Gặp gỡ quán quân Thiết kế đồ họa ResFes 2020 đến từ ĐH FPT TP. HCM

Ngày 10-11/10 vừa qua, cuộc thi FPT Research Festival 2020 đã diễn ra tại campus FPT thành phố Hồ Chí Minh. Sau những phần hùng biện đầy thuyết phục, nhóm Bát Quái Sài Gòn đã giành được giải Nhất trong lĩnh vực Thiết kế đồ họa với đề tài “Nghiên cứu về các hoạt động của trẻ em trong thời gian cách ly”.

FPT Research Festival 2020 (ResFes) là cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học dành cho học sinh – sinh viên đến từ các cơ sở đào tạo của FPT Education và sinh viên từ các trường đại học trong nước, quốc tế. Năm 2020, cuộc thi lần đầu tiên được triển khai ở cả 4 khối ngành: CNTT, Quản trị Kinh doanh, Ngôn ngữ và Thiết kế Đồ hoạ với chủ đề “Worldwide Pandemic the 1st day/ Làm gì nếu xảy ra đại dịch toàn cầu”?

Trước những ý tưởng độc đáo cùng phần hùng biện thuyết phục, ban giám khảo đã quyết định trao giải Nhất lĩnh vực Thiết kế đồ họa cho nhóm Bát Quái Sài Gòn. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của các thành viên nhóm Bát Quái Sài Gòn sau khi giành giải Nhất nhé!

7 thành viên của nhóm hiện đang theo học chuyên ngành Thiết kế đồ họa – Trường Đại học FPT phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh

Trong suốt 2 tháng tranh tài, các bạn nghĩ mình có bao nhiêu phần trăm cơ hội giành được giải Nhất?

Thực tế thì chúng mình chỉ hướng tới giải Triển vọng thôi. ResFes 2020 giống như một cơ hội để cả nhóm trải nghiệm cảm giác làm đồ án tốt nghiệp sớm nên ai cũng cố gắng làm tốt hết mức có thể, không hề suy nghĩ đến việc sẽ giành giải Nhất.

Các bạn nghĩ thế nào về quan điểm: Những người làm nghệ thuật nói chung, thiết kế đồ họa nói riêng thường có “máu nghệ sĩ” cao nên nếu bước sang nghiên cứu sẽ là điều mâu thuẫn?

Đúng là những người làm nghệ thuật thường hơi bay bổng, nghệ sĩ nên khi bước sang lĩnh vực nghiên cứu mang tính hàn lâm, học thuật sẽ có chút mâu thuẫn. Nó giống như một cái quy chuẩn và mình được sáng tạo trong cái quy chuẩn đó.

Chẳng hạn với ResFes 2020, quy chuẩn ở đây là đề tài mà ban tổ chức đưa ra còn sáng tạo ra sao thì nằm ở các nhóm. Đối với chúng mình thì đây là một điều thú vị và mới mẻ, đáng để thử thách bản thân.

“Người nghệ sĩ không ngại quy chuẩn, sẵn sàng sáng tạo trên những quy chuẩn đó”

Lý do nào khiến các bạn lựa chọn đề tài này để tham gia chung kết?

Đề tài “Nghiên cứu về các hoạt động của trẻ em trong thời gian cách ly” được lấy ý tưởng từ chính những đứa em trong đợt nghỉ dịch COVID-19. Trẻ con ở nhà cả ngày và chỉ quanh quẩn một số hoạt động như lên mạng, xem tivi, nghịch điện thoại,… Chúng mình đặt ra câu hỏi liệu có cách nào để các em ấy có một khoảng thời gian vui vẻ và có ích hơn.

Sau một thời gian khảo sát, 7 thành viên đã quyết định thực hiện một cuốn truyện tranh siêu nhân dạng fantasy dành cho trẻ em. Đây không chỉ là một sản phẩm lồng ghép bối cảnh dịch COVID-19 để tăng cường ý thức phòng chống dịch bệnh, mà còn tạo ra niềm yêu thích – giữ gìn văn hóa đọc sách cho trẻ nhỏ.

Bạn đánh giá đề tài của “đối thủ” như thế nào?

Các đối thủ năm nay khá đáng gờm, nhiều đội có tư duy thiết kế tốt khiến chúng mình cũng không lường được chiến thắng này.

7 thành viên hào hứng trước chiến thắng “không lường trước” tại ResFes 2020

Các bạn đã có sự chuẩn bị như thế nào cho vòng thi này?

Cả nhóm biết đến cuộc thi này khá trễ và gấp rút thực hiện khi bước sang học kỳ mới. Để hoàn thiện một cuốn truyện hoàn chỉnh với hơn 40 trang, cả nhóm phải chấp nhận cắt bớt việc học ở trên lớp. Mỗi thành viên sẽ nhận một nhiệm vụ như làm nội dung, vẽ chính, tô màu, dàn trang,… Vừa chạy dự án, vừa chạy deadline trên lớp khiến chúng mình cảm thấy rất stress.

ResFes 2020 đã kết thúc, vậy điều gì khiến bạn ấn tượng nhất?

Đây là một cuộc thi mới lạ và có quy mô lớn nhất mà chúng mình từng tham gia. Trong suốt thời gian tham gia ResFes, chúng mình được gặp gỡ với rất nhiều người tài giỏi, được sự hướng dẫn tận tình từ phía các thầy cô trường Đại học FPT và học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu cho học tập, công việc sau này.

Cảm ơn các bạn vì những chia sẻ thú vị này! Chúc các bạn sẽ không ngừng cố gắng và đạt được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.

Theo FPT Edu