Với mục tiêu giúp phụ huynh có thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh của trường Đại học FPT vào tháng 5 vừa qua có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn về mọi mặt của Trường, xu hướng việc làm trong tương lai để có đủ thông tin quyết định trước khi nhập học chính thức, Trường Đại học FPT Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo: “Hiểu đúng – Quyết định đúng”.
Tham dự hội thảo có TS Trần Ngọc Tuấn – Phó hiệu trưởng trường Đại học FPT. Ông Huỳnh Tấn Châu, Giám đốc văn phòng Đại học FPT Đà Nẵng, ông Hoàng Văn Cương – Giám đốc trung tâm trao đổi sinh viên quốc tế FPT, bà Văn Đoàn Duy Thanh – chuyên viên cấp cao chương trình 10,000 kỹ sư cầu nối, bà Trương Thị Thanh Hương – Giám đốc khách sạn Mường Thanh – Đà Nẵng…
Cơ hội để các thí sinh có cái nhìn đúng đắn hơn về ngành nghề mà mình lựa chọn cũng như xác định con đường học vấn phù hợp với nhu cầu trong xã hội.
Tại hội thảo, phụ huynh và thí sinh có cơ hội tìm hiểu về những hoạt động đào tạo, hoạt động phát triển cá nhân, phong trào sinh viên, các dịch vụ mà nhà trường đang cung cấp để phục vụ cho phụ huynh và sinh viên của Trường. Khách mời cũng sẽ được cung cấp những thông tin quan trọng về các vấn đề, những khó khăn và thuận lợi có thể gặp phải trong quá trình học tập, cơ hội tham gia chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài, cơ hội làm việc ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp.
Chia sẻ về sự khác biệt của Đại học FPT cũng như giá trị cốt lõi mà nhà trường đang hướng đến, TS Trần Ngọc Tuấn – Hiệu phó Đại học FPT nói, trong bối cảnh có quá nhiều trường đại học hiện nay ở Việt Nam, thì một môi trường tốt sẽ đào tạo được các hạt giống tốt. Vì vậy, “Các bậc phụ huynh, học sinh cần phải có những hiểu đúng, để có những quyết định đúng cho tương lai của con em mình” – ông nhấn mạnh.
Màn trình diễn võ thuật của CLB Vovinam của trường FPT. Việc đưa môn võ Vovinam vào chương trình đào tạo nhằm nâng cao sức khỏe và khả năng tự vệ cho sinh viên FPT, cũng như nâng cao nhận thức truyền thống dân tộc.
Với định hướng toàn cầu hóa, tại Đại học FPT, cứ 5 sinh viên thì có 1 sinh viên được tạo điều kiện ra nước ngoài học tập, và có 19% cựu sinh viên đang làm việc tại nước ngoài. Chia sẻ về các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế tại Đại học FPT và thiết lập một môi trường quốc tế ngay tại sân nhà, ông Hoàng Văn Cương – Giám đốc Trung tâm Trao đổi sinh viên quốc tế – FISEC) chia sẻ, để có được môi trường quốc tế, thì các trường đại học phải có những hành động thiết thực.
Mục đích của buổi hội thảo nhằm giúp phụ huynh và học sinh hiểu hơn về môi trường giáo dục FPT, thành quả và định hướng của nhà trường trong tương lai.
Cụ thể cho những hành động đó, Đại học FPT là đơn vị tiên phong trong chương trình P2A (passage to Asian), nhằm thiết lập mối quan hệ trao đổi bền vững trong khối Asian. Bên cạnh đó, Đại học FPT còn có 4 chương trình, từ ngắn hạn đến dài hạn để sinh viên có những trải nghiệm thực tế về môi trường quốc tế để nâng cao hiểu biết và trui rèn bản thân. Ông Cương nhấn mạnh “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là những mong muốn mà Đại học FPT hướng tới cho sinh viên. Các bạn sinh viên phải va vấp với môi trường mới (ở Việt Nam và cả thế giới) thì mới hiểu biết sâu sắc và phát triển bản thân được.
Nhiều phụ huynh bày tỏ tin tưởng vào môi trường giáo dục, phương pháp đào tạo, định hướng giúp sinh viên ra trường có việc làm của ĐH FPT.
Từng có cơ hội và thực tập tại Nhật Bản, Nguyễn Văn Tâm – cựu sinh viên Đại học FPT trải lòng, “ngay từ lúc bước chân vào đại học, em không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ học và thực tập tại nước ngoài, nhưng sau khi vào FPT, lắng nghe các chia sẻ của các anh chị đi trước, em đã bắt đầu có những suy nghĩ tại sao mình không đi nước ngoài để học tập và phát triển bản thân? Và Đại học FPT đã tạo cho em cơ hội đó. Em đã học tập tại Nhật Bản 1 năm, và bây giờ về làm tại phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Và mong muốn của em là tạo điều kiện cho các bạn sinh viên FPT có cơ hội như em, có cơ hội học tập, trao đổi văn hóa với một môi trường mới để trui rèn kỹ năng và phát triển bản thân”.
TS Trần Ngọc Tuấn đang giải đáp những thắc mắc của phụ huynh.
Những thắc mắc của quý phụ huynh và thí sinh về chương trình học, cơ hội việc làm, môi trường đào tạo… lần lượt được ban tư vấn giải thích thấu đáo.
Là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam do doanh nghiệp thành lập, Đại học FPT luôn xác định cho mình mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục và nhu cầu nhân lực thực tế của xã hội. Sinh viên tốt nghiệp Đại học FPT sẽ có việc làm tốt, thu nhập cao và có khả năng làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Được biết, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của Đại học FPT là 98% với mức lương khởi điểm trung bình 8,3 triệu đồng. Riêng năm 2017, tỷ lệ việc làm đạt tuyệt đối 100%.
Bên cạnh việc học tập trên giảng đường, trường cũng chú trọng phát triển cá nhân toàn diện cho sinh viên thông qua các chương trình trải nghiệm như 48h chuyển động, hành trình 7 ngày trải nghiệm, field trip,… nhằm tạo cơ hội cho sinh viên có thể trải nghiệm và phát triển hết khả năng của bản thân như khả năng thích nghi, khả năng tự lập, và khả năng sáng tạo điều mà sẽ giúp đỡ sinh viên rất nhiều cho sự phát triển bản thân cũng như tương lai sau này.
Năm 2017, ĐH FPT cơ sở Đà Nẵng tuyển sinh và đào tạo 4 ngành gồm: Kỹ thuật phần mềm, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Nhật tại 137 Nguyễn Thị Thập, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Thí sinh có nguyện vọng theo học cần đáp ứng hai tiêu chí: Đủ tiêu chuẩn học đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT và trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh của ĐH FPT vào ngày 14/5. Thí sinh đạt 21 điểm tổng ba môn tương ứng ngành đăng ký học tại ĐH FPT theo học bạ THPT hoặc kết quả thi THPT được miễn thi.
ĐH FPT cũng giảm 30% học phí cho sinh viên nhập học tại Đà Nẵng. Nhà trường còn cấp 30 suất học bổng Nguyễn Văn Đạo, mỗi suất trị giá 170 triệu đồng đến 220 triệu đồng cho thí sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi THPT quốc gia hoặc kỳ thi xét cấp học bổng và ĐH FPT.
Trần Long