Vòng đấu Robotics cuộc thi FPTU AI & Robotics Challenge 2025 đã chính thức khép lại sau vòng đấu tại 5 khu vực: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Gia Lai (Quy Nhơn cũ) và Cần Thơ, để lại nhiều dấu ấn về tinh thần công nghệ của học sinh THPT cả nước.
Từ ngày 21/6 – 6/7, vòng đấu Robotics của cuộc thi FPTU AI & Robotics Challenge 2025 (FARC) lần lượt diễn ra tại các cơ sở của Trường Đại học FPT trên toàn quốc, quy tụ 184 đội thi đến từ các trường THPT. Vòng đấu Robotics có chủ đề “Nông nghiệp bền vững”. Mỗi trận đấu kéo dài 2 phút 30 giây với 4 đội tham gia. Các đội được ghép ngẫu nhiên để tạo thành 2 liên minh, mỗi liên minh gồm 2 đội và 2 robot. Trong giai đoạn đầu, mục tiêu của mỗi liên minh là phối hợp vận chuyển đất và hạt giống vào nhà kính để sản xuất và thu hoạch các loại nông sản. Ở giai đoạn tiếp theo, hai liên minh sẽ hợp tác để hình thành một liên minh toàn cầu, với nhiệm vụ cân bằng năng lượng để duy trì hoạt động của nhà máy sản xuất hạt giống, đồng thời đảm bảo nhà kính luôn được tiếp hạt giống cần thiết.
Vòng đấu Robotics cấp khu vực gồm hai giai đoạn: vòng đấu xếp hạng và vòng loại trực tiếp. Sau các lượt thi đấu, 50 đội có thành tích cao nhất tại vòng loại trực tiếp đã giành quyền bước vào vòng Chung kết toàn quốc.
Tại miền Bắc, vòng đấu diễn ra sớm nhất tại Hà Nội với gần 90 đội thi đến từ các tỉnh thành Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Nghệ An… Các đội nhanh chóng thể hiện bản lĩnh với chiến thuật rõ ràng, kỹ năng điều khiển robot thuần thục và tinh thần phối hợp chặt chẽ trong mô hình thi đấu liên minh.
Vòng đấu Robotics tại Đà Nẵng và Quy Nhơn chứng kiến sự bứt phá đầy ấn tượng của nhiều đội thi. Một số đội lần đầu tiếp cận sân chơi Robotics nhưng sự chủ động chiến thuật và tinh thần phối hợp đã tạo nên những trận đấu gay cấn. Các đội khu vực TP HCM, Cần Thơ thể hiện tư duy công nghệ linh hoạt và khả năng làm chủ thiết bị với lối thi đấu thông minh, phối hợp ăn ý.
Với mô hình thi đấu theo liên minh 2 đội – 2 robot, các đội phải nhanh chóng xây dựng chiến thuật chung, phối hợp ăn ý với đội bạn. Điều này giúp học sinh rèn luyện khả năng đàm phán, phản xạ tình huống và kỹ năng hợp tác – những phẩm chất quan trọng cho công dân toàn cầu trong thời đại AI và tự động hóa.
ThS. Lê Ngọc Tuấn – Giám đốc Trải nghiệm Công nghệ Tổ chức Giáo dục FPT – chia sẻ: “Ban tổ chức mong muốn xây dựng một sân chơi không chỉ xoay quanh công nghệ, mà còn là môi trường để các bạn học sinh rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng như đàm phán, tư duy chiến thuật và làm việc nhóm cùng các đội thi khác. Đây cũng là cơ hội để các bạn kết nối, giao lưu với bạn bè đến từ nhiều vùng miền – nơi không chỉ có sự chia sẻ về kiến thức mà còn là sự gặp gỡ giữa các nét văn hóa đa dạng trên khắp đất nước Việt Nam”.
Ông Nguyễn Hùng Quân – Trưởng ban Tuyển sinh Trường Đại học FPT kiêm trưởng ban tổ chức – cũng cho biết cuộc thi FARC 2025 không chỉ là một sân chơi để tranh tài, mà còn là hành trình trải nghiệm ý nghĩa cho học sinh. Ông chia sẻ: “Thông qua việc đắm mình trong các hoạt động STEAM và Robotics, các bạn trẻ sẽ có cơ hội trải nghiệm và khám phá đam mê để định hình nghề nghiệp tương lai, lựa chọn ngành học và môi trường đại học phù hợp”.
Kết thúc vòng đấu Robotics, 50 đội xuất sắc nhất toàn quốc sẽ tiến vào vòng Chung kết, diễn ra tại Hà Nội ngày 2-3/8. Tại Chung kết, Ban tổ chức sẽ trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba cùng nhiều giải phụ và các suất học bổng hấp dẫn tại Trường Đại học FPT.
FARC 2025 là sân chơi dành cho học sinh khối giáo dục trung học trên toàn quốc do Trường Đại học FPT tổ chức. Cuộc thi tạo điều kiện để học sinh thực hành, sáng tạo và nâng cao kỹ năng công nghệ, đồng thời mang đến cho các em cơ hội phát triển tài năng với các suất học bổng giá trị. Cuộc thi khởi động từ tháng 3, đã trải qua các vòng đào tạo chuyên môn và vòng thi lập trình AI trước khi bước vào vòng đấu Robotics.
FARC 2025 là minh chứng tiêu biểu cho môi trường học tập năng động và thực tiễn tại Trường Đại học FPT. Sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn có cơ hội tham gia hàng loạt sân chơi học thuật và sáng tạo xuyên suốt quá trình học tập. Các sân chơi đóng vai trò như “bệ phóng” giúp sinh viên rèn luyện năng lực chuyên môn, tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và định hình con đường sự nghiệp ngay từ ghế giảng đường. Đây chính là nền tảng quan trọng để các bạn trẻ tự tin bước vào thị trường lao động và chinh phục các cơ hội trong tương lai.