Kinh nghiệm làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh đầu vào Đại Học FPT

Bạn chỉ còn chưa đầy một tuần nữa để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đầu vào Đại học FPT ngày 15/5. Cùng tham khảo những kinh nghiệm để đạt điểm cao khi làm bài thi của cựu sinh viên Đại học FPT – bạn Vũ Công Thành – người từng đạt 93 điểm và giành được học bổng 100% trong kỳ thi này nhé.

Những lưu ý khi làm bài thi luận:

Đề luận của trường ra thuộc dạng nghị luận xã hội, thường rất “lạ” và hiểm. Chẳng hạn như đề thi tháng 4/2012 về trinh tiết ấy. Các bạn cần có một trái tim nóng và cái đầu lạnh để không “shock”.

Đề luận của FPT không phải cứ cắm mắt vào quyển sách, lẩm nhẩm văn mẫu mà phải ôn hàng ngày bằng cách thường xuyên lên báo mạng mà đọc tin nhảm. Bạn làm vậy để thu được nhiều luận chứng, phục vụ cho việc viết có cơ sở. Ngoài ra bạn cũng nên đọc một số bài tranh luận để tìm ra các luận điểm, cách đặt vấn đề mới. Đề luận này không có đúng, sai, bạn cứ thoải mái nêu ý kiến của mình, miễn là không lạc đề, nêu được thì phải bảo vệ được, chứng minh được vì sao ý kiến của mình lại hợp lý. Bảo vệ được thì phải có dẫn chứng, mà dẫn chứng muốn có thì phải nắm bắt thông tin xã hội, mà thông tin xã hội thì chỉ có thể nắm bắt nhanh và nhiều ở các báo mạng.

Thường thì sẽ có một câu khẳng định, đề yêu cầu bạn chọn đồng ý hay không. Bạn PHẢI chọn có hoặc không, đừng làm kiểu ba phải, nửa vời rồi không có chính kiến riêng. Dù chọn gì đi chăng nữa thì cũng phải nói thông tin thêm về cái mà mình không chọn để thể hiện bạn có hiểu biết về cả 2 mặt.

Nhiều người nghĩ đề văn chỉ có 15 điểm, không ăn nhằm so với đề toán 90 điểm. Quan điểm ấy sai lắm ạ. Bạn làm toán liệu có chắc đúng 90/90, để có được một suất học bổng thì tổng điểm thường trên 90, để vào trường thì tầm xấp xỉ 70. Có điểm văn khoảng 9-10 thì cơ hội của bạn sẽ rất cao.

Những lưu ý khi làm bài thi “Trắc nghiệm toán và tư duy Logic”:

Mình sẽ trình bày về phần toán của CNTT. Đề thi bao gồm 2 phần: Toán và Luận. Khi thi toán các bạn cần chú ý các điểm sau đây:

Đề thi thông thường bao gồm 90 câu (Dạng 1: 20 câu, dạng 2: 25 câu, dạng 3: 45 câu). Thời gian làm bài là 120 phút. Ban đầu mình cũng có suy nghĩ rằng vì thi IQ nên ôn làm gì cho mệt, IQ là hằng số, ôn thì cũng thế. Và thực tế chứng minh ngược lại! Ôn sẽ làm bạn có kĩ năng, kinh nghiệm và giải nhanh hơn rất nhiều. Đừng lười, cố gắng làm hết, đừng bỏ sót câu nào.

Đối với dạng 1, các bạn nên tìm các sách, tài liệu GMAT để luyện làm. Trong khi làm bài thi, tuyệt đối không được dùng máy tính, vậy nên khi ôn các bạn cũng làm tương tự. Vứt cái máy tính ở xa một góc hoặc cho vào hòm khóa lại. Khi tìm tài liệu, hầu hết là viết bằng tiếng Anh. Đừng sợ, các bạn cứ bình tĩnh tra từ điển, nó chỉ có một vài từ rồi lặp đi lặp lại trong câu hỏi thôi. Hơn nữa việc học tiếng Anh ngay trong khi ôn thi tuyển sinh sẽ giúp các bạn nâng cao vốn tiếng anh, khi học tiếng anh dự bị có thể đạt được level khá cao, tiết kiệm một số tiền khá lớn. Dạng đề này không hề khó, chỉ cần bạn vượt qua được các bài toán cấp 2 bao gồm các phép cộng, trừ, nhân, chia, lấy căn, lũy thừa, phân số, hình học cơ bản là có thể giải được. Các đáp án thường là các số đặc biệt, tròn nên khá dễ để khoanh vùng đáp án. Mới đầu làm có thể bạn còn làm chậm, nhưng cứ từ từ, luyện nhiều, làm nhiều thì càng nhiều exp, skill ngày càng cao. Thậm chí có lúc bạn chỉ cần nhìn đề là biết ngay đáp án như nào.Nhưng cái cần thiết nhất là tính toán thật nhanh, càng nhẩm nhanh bạn càng nắm chắc cơ hội vào trường, thậm chí học bổng ;;)

Đối với dạng 2, các bạn nên tìm sách, tài liệu GRE. Tài liệu này cũng nhan nhản trên mạng, cứ gõ từ khóa GRE test là bạn down dược hàng GB. Dạng này theo mình là khó nhất, bạn phải nắm được các dữ kiện và suy luận. Dạng này ít tính toán hơn GMAT, chủ yếu là xét các mối liên quan, điều kiện cần và đủ để chọn cho phù hợp.

Đối với dạng 3, các bạn có thể tìm trong tài liệu LSAT. Nhớ là LSAT chứ không phải là SAT nhé. Dạng này thường có 1 câu hỏi lớn và chia ra làm nhiều câu hỏi liên quan. Kinh nghiệm của mình là bạn lấy 1 tờ nháp, vẽ tất cả các mối liên quan, các kí hiệu dữ kiện lên đó. Các kí hiệu, mối liên quan thì các bạn nên tự đặt cho dễ nhớ. Khi có biến cố nào thì làm tương tự. Ví dụ bác sĩ B không thể chăm sóc bệnh nhân C thì gạch ngay một mũi tên giữa 2 bên đi. Trên mạng có rất nhiều tip & trick, bạn có thể tìm thấy nhiều cách để vượt qua.

Khi làm bài nhớ chú trọng thời gian, câu nào khó, đánh dấu, bỏ đó, tí nữa quay lại…. random. Thời gian 120 phút tưởng dài, nhưng phải làm 90 câu, trong 10 ~ 15 tờ giấy thì có lúc làm bạn phát hoảng đấy. Làm thì tốt nhất, làm đến đâu, tô đến đấy, đừng đánh dấu vào đề kẻo đến cuối giờ lại không kịp tô, các giám thị FPT ác lắm,khắt khe từng giây một cơ.

Tùy theo các bạn cảm nhận mà làm phần dễ trước, phần khó sau. Khi mình làm, mình thấy tốc độ làm bài của mình cao nhất khi làm thứ tự Dạng 1 -> Dạng 3 -> Dạng 2.

Gặp các câu khó quá, tất nhiên không được bỏ mà phải sử dụng kĩ năng random như đã nói ở trên. Nhưng trước khi sử dụng kĩ năng này bạn phải khoanh vùng đáp án, đừng dùng linh cảm đáp án đúng mà dựa trên cơ sở của bài toán. Ví dụ đề ra là tính phép tính ((23487+ 23475 – 4324) – 4 ) X 20 thì đừng dại chọn các đáp án là số lẻ, các đáp án không có tận cùng là 0. Sau khi khoanh vùng, chỉ còn 2 hoặc 3 đáp án thì giờ đây việc random sẽ có cơ hội cao hơn. Cách random thì chăc mình không cần phải chia sẻ nhỉ, quay bút, đếm giờ, oản tù tì 2 tay thì cứ sử dụng thoải mái, cái chính là phải nhanh.

Làm nhiêu đề, nhiều dạng bạn gặp phải một trường hợp hết sức hài hước. Đó là câu hỏi trùng lặp nhau ở các bộ đề khác nhau. Có khi làm đề thi thật, bạn sẽ gặp lại từ 20 – 30% số câu mình đã làm rồi.

Một số thông tin bên lề:

Các thông tin tuyển sinh bạn có thể lên trang chủ daihoc.fpt.edu.vn để tham khảo.

Đề mẫu của trường bạn có thể tìm ở trang chủ, đề cũng dễ thôi, cũng gần sát với đề thi thật.

Đối với các bạn chuyên ngành Kinh tế thì sẽ thi dạng EQ, dạng này mình chưa thử qua nên không biết gì nhiều để giới thiệu.

Và cuối cùng, khi đi thi, nhớ làm quen ngay với các bạn cùng thi nhé, rất có thể sau này sẽ thành đồng môn đấy!!!!

Vũ Công Thành – sinh viên Khóa 7 Đại học FPT (Đạt học bổng 100% trong kỳ thi tuyển sinh đầu vào Đại học FPT năm 2011)