Khởi nghiệp là một môn học chính thức tại Đại học FPT

 Tuần qua, Đại học FPT tổ chức Pitching Demo Day. Đây là chương trình thuộc chuỗi chương trình của môn học Trải nghiệm Khởi nghiệp trong khuôn khổ đào tạo tại trường Đại học FPT.

Pitching Demo Day (tạm dịch: gọi vốn, thuyết phục nhà đầu tư) là chương trình được tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các nhóm sinh viên khởi nghiệp, từ khâu trình bày từ ý tưởng, phát triển sản phẩm cho đến mô hình hoạt động, kết quả kinh doanh dự kiến của mình đến thuyết phục, gọi vốn trước các nhà đầu tư, bộ môn Khởi nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối sinh viên với nhà đầu tư.

Tại chương trình, các nhóm sinh viên Đại học FPT đã lần lượt trình bày các đề tài như: Jgo – Nền tảng dạy Tiếng Nhật, cung cấp các tài liệu, bài thi thử, trò chơi để giúp giải trí và giúp người học chinh phục ngôn ngữ của xứ sở mặt trời mọc. Tiếp nối là đề tài Bi-ke Tag – thiết bị móc khoá chống trộm xe đạp và các đồ dùng khác; Yost – Ứng dụng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và DesMe – nền tảng cung cấp sản phẩm thủ công, kết nối các đơn vị sản xuất – vận chuyển – tiêu thụ một cách hiện đại.

dai hoc fpt khoi nghiep
Các nhóm sinh viên Đại học FPT lần lượt trình bày các đề tài khởi nghiệp

Bên cạnh việc chinh phục, các bạn còn nhận được nhiều chia sẻ và giao lưu với các nhà đầu tư: chị Đỗ Thu Ngân – Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro – Công ty TNHH Tư vấn PWC Việt Nam; Anh Trần Văn Sơn – Giám đốc Phát triển Kinh doanh – Công ty Cổ phần Trinity Group; Anh Phạm Bảo Long – Giám đốc chiến lược – Công ty Cổ phần Spac3ship; thầy Phan Gia Hoàng, thầy Trần Đình Thành, thầy Nguyễn Quốc Bảo – Giảng viên trường Đại học FPT.

Từ học kỳ Spring 2022, môn Trải nghiệm Khởi nghiệp được đưa vào chương trình đào tạo chính quy và bắt buộc cho tất cả sinh viên Đại học FPT. Nhà trường kỳ vọng, thông qua môn học này, sinh viên được trang bị nền tảng kiến thức thực chiến về sáng tạo – khởi nghiệp, từ đó, sinh viên có tư duy nhạy bén để phát hiện và tận dụng cơ hội trong xu hướng thế giới đang thay đổi nhanh chóng, giúp sinh viên có thể khởi nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường. Phương pháp dạy – học là tự lĩnh hội kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế, trau dồi khả năng kiến tạo. Tiến sĩ Phan Gia Hoàng – trưởng Bộ môn Khởi nghiệp – Đại học FPT cho biết thêm: “Phương pháp đào tạo thông qua các trải nghiệm thực tế, sinh viên được tiếp cận, nhận được sự chia sẻ, hướng dẫn (mentor) của các startup founder, các quỹ đầu tư và các C-suite Level trong mạng lưới đối tác của trường Đại học FPT với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”.

dai hoc fpt khoi nghiep 2
Các nhà đầu tư và cố vấn chia sẻ ý kiến, góp ý đánh giá cho các bạn sinh viên.

Các nước trên thế giới cũng đã bắt đầu đưa môn Trải nghiệm Khởi nghiệp vào trường học. Việc Đại học FPT đưa môn này vào chương trình đào tạo kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp và sinh viên, trau dồi cho các bạn những kiến thức và kỹ năng quý báu cho hành trình sau này. Những tấm gương khởi nghiệp thành công như cựu sinh viên Đại học FPT: Nguyễn Thế Vinh – Co Founder – Coine 98 Finace, Nguyễn Thành Trung – Founder tựa game đình đám toàn cầu Axie infinity, Trần Trung Hiếu – Fouder, CEO Top CV… đã tiếp thêm lửa cho các bạn sinh viên Đại học FPT – thế hệ khởi nghiệp kế cận. Trước đó, Đại học FPT cũng là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong đó có tỷ phú Tiến sĩ Serg Bell và Tiến sĩ Stanislav Protassov – những người sáng lập kỳ lân công nghệ Acronis được định giá 2,5 tỷ USD.

Môn học Trải nghiệm Khởi nghiệp bám sát sứ mệnh, triết lý giáo dục và mục tiêu của nhà trường với mong muốn sẽ tạo ra một thế hệ sẵn sàng dấn thân, đương đầu với thử thách để hiện thực quá giấc mơ của mình, đưa trí tuệ Việt Nam vươn tầm thế giới.