Gen Z Trường ĐH FPT và cảm nhận về ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước

Nửa thế kỷ sau ngày non sông liền một dải, sinh viên Trường Đại học FPT không chỉ ghi nhớ công lao của cha ông qua những trang sách, mà còn biến lòng biết ơn thành hành động, nuôi hoài bão lớn cho tương lai.

Thêm trân trọng quá khứ hào hùng qua câu chuyện của người thân

30/4/1975 là một ngày trọng đại của lịch sử dân tộc Việt Nam, là dấu mốc không thể quên trong hành trình giành lại độc lập, tự do của đất nước. Đối với sinh viên Trường Đại học FPT, đây không chỉ là một ngày kỷ niệm ghi trong sách vở, mà còn sống động trong ký ức gia đình, qua những câu chuyện xúc động được kể lại từ ông bà, cha mẹ – những nhân chứng sống của một thời kỳ lịch sử.

Dù không trực tiếp trải qua chiến tranh, thế hệ Gen Z ngày nay vẫn cảm nhận sâu sắc những hy sinh, mất mát của những thế hệ đi trước i. Trong lòng họ, ngày 30/4 không chỉ là hình ảnh lá cờ chiến thắng tung bay trong niềm vui, mà còn là sự hy sinh lớn lao của hàng triệu người để đất nước có được hoà bình, độc lập. 

Ngô Minh Khôi (K20, chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện) chia sẻ: “Em vẫn còn nhớ những buổi tối, khi ngồi bên mâm cơm gia đình, ông bà kể lại những câu chuyện thời chiến. Những câu chuyện ấy không chỉ là ký ức, mà là động lực để em hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình. Ngày đất nước thống nhất không chỉ là thời điểm chấm dứt những đau thương mất mát, mà còn là cơ hội để các thế hệ sau được sống trong môi trường an toàn, đầy đủ và tự do”. 

Phạm Thị Thanh Na (K19, chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện) cũng ghi nhớ ngày 30/4 qua những câu chuyện đầy cảm xúc từ ông ngoại. Cô kể: “Ông hay kể về khoảnh khắc khi cả làng quê cùng nhau reo hò trong nước mắt hạnh phúc khi biết tin miền Nam được giải phóng. Đối với em, ngày 30/4 không chỉ là sự thống nhất về địa lý mà còn là sự hồi sinh niềm tin, hy vọng cho từng con người. Đó là dấu mốc quan trọng không chỉ trong lịch sử mà còn trong trái tim của mỗi người Việt Nam”. 

Thanh Na (K19, Truyền thông đa phương tiện) luôn được nghe những câu chuyện lịch sử qua lời kể của ông ngoại. 
Thanh Na (K19, Truyền thông đa phương tiện) luôn được nghe những câu chuyện lịch sử qua lời kể của ông ngoại.

Học tập tốt, hoàn thiện bản thân là cách thể hiện tình yêu nước thiết thực nhất

Năm nay, TP HCM sẽ tổ chức lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia vào đúng ngày 30/4 để kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày qua, toàn dân đã rất háo hức khi chứng kiến các hoạt động luyện tập, sơ duyệt, tổng duyệt để chuẩn bị cho ngày lễ chính. Khắp các đường phố Sài Gòn, đâu đâu cũng rực rỡ cờ Tổ quốc. Khắp các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đâu đâu cũng ngập tràn hình ảnh các đoàn diễu binh nghiêm cẩn, bước chân đều tăm tắp với hào khí dân tộc trào dâng.  

Đối với sinh viên Trường Đại học FPT, việc trực tiếp chứng kiến những bước chân diễu hành trang nghiêm tại trung tâm thành phố là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt. Minh Khôi (K20, chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện) chia sẻ: “Khi nhìn thấy sức mạnh đoàn kết và niềm tự hào dân tộc thể hiện qua từng bước chân diễu hành, em cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của hòa bình và tự do mà chúng ta đang tận hưởng ngày hôm nay”.

Ngô Minh Khôi (K20, Truyền thông đa phương tiện) luôn biết ơn thế hệ đã nằm xuống để có được hoà bình hiện tại. 
Ngô Minh Khôi (K20, Truyền thông đa phương tiện) luôn biết ơn thế hệ đã nằm xuống để có được hoà bình hiện tại.

Ngoài lễ diễu binh, diễu hành, TP HCM còn tổ chức hàng loạt sự kiện như triển lãm ảnh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, trình chiếu phim tư liệu, trình diễn 3D mapping tại trụ sở UBND Thành phố và bắn pháo hoa tại 30 điểm trên toàn thành phố. Nhân dịp này, nhiều sinh viên như Lữ Phạm Ngọc Thiện (K19 – Tài chính doanh nghiệp) và Phạm Thị Thanh Na (K19 – Truyền thông đa phương tiện) đã lên kế hoạch tham gia triển lãm, xem phim lịch sử, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ hoặc về quê thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên. “Em tham gia những hoạt động này để hiểu sâu hơn về hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chúng em biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước”, Ngọc Thiện tâm sự.

Bên cạnh những hoạt động cộng đồng, sinh viên Trường Đại học FPT còn tranh thủ những ngày nghỉ lễ để  ôn tập bài vở, rèn luyện kỹ năng để chuẩn bị cho các kỳ thi, dự án và các đề tài nghiên cứu khoa học. Với họ, việc học tập tốt chính là cách thiết thực nhất để viết tiếp ước mơ của những thế hệ đi trước, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững và mạnh mẽ trong thời bình. Nguyễn Thị Thanh Diệu (K20 – Truyền thông đa phương tiện) bày tỏ: “Em cảm nhận rõ trách nhiệm của thế hệ mình là phải học thật giỏi, làm việc thật tốt, để đất nước ngày càng phát triển hùng mạnh”. 

Mỹ Linh