Từng là một nam sinh với “cái tôi” nổi trội, học rất giỏi nhưng nghịch ngợm, ham chơi, ít ai ngờ Hoàng Bảo Long (cựu sinh viên K7 ĐH FPT) sau nhiều năm du học, khởi nghiệp ở nước ngoài lại chọn về trường xưa làm thầy giáo.
Vừa là người dạy, vừa là đàn anh; vừa “máu lửa” và dày dạn kinh nghiệm trong ngành lại vừa có sự sâu sắc, điềm tĩnh của một người đứng lớp, những tiết học với “anh thầy” 9X vì thế mà luôn sôi nổi và truyền cảm hứng cho sinh viên ĐH FPT.
Chọn trường cũ làm nơi công tác mới
Nhớ lại thời sinh viên tại ĐH FPT campus Hà Nội, anh Long không ngại thừa nhận hồi đó mình khá “trẻ trâu”, “đầu têu” phá làng phá lớp bằng đủ thứ trò, từ nghỉ học “kịch số buổi”, ngủ gật, chơi game đến nói chuyện riêng trong giờ học. Nếu không phải một ngôi trường tôn trọng những cá tính riêng, thầy cô vừa nghiêm khắc nhắc nhở vừa thủ thỉ động viên thì dù thành tích học tập có tốt đến đâu, có lẽ 9X cũng dễ được xếp vào hàng sinh viên “cá biệt”.
“Ngày ấy vì khá “quậy” nên các thầy cô rất nghiêm khắc với mình. Nhưng sau tất cả, những điều thầy cô chỉ dạy từ thời sinh viên đều giúp ích và truyền cảm hứng cho mình trong quá trình khởi nghiệp. Cũng chính thầy cô đã dạy mình biết cách cân bằng và định hình cá tính, kiểm soát tốt cái tôi cá nhân”, anh Long cho biết.
Tiếp nối hành trình của những người thầy đáng kính, anh Long khiến nhiều người bất ngờ khi du học và lấy xong bằng thạc sĩ, anh quay về và trở thành giảng viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa tại Trường ĐH FPT. Không chỉ mang tới những bài học chuyên ngành hữu ích cho sinh viên, thầy giáo trẻ còn nỗ lực truyền cảm hứng và “cảm hóa” những cô cậu học trò với cá tính khác biệt, như chính anh của nhiều năm về trước. Trở về trường cũ với một vai trò mới, với anh Long, đó vừa là cơ duyên, cơ hội, vừa là những trải nghiệm và nhiều cảm xúc đặc biệt khó diễn tả bằng lời.
“Mình thường linh hoạt chạy tới chạy lui giữa 2 vai trò, trên giảng đường có thể là một giảng viên nghiêm khắc, nhưng nhiều lúc chỉ đơn giản là một đàn anh vui tính ở khóa trên. Nhờ đó mà có thể tâm sự tuổi hồng mọi chuyện từ học hành đến tâm tư tình cảm cùng sinh viên trường F. Thực ra tất cả những gì các em đang trải nghiệm, mình đều đã đi qua và hiểu hết rồi, vậy nên mình có thể đưa ra lời khuyên cho những băn khoăn, bối rối của các em, biết phải làm gì để đồng hành cùng các em trong những năm tháng đại học”, thầy giáo kiêm đàn anh Hoàng Bảo Long tâm sự.
Tâm lý và thấu hiểu học trò như vậy nên thầy Long luôn có những cách giảng dạy rất hay và thực tế, khơi gợi cảm hứng học tập ở sinh viên. Ở ĐH FPT, “anh thầy” được rất nhiều bạn trẻ yêu mến, kính trọng và gọi thân mật với biệt danh “Léo Hoàng”.
“Đóng gói” kinh nghiệm làm nghề vào bài giảng
Trước khi trở thành giảng viên ĐH FPT, anh Long đã có một thời gian dài trải nghiệm nhiều vị trí công việc tại các doanh nghiệp lớn, nhằm khám phá tiềm năng của bản thân. Tinh thần xông pha này vốn đã theo 9X từ thời sinh viên, khi anh dành rất nhiều thời gian cho việc tham gia và đạt những thành tựu nhất định tại các sự kiện start-up như: Hanoi Startup Weekend, Hanoi Startup Hub, Hanoi Entrepreneur Day… Từ khi tốt nghiệp tới nay, thầy giáo 9X cũng là sáng lập của một số start-up ấn tượng như LacBird, Clopic Nation. Song song với công việc giảng dạy tại ĐH FPT, hiện anh Long còn đảm nhiệm vai trò đồng sáng lập & CEO của LacBird.
Do đó, học với thầy Long không chỉ có lý thuyết suông, đọc giáo trình nhàm chán, những kinh nghiệm thực tế luôn được “anh thầy” lồng ghép khéo léo vào mỗi bài giảng để sinh viên có cái nhìn trực quan hơn về ngành nghề. Doanh nghiệp mà anh Long đang quản lý cũng đã ký kết hợp tác với ĐH FPT, mở ra những cơ hội thực tập, việc làm đúng chuyên môn cho sinh viên năm cuối hoặc mới ra trường, đồng thời tổ chức các chương trình hướng nghiệp, tham quan thực tế doanh nghiệp.
Thông qua những chia sẻ thực tế, kinh nghiệm “thực chiến” của thầy giáo 9X, việc ghi nhớ kiến thức trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với việc “học vẹt” vốn đã là “truyền thống” của không ít sinh viên. “Ngày trước tuy ham chơi nhưng để không “đánh rơi” thành tích thì mình luôn có một thời gian biểu chi tiết. Sáng đi học, chiều làm thêm, sau đó đi tập thể dục thể thao, tối chơi game nhưng cũng không quên ôn lại bài học. Bí kíp mà mình vẫn hay nói học trò đó là chỉ cần 4-5 tiếng trên lớp, nhưng nếu các bạn biết tận dụng nó tối đa thì bạn sẽ học được rất sâu, nhớ rất lâu, về nhà chỉ cần ôn lại chút là ổn”, giảng viên này bật mí.
Ngọc Trâm