Giải quyết bài toán thất nghiệp

Nghịch lý là nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt trầm trọng, trong khi chỉ 30% sinh viên vừa tốt nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc

Kể từ khi có khóa sinh viên (SV) tốt nghiệp đầu tiên năm 2011, Trường ĐH FPT được biết đến là ngôi trường có tỉ lệ việc làm cao với 98%, trong đó cứ 6 SV lại có 1 người làm việc tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Singapore… Do đâu SV Trường ĐH FPT đạt được kết quả này?

Chiến lược “người phù hợp”

Theo chiến lược nhân sự “người phù hợp” trích từ cuốn sách nổi tiếng “Từ tốt đến vĩ đại”, mức độ “phù hợp với doanh nghiệp (DN)” mới là nhân tố chính dẫn đến quyết định tuyển dụng thay vì chỉ xét theo năng lực chuyên môn của ứng viên. Thực tế cho thấy SV Trường ĐH FPT luôn khẳng định bản thân là những “người phù hợp” trước bất kỳ DN trong nước và quốc tế nào. Tại sự kiện Ngày hội Việc làm 2016 do Trường ĐH FPT phối hợp cùng 13 DN tổ chức, đại diện một DN Nhật Bản cũng cho biết ngoài kiến thức chuyên môn, DN sẽ ưu tiên tuyển dụng ứng viên được trang bị kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ tốt, sẵn sàng làm việc ngay mà không mất thời gian đào tạo.

Tại Trường ĐH FPT, SV thường được tuyển hầu hết vào các DN lớn, làm đúng ngành với mức lương không hề thấp. Đặc biệt có những trường hợp xuất sắc như SV Đồng Thị Hồng Thắm được Công ty BigtreeT (Nhật Bản) nhận vào làm việc khi chưa tốt nghiệp với mức lương khởi điểm 3.000 USD.

 

Phụ huynh hạnh phúc trong giây phút chứng kiến thành quả của con mình sau 4 năm nỗ lực phấn đấu

Ngoài ra, cũng có không ít SV trẻ tự khởi nghiệp và trở thành những DN trẻ triển vọng chỉ sau vài năm như chàng CEO trẻ Color Me, start-up về giáo dục – Nguyễn Việt Hùng, SV năm 3 ĐH FPT. Sau 1 năm thành lập, đã có hơn 1.700 học viên tốt nghiệp từ các khóa thiết kế đồ họa do Hùng xây dựng. Color Me đang có 2 chi nhánh tại Hà Nội, 1 chi nhánh ở Hải Phòng.

Để đạt được những thành quả này, bên cạnh yếu tố nỗ lực của chính bản thân mỗi bạn, môi trường ĐH cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Môi trường ĐH quyết định thành công của sinh viên

TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề được Trường ĐH FPT đặc biệt chú trọng. Vì vậy, ngay từ khâu xây dựng chương trình, Trường ĐH FPT đã tham khảo ý kiến, sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia đến từ các công ty đối tác của FPT.

Theo đó, chương trình đào tạo của Trường ĐH FPT được chia thành 4 giai đoạn cơ bản: giai đoạn chuẩn bị kéo dài một năm, SV sẽ học tiếng Anh, tháng rèn luyện tập trung tại trường quân sự và các môn kỹ năng mềm về phương pháp học tập ở bậc ĐH. Giai đoạn 2, SV được trang bị kiến thức chuyên ngành cơ bản, giáo dục thể chất, trang bị ngoại ngữ thứ hai bên cạnh tiếng Anh, các kỹ năng phát triển cá nhân; được tạo điều kiện tham gia học kỳ nước ngoài với 60 trường (thuộc 26 quốc gia) là đối tác của Trường ĐH FPT… Từ năm thứ 3, 100% SV bắt buộc tham gia chương trình thực tập tại DN. Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH FPT và các công ty đối tác, SV sẽ được tham gia các dự án để cọ xát học hỏi và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh tiêu biểu của SV Trường ĐH FPT trên thị trường lao động hiện nay. SV Trường ĐH FPT tốt nghiệp được các nhà tuyển dụng săn đón một phần nhờ kỹ năng mềm tốt, tạo thuận lợi trong quá trình hòa nhập công sở, làm việc nhóm và giao tiếp với khách hàng.

Theo Người lao động