cười kể lại.

Vài triệu đồng là khoản thu duy nhất mà dự án có được. Sổ liên lạc điện tử có vòng đời đầy ngắn ngủi, nhanh chóng thất bại vì không có khách hàng. Đến nay, anh không thể nhớ nổi có bao nhiêu dự án của mình phải “đắp chiếu”, cũng chẳng đếm được bao lần buồn chán đến mức muốn bỏ cuộc, vì cánh cửa thành công gõ hoài mà không mở.

Nhưng bằng nghị lực và niềm đam mê, Hưng luôn tìm cách vượt qua tâm lý chán nản để thất bại ở đâu lại tự mình đứng lên tại đó. Cứ mỗi lần dự án không thành, Hưng đều lùi lại phía sau để tự mình đánh giá, vì sao ý tưởng đi vào ngõ cụt, sai lầm phát sinh ở đâu, nếu lặp lại một lần thì nên cải thiện thế nào…

“Kinh nghiệm lớn nhất mà tôi rút ra là khi khởi nghiệp là luôn phải chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu nhất, quản lý được rủi ro và lên kế hoạch chi tiết”, anh nói.

Năm 2015, khi trả hết món nợ vì phá sản, Tiến Hưng là một kỹ sư phần mềm kiểu mẫu tại một doanh nghiệp nước ngoài. Sáng có mặt ở văn phòng, chiều về nhà. Nhờ chuyên môn cao, kỹ năng tốt, anh được đề bạt lên những vị trí quan trọng, nhận mức lương cao hàng đầu công ty, quản lý nhóm dự án hơn 10 thành viên.

Thế nhưng một nhịp sống quá bình lặng không phải là điều mà chàng kỹ sư hướng tới. Ngay lúc này, anh nhìn ra cơ hội “có một không hai” trong thị trường công nghệ. Thời điểm 6 năm về trước, một số doanh nghiệp nước ngoài rất cần làm phần mềm, website phục vụ kinh doanh tuy vậy họ gặp rào cản vì chi phí nhân sự nước ngoài rất cao. Anh nảy ra ý tưởng về một mô hình cung cấp sản phẩm trên nền tảng online với lợi thế cạnh tranh là nhân sự Việt Nam chuyên môn cao, chi phí hợp lý.

Một bản kế hoạch đầy những tính toán tỉ mỉ được vạch ra, Hưng cùng người bạn đồng sáng lập công ty đầy niềm tin về tiềm năng rộng mở. Để tập trung phát triển “đứa con tinh thần”, Hưng quyết định nghỉ việc.

Nhiều người lên tiếng ngăn cản, nói rằng “nhiều rủi ro lắm”, “toang đấy”, “thu nhập đang ổn, đem đầu tư sẽ nhàn hơn bao nhiêu”, anh đều đáp lại rằng mình sẽ làm và sẽ thành công.

Tháng 6/2016, GVN chính thức thành lập. Những ngày đầu vất vả, cả công ty vỏn vẹn năm thành viên, chụm đầu vào cùng nhau viết phần mềm, làm từ sáng đến tận khuya hôm sau, văn phòng cũng là nơi ăn, ngủ. Khai thác các mối quan hệ xung quanh để tìm kiếm khách hàng, khi đối tác Nhật Bản chính thức gật đầu ký kết hợp đồng, mọi thành viên như vỡ òa trong hạnh phúc. Dự án đầu tiên mất đến 2,5 năm mới hoàn thành, cũng chính là sản phẩm lõi của GVN đến ngày hôm nay.

Ứng dụng OTT đó cũng là bàn đạp để GVN tiến vào thị trường Nhật, chinh phục một trong những thị trường khắt khe mà cũng rộng mở nhất trong ngành công nghệ.

Với bản lĩnh và kiến thức tích lũy của người đứng đầu, GVN mở rộng từ một công ty 5 người trong văn phòng vài chục m2, lên 15 người rồi 50 người trong công ty vài trăm m2. Dự án nhận về cũng tăng dần đều, cứ một dự án hoàn thành là đủ cho chi phí vận hành công ty đến 1-2 năm.

Thành công của Hưng còn là việc giữ lửa cho mọi người, duy trì tinh thần làm việc hăng say, không biết mệt mỏi, chăm chút để có sản phẩm chất lượng nhất. “Trong kinh doanh thì khó khăn nhất là tìm kiếm và giữ khách hàng. Để tìm kiếm thì phải mở rộng thêm mối quan hệ. Còn giữ khách hàng thì phải đảm bảo đội ngũ nhân sự chất lượng, tâm huyết với sản phẩm mình”, Hưng chia sẻ.

Đến hôm nay, ngoài những ứng dụng xuất khẩu thành công sang Nhật, GVN bắt đầu triển khai sản phẩm cho các đơn vị trong nước. Điều mà nam CEO tự hào nhất không phải thành tích đã đạt được mà là: công ty luôn trả lương đúng hạn, đúng ngày; không giảm lương của nhân viên dù gặp khó khăn trong Covid-19.

Trong kinh nghiệm của chàng trai sinh năm 1988, lập một công ty không khó. Thử thách lớn nhất mà mỗi người phải đối diện là bước qua thất bại để làm lại từ đầu. Nhưng mọi bài toán đều có lời giải. Từ kinh nghiệm của một người vô số lần “ngã đau”, Hưng nói hành trang quan trọng nhất mà chúng ta cần chuẩn bị là xác định rõ đam mê, lập kế hoạch cho mọi tình huống. Bởi biến cố có thể đến bất cứ lúc nào, nếu ở thế bị động, bạn sẽ bị bủa vây bởi những khó khăn đến không thể thoát ra. Cùng với đó, hãy cứ chai lỳ, quyết tâm đeo đuổi đến cùng và không bao giờ cho phép bản thân từ bỏ. Và cứ cần cù tích lũy kiến thức mỗi ngày, sẽ đến lúc bạn thốt lên thật may mắn vì mình đã từng học những điều ấy.

Bàn về những yếu tố tạo nên thành công ngày hôm nay, Hưng nhắc đến mùa hè năm 2007. Khi chọn cánh cửa tương lai, anh có quyết định táo bạo, nộp hồ sơ vào một ngôi trường mới thành lập là Đại học FPT, thay vì theo nghề y như bố mẹ.

Lý do khá đơn giản, anh yêu thích công nghệ thông tin và Đại học FPT lúc này mang đến cơ hội thực hành trên máy tính, học chuyên sâu về Software Engineering (kỹ thuật phần mềm). Niềm yêu thích ban đầu tạo nên ngã rẽ quan trọng cho cuộc đời. Giảng đường đại học không chỉ giúp anh có thêm kiến thức mà còn làm giàu kỹ năng, tố chất và cả bài học kinh doanh thành công.

Tiến Hưng là một trong những sinh viên đầu tiên của khóa 1 ngành Software Engineering. Anh cũng là thế hệ được thừa hưởng những phương pháp giáo dục mới mẻ ở thời điểm 14 năm về trước. Theo chia sẻ của Hưng, trong ngôi trường của anh, sinh viên được sáng tạo nhiều hơn, môi trường khuyến khích tự lập, không có giới hạn và ràng buộc, không khí giảng đường sôi nổi, kiến thức truyền tải hấp dẫn, thiết thực.

Nhưng điểm khiến Hưng ấn tượng sâu sắc nhất chính là việc được đi làm thực tế tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ ba. Không chỉ là một kỳ thực tập, Tiến Hưng được học hỏi những kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ lập trình, trực tiếp làm việc với khách hàng. Những hạng mục công việc mà Hưng đảm nhận, khi hoàn thành quy đổi thành điểm thực tế tại trường như một cách ghi nhận xứng đáng.

Kỳ thực tập này có một sự kiện khiến anh hoàn toàn thay đổi góc nhìn lẫn tư duy quản trị. Trong buổi tiệc với khách hàng, Hưng quan sát thấy cấp trên của mình có cách trò chuyện, dẫn dắt không khí rất thú vị, không hề xa cách hay khoa trương mà lại thân tình như những người bạn. Anh ấn tượng đến nỗi áp dụng cho bản thân từ ngày ấy đến bây giờ, với mọi đối tác luôn xử sự chân thành, tạo sự tin tưởng giữa đôi bên và tiến tới hợp tác dài lâu.

Nhờ vậy, anh và đối tác không chỉ giữ liên lạc bằng bản hợp đồng mà còn cùng làm bạn ở cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, người cùng anh hợp tác mở GVN Technology cũng chính là một khách hàng thân thiết từ trước đó.

Mô hình On-the-Job Training tại doanh nghiệp được Đại học FPT duy trì đến nay, tạo cơ hội giúp sinh viên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tế. Đây cũng là lợi thế của sinh viên trường khi có đồng thời kiến thức lẫn khả năng thực hành.

Không chỉ vậy, kiến thức có thể trau dồi qua sách vở, còn muốn có kỹ năng buộc mỗi người phải lăn xả, hòa mình vào các hoạt động. Sinh viên Đại học FPT không thể ngồi yên vì có hàng chục câu lạc bộ hấp dẫn. Chính vì vậy khép lại gần bốn năm học tập cũng chính là lúc Đỗ Tiến Hưng có trau dồi rất nhiều kỹ năng mềm hữu ích. Hưng kể, vừa nhập học chẳng ai biết ai, thế mà qua một kỳ quân sự cùng nhau sinh hoạt, học tập, rèn luyện với đủ mọi vui buồn, cả lớp trở nên vô cùng thân thiết. Các hoạt động ngoại khóa, các chương trình văn nghệ, thể thao… được tổ chức liên tục, tạo cảm hứng trong học tập và giúp sinh viên thêm năng động.

“Chú trọng tinh thần nhân viên, thường xuyên tổ chức hoạt động thể thao, văn nghệ, chăm chút cho từng cá nhân là văn hóa tôi học hỏi từ những ngày còn là sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, nay đưa trở thành văn hóa của chính GVN”, Hưng chia sẻ.

Cũng nhờ quá trình thực tập từ năm 3, kỹ năng mềm của Hưng càng thêm hoàn thiện. Anh ra trường với tấm bằng cử nhân, cùng khả năng thuyết trình, giao tiếp, lãnh đạo, kinh nghiệm xử lý tình huống thực tế… Kiến thức song hành kỹ năng trở thành tài sản quý giá nhất với Hưng trong những ngày tháng tự mình vận hành doanh nghiệp.

Tiếp xúc nhiều với khách hàng, hiểu họ muốn gì, cần gì chính là bí quyết sống còn của một công ty. Cùng với kỹ năng mềm, quá trình giao tiếp đối tác và công việc thuận lợi, dễ thăng tiến hơn.

Gửi gắm đến những bạn trẻ với đam mê kinh doanh, Đỗ Tiến Hưng nói: “Trước khi khởi nghiệp mọi người nên đi làm thuê, dù là làm ở công ty lớn hay nhỏ, bạn cũng sẽ học hỏi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích”.

“Hãy tích lũy thật nhiều hành trang cho kế hoạch tương lai. Các bạn trẻ có quyền hoài bão, có quyền ước mơ nhưng đừng viển vông. Khi đã bắt tay vào khởi nghiệp, đó sẽ là một cuộc chiến thực sự chứ không hề được trải hoa hồng. Nếu thực sự có quyết tâm và đam mê thì khi gặp khó khăn thất bại, phải bắt đầu lại dù là ở thời điểm nào cũng không bao giờ là muộn màng”, anh chia sẻ.

Theo VnExpress

Exit mobile version