Với quan điểm này, TS Lê Trường Tùng cho rằng, điều cốt lõi của một trường đại học không phải chỉ là cung cấp kiến thức mà phải dạy được cho sinh viên ý thức tự học, tự trau dồi và phát triển bản thân.
Từ đó, nhà trường giúp tạo được cho người học một môi trường cởi mở, hỗ trợ tốt nhất để họ theo đuổi đam mê, kiến thức. Đây cũng chính là cách giúp người học tìm được hướng đi, làm chủ tri thức, dẫn đến làm chủ cuộc sống của mình.
TS Lê Trường Tùng cho biết, tại đại học FPT, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường đạt trên 90% cùng mức lương khởi điểm trung bình hơn 8 triệu đồng/tháng. Sinh viên đại học FPT được các nhà tuyển dụng đánh giá cao về khả năng học hỏi tri thức mới, năng lực ngoại ngữ cũng như kỹ năng hoà nhập tổ chức.
“Đây cũng là nét khác biệt đáng kể của những sinh viên được đào tạo với định hướng “kỹ năng tự học”, sau khi ra trường đã được thị trường lao động tiếp nhận ngay nhờ tương thích với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp”, TS Lê Trường Tùng chia sẻ.
Một sinh viên không biết tự học sẽ không có khả năng thích ứng với môi trường mà tri thức thay đổi từng ngày. Một sinh viên không khao khát việc học, không biết cách tự học sẽ mãi chật vật với những hồ sơ xin việc không được phản hồi.
Thất nghiệp, bị đào thải sẽ là một thực tế buồn chờ đợi họ, khoan nói đến việc cạnh tranh với thế giới hay bước ra nước ngoài để làm việc và xây dựng sự nghiệp.
“Đào tạo đại học không phải là truyền tải tri thức để phục vụ xã hội ngay ở thời điểm hiện tại, bởi 4-5 năm nữa các sinh viên mới ra trường. Chưa kể tới trong bối cảnh thực tế là thế giới đang biến đổi nhanh, cùng với tri thức mới và nhiều biến đổi không ngừng như hiện nay. Dạy được cho người học biết cách tự học coi như nhà trường đã hoàn thành được sứ mệnh của mình”, TS Lê Trường Tùng phát biểu.
TS Lê Trường Tùng chia sẻ để thực sự hoàn thành được sứ mệnh giúp sinh viên có khả năng tự học, ham học hỏi, Trường ĐH FPT đã được quản lý như một tổ chức dịch vụ.
Trong đó, nhà trường đề cao việc ứng dụng công nghệ trong vận hành: “Công nghệ để làm việc đang làm tốt hơn, để tăng năng suất công việc và tạo ra ‘cái mới’. Công nghệ, với ĐH FPT bao hàm nhiều yếu tố như: Công nghệ giáo dục, Công nghệ thông tin, Công nghệ quản lý.”
Bên cạnh quan điểm rõ ràng về đào tạo, về ứng dụng công nghệ trong vận hành tổ chức, người đứng đầu hệ thống Giáo dục FPT cũng tin rằng, tạo ra những điểm khác biệt, tạo ra một bản sắc riêng chính là bí quyết để nhà trường khẳng định được niềm tin với xã hội.
Lấy ví dụ về quan điểm của cựu Thủ tướng Thái Lan, nhà lãnh đạo Thaksin Shinawatra coi “quản lý nhà nước như một công ty”, TS Lê Trường Tùng tin rằng: “Việc vận hành và quản lý giáo dục như một tổ chức dịch vụ là hướng đúng đắn, giúp thực hiện sứ mệnh của nhà trường, đào tạo hiệu quả”.
Từ đó, nhà trường hướng đến những bước tiến mạnh mẽ trong tương lai như: Mở rộng các phân hiệu ĐH FPT trên khắp cả nước, mở rộng hợp tác với các trường trên thế giới…