Chiều 12/9 vừa qua, sinh viên ĐH FPT đã có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với GS. Ngô Bảo Châu – nhà toán học đạt giải thưởng Fields danh giá vào năm 2010 – trong không gian sự kiện FE Talk số 5. Tại đây, GS. Ngô Bảo Châu đã chia sẻ với các bạn sinh viên nhiều phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học hữu ích.
Đây là lần thứ hai GS. Ngô Bảo Châu đến thăm và giao lưu với sinh viên ĐH FPT, sau lần đầu tiên vào năm 2011 tại cơ sở Detech. Nhà toán học nổi tiếng thế giới xuất hiện trước hơn 100 sinh viên ĐH FPT với nụ cười thân thiện.
TS. Đàm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH FPT) trong vai trò dẫn dắt cuộc trò chuyện giữa GS. Ngô Bảo Châu và sinh viên ĐH FPT.
GS. Ngô Bảo Châu mở đầu phần giao lưu với sinh viên bằng việc chia sẻ khái niệm “đại học khai phóng” và những câu chuyện giáo dục ở các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Pháp, Mỹ. Theo GS. Ngô Bảo Châu, “đại học khai phóng” là mô hình đại học dạy con người khám phá, giải phóng, phát triển bản thân trước khi dạy kiến thức hàn lâm, chuyên môn. “Đại học khai phóng” được chú trọng phát triển ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, nhưng ở Việt Nam, đây vẫn còn là khái niệm rất mới.
Giáo sư chia sẻ qua nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy tại trường ĐH Chicago (Mỹ), ông nhận ra sinh viên học đại học khai phóng đều được trang bị đầy đủ các kĩ năng xã hội đến chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng xã hội được đào tạo bài bản. Điều này khác với những trường đại học nghiêng về nghiên cứu, nơi sinh viên hầu như chỉ đào tạo về kiến thức chuyên môn.
Nhà toán học nổi tiếng thế giới bày tỏ sự lo lắng khi nghiên cứu khoa học chưa được khuyến khích và đầu tư ở hầu hết các trường đại học trong nước. “Đại học ở Việt Nam hiện nay còn thiếu những môi trường và sự cạnh tranh trong nghiên cứu khoa học là rất lớn, kết quả nghiên cứu hầu như chưa đạt đến tầm đưa vào ứng dụng thực tế.” GS. Ngô Bảo Châu cho biết. Lần thứ hai đến ĐH FPT, GS. Ngô Bảo Châu vui mừng khi thấy cơ sở Hòa Lạc đã đáp ứng được điều kiện vật chất tốt hơn cho sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học so với cơ sở Detech.
GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ khái niệm “đại học khai phóng” với sinh viên một trường đại học tự chủ vừa bước sang tuổi thứ 10.
GS. Ngô Bảo Châu dành nhiều thời gian để chia sẻ với sinh viên ĐH FPT về phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học. “Chủ động là chìa khóa, điểm mấu chốt tạo nên thành công của các đề tài mà nghiên cứu sinh theo đuổi”, giáo sư nói. Thời gian tự học của sinh viên các bạn sinh viên ở các nước tiến bộ là rất lớn. Trong nghiên cứu khoa học, hầu như sinh viên đã tìm được đề tài thích và mong muốn tìm hiểu, tự nghiên cứu từ trước và giảng viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn.
Sinh viên Ngô Quang Trọng (ngành Kỹ thuật phần mềm) đặt câu hỏi cho GS. Ngô Bảo Châu về cách thức tìm và bắt tay nghiên cứu một đề tài. Giáo sư cho rằng: “Không nên quan niệm nghiên cứu khoa học là những gì quá cao xa. Nghiên cứu khoa học đôi khi chỉ là đọc, tìm hiểu một bài báo hay một vấn đề đã được nói tới, tìm hiểu những điều đã biết hoặc chưa biết. Miễn là, bạn phải làm việc một cách nghiêm cẩn, trung thực.”
Nhà toán học nổi tiếng thế giới cũng bật mí ông không thích tự tạo áp lực hay buộc mình phải vượt qua giới hạn của bản thân. GS. Ngô Bảo Châu tin rằng lối sống, cách làm việc khoa học và kỷ luật mới tạo nên thành công, nhất là đối với người nghiên cứu khoa học. Chia sẻ của giáo sư nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên ĐH FPT có mặt tại hội trường qua những tràng pháo tay giòn giã.
Âm nhạc cổ điển tạo nên nét đặc biệt cho không gian sự kiện FE Talk số 5
Không gian giao lưu của FE Talk số 5 càng trở nên đặc biệt khi âm nhạc cổ điển được trình diễn, đan xen với phần chia sẻ mang tính học thuật của GS. Ngô Bảo Châu. Hai nữ khách mời xinh đẹp là nghệ sĩ Cello Đinh Hoài Xuân và Nghệ sĩ Opera Ngô Hương Diệp đã mang đến bản độc tấu Cello và bản hợp xướng kết hợp piano với opera qua ca khúc “Người Hà Nội” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi. Nữ nghệ sỹ Đinh Hoài Xuân cũng có phần giao lưu thú vị với diễn giả GS. Ngô Bảo Châu xung quanh chủ đề âm nhạc và toán học.
Kết thúc buổi giao lưu, GS. Ngô Bảo Châu gửi lời chúc đến toàn thể sinh viên ĐH FPT và mong muốn ĐH FPT sẽ trở thành nơi ươm mầm cho nhiều nhà khoa học và những công trình nghiên cứu có giá trị trong tương lai.
Theo FE