FPTU AI & Robotics Challenge 2025: Chặng đường từ cuộc đua công nghệ đến hành trang “prompt” tương lai của các học sinh THPT

Sau hơn 4 tháng diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, cuộc thi FPTU AI & Robotics Challenge 2025 (FARC 2025) đã đi đến chặng cuối với vòng Chung kết toàn quốc, diễn ra ngày 2-3/8 tại Trường Đại học FPT, Hà Nội với 50 đội thi đến từ các trường THPT trên toàn quốc. 

Phát động từ ngày 27/3, FARC 2025 do Trường Đại học FPT tổ chức nhanh chóng trở thành sân chơi học thuật hấp dẫn cho học sinh THPT toàn quốc. Cuộc thi thu hút gần 800 đội đăng ký tham gia đến từ các tỉnh thành trên cả nước, vượt mong đợi của ban tổ chức. 

THA 0386
Các bạn học sinh THPT tại buổi khai mạc cuộc thi FARC hồi tháng 3.

FARC 2025 gồm 2 nội dung chính: thi lập trình trí tuệ nhân tạo (AI) và đấu Robotics, được triển khai bài bản qua nhiều vòng đào tạo và thi đấu thực hành. Trước khi chính thức thi đấu, các đội đã được tham gia khóa đào tạo trực tuyến về AI, trang bị kiến thức nền tảng về công nghệ trí tuệ nhân tạo, kỹ năng thiết kế giải pháp và ứng dụng công nghệ vào các bài toán thực tiễn. 

Vòng thi lập trình AI (31/5 – 1/6) được tổ chức đồng thời tại 5 cơ sở của Trường Đại học FPT trên toàn quốc tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Cần Thơ. Tại đây, học sinh đã được thử sức xây dựng ứng dụng AI trên nền tảng AWS PartyRock. Với chủ đề “AI đồng hành cùng học sinh trong hành động vì khí hậu”, vòng thi đã khơi gợi nhiều ý tưởng đột phá, từ hệ thống cảnh báo thiên tai đến công cụ đánh giá tác động môi trường. Vòng thi không chỉ kiểm tra năng lực lập trình và tư duy công nghệ mà còn đòi hỏi khả năng truyền thông, thuyết trình và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, thực tế.

Sau vòng AI, các đội thi xuất sắc bước tiếp vào giai đoạn đào tạo và thi đấu Robotics. Các đội đã tham gia chuỗi 5 buổi workshop trực tuyến chuyên sâu, học cách phân tích đề bài, sử dụng phần mềm thiết kế, nghiên cứu các mẫu robot thực tế và chuẩn bị chiến thuật cho vòng đấu Robotics. Khóa huấn luyện kỹ thuật này đã giúp học sinh rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, phân tích, phối hợp và tổ chức dự án – mô phỏng cách vận hành của một nhóm phát triển sản phẩm trong môi trường doanh nghiệp.

AI TT 56
Các đội thể hiện kỹ năng thuyết trình, phản biện tại vòng thi lập trình AI.

Vòng thi Robotics cấp khu vực diễn ra từ 21/6 – 6/7 tại 5 điểm thi: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Gia Lai (Quy Nhơn), Cần Thơ với sự tham gia của 184 đội đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Chủ đề thi đấu “Robot nông nghiệp bền vững” mang đến thử thách kết hợp kỹ năng điều khiển robot và khả năng làm việc nhóm. Vòng đấu yêu cầu học sinh phải phối hợp chiến thuật linh hoạt với đội bạn, cùng nhau vận hành nhà kính, thu hoạch nông sản và cân bằng năng lượng nhà máy. Mô hình thi đấu độc đáo này đã xây dựng cho các bạn học sinh kỹ năng giao tiếp, đàm phán và tư duy hợp tác giữa các đội thi.

D1 01458
Học sinh tập hợp thành những liên minh thi đấu tại vòng Robotics.

Học sinh Trấn Long – thành viên đội Sognatori, trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP HCM) – cho biết cuộc thi đã giúp bạn trẻ có thêm hiểu biết về cơ khí, điện tử… “Đặc biệt, chúng em được trải nghiệm làm việc như trong một dự án thực tế, có quy trình rõ ràng, thời hạn hoàn thành cụ thể và phải phối hợp với nhau như một đội ngũ chuyên nghiệp. Nhờ đó, em có cơ hội tiếp cận những lĩnh vực mà trước đây em từng nghĩ mình sẽ không bao giờ chạm tới. Đó là trải nghiệm quý giá, mở ra cho em nhiều hướng đi mới trong tương lai”, cậu chia sẻ.

FARC 2025 không chỉ là cuộc thi học thuật đơn thuần, mà là minh chứng cho phương pháp giáo dục thực tiễn, kết hợp giữa công nghệ, sáng tạo và kỹ năng mềm. Qua từng vòng thi, các bạn học sinh đã được rèn luyện kỹ năng làm việc trong trong một công ty chuyên nghiệp, trải nghiệm quá trình phát triển sản phẩm công nghệ và hiểu rõ hơn về thế giới AI, Robotics – những lĩnh vực sẽ đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế tương lai. 

Trường Đại học FPT, với vai trò đơn vị tổ chức, tiếp tục khẳng định định hướng tiên phong trong việc thúc đẩy giáo dục STEM tại Việt Nam, tạo điều kiện để thế hệ trẻ khám phá tiềm năng, xác định ngành học và lộ trình sự nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông.

Ông Nguyễn Hùng Quân – Trưởng ban tổ chức kiêm Trưởng ban Tuyển sinh Trường Đại học FPT – đánh giá cao tinh thần học hỏi, nỗ lực bền bỉ và khả năng thích ứng của các đội thi. Ông cho biết nhiều học sinh mới tiếp cận với lập trình AI hoặc robot lần đầu nhưng chỉ trong vài tuần, các bạn trẻ đã nắm bắt kỹ thuật, chủ động sáng tạo và làm việc nhóm rất hiệu quả. Ông chia sẻ: “Tôi tin những điều các bạn học được hôm nay sẽ là hành trang quý giá trên con đường sự nghiệp tương lai – không chỉ trong nước mà cả ở những đấu trường quốc tế”. 

Sau hành trình tuyển chọn gắt gao từ hơn 650 đội đến từ gần 500 trường THPT toàn quốc, 50 đội có thành tích xuất sắc nhất sau vòng Robotics chính thức giành vé vào vòng Chung kết toàn quốc, diễn ra ngày 2-3/8 tại Hà Nội. Các đội sẽ cùng tranh tài để giành những giải thưởng cao nhất gồm 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, nhiều giải phụ và các suất học bổng tại Trường Đại học FPT.

Thúy Anh