Không bơ phờ vì triền miên thiếu ngủ, không chán nản bên những ký tự khô khan, sinh viên CNTT tại ĐH FPT luôn tràn đầy sức sống bởi có bí kíp tìm niềm vui từ những ngày làm bạn với các dãy code dài miên man.
Sau mỗi dự án thành công, bạn sẽ thấy khả năng lập trình của mình ngày càng tiến bộ. Bạn sẽ càng thấy thích lập trình, thích những thứ mình làm hơn!
Đỗ Thành Đạt – SV K13 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT đã có 4 năm làm việc tại công ty công nghệ và liên tục ghi dấu ấn trong các cuộc thi dành riêng cho dân IT. Dù gặt hái được nhiều thành tựu nhưng Đạt cũng phải trải qua một quãng thời gian chật vật theo đuổi thứ “ngôn ngữ xa lạ” này.
“Đa phần các bạn cảm thấy chán nản vì học code quá khó. Để có được đam mê, hãy tiến từng bước nhỏ từ giải bài tập cho tới làm các dự án, rồi làm nhiều thứ hay ho hơn để nâng cao khả năng lập trình của mình. Khi tiếp xúc với một công nghệ mới, mình cố gắng tìm hiểu ứng dụng thực tế của nó. Điều đó giúp mình có cách nhìn khác về công nghệ, hiểu rõ hơn và dễ dàng thực hiện hơn”, Thành Đạt bật mí.
Vừa học ở trường, vừa cân cả việc ở công ty nên Thành Đạt hiểu được cảm giác muốn “bỏ đi tất cả” khi thấy công việc lập trình lặp đi lặp lại mỗi ngày của các bạn sinh viên. Những lúc như vậy, Đạt sẽ hẹn bạn bè, anh chị trong ngành cùng đi café và bàn về những công nghệ mới, ý tưởng mới. Cùng nhau chia sẻ về công việc hiện tại và định hướng tương lai giúp Đạt được tiếp thêm năng lượng cũng như tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.
“Khi các ứng dụng, phần mềm mà mình tạo ra có thể mang tới giá trị cho xã hội thì đó là lúc mọi mệt mỏi, chán nản đều tiêu biến”, Thành Đạt chia sẻ
Đồng tình với Thành Đạt, chàng sinh viên Trần Đông Phương – SV K15 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT cho rằng để làm quen với một cái mới thì không bao giờ là dễ, nhất là ở lĩnh vực có khối lượng kiến thức rất lớn và thay đổi liên tục như CNTT.
“Dù lặp đi lặp lại nhưng công việc lập trình luôn chưa đựng những điều mới mẻ. Mình luôn để ý cách làm việc của những đàn anh để học hỏi thêm. Nếu bạn cảm thấy mỗi ngày mình đều học được thêm vài thứ mới, thấy được bản thân mình đang phát triển lên từng ngày thì mình tin là bạn sẽ không hết đam mê đâu”, Đông Phương cho biết.
“Niềm vui của mình trong công việc này là tạo ra những sản phẩm giúp cuộc sống chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Mình cũng đang làm một số sản phẩm riêng để giúp gia đình của mình. Vừa xây dựng được những thứ có ích, lại có thể học hỏi được nhiều thứ mới trong suốt quá trình làm thì thực sự rất thú vị”, Đông Phương cho biết.
Đông Phương (áo trắng) cho rằng cách tốt nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn này là rèn luyện tính kiên trì và học cách giải quyết tối ưu vấn đề. Đây cũng là 2 yếu tố rất quan trọng để sau này chúng ta có thể trở thành một lập trình viên tốt
Thành Đạt và Đông Phương là những sinh viên có thành tích tốt trong học tập cũng như là “gương mặt thân quen” tại các sân chơi công nghệ FPT Edu Hackathon, FPT Edu Research Festival… Cả hai cho rằng, thường xuyên tham gia các cuộc thi sẽ giúp sinh viên mở rộng mối quan hệ với các chuyên gia, bạn bè cùng ngành và học hỏi thêm kiến thức mới. Mỗi ngày được tiếp cận với một công nghệ hay sẽ giúp chúng ta cảm thấy “coder không còn khô” như những gì mình tưởng tượng.
Càng tích lũy nhiều trải nghiệm, SV càng bồi đắp cho mình những kỹ năng cần thiết để vượt qua khó khăn
Đồng thời, một trong những yếu tố quan trọng khiến SV ĐH FPT có thể “code nữa, code mãi” mà không chán nản chính là không gian truyền cảm hứng tại các phòng lab trong campus ĐH FPT. Những căn phòng này được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, không gian thoáng đãng với nguồn ánh sáng tự nhiên và cây xanh đặt ở mọi ngóc ngách. Dù phải dành nhiều thời gian trong phòng lab nhưng sinh viên CNTT luôn cảm thấy thoải mái, được tiếp thêm nguồn cảm hứng cho việc sáng tạo, lập trình.
Dàn máy cấu hình “khủng”, điều hòa mát lạnh lại có view xanh tươi thế này bảo sao SV ĐH FPT không thích mê
Theo Kênh14