Năm qua, nhiều “Cóc ao làng FE” có cơ hội ra nước ngoài học tập, làm việc. Bước vào cuộc sống toàn cầu, họ đã làm quen và cảm nhận về môi trường mới ấy như thế nào? Trong những ngày cuối năm 2017, hãy theo chân Cóc Đọc khám phá những câu chuyện thú vị về cuộc sống, công việc, học tập của các bạn Cóc ở nước ngoài nhé.
Cựu sinh viên Trương Trung Anh, 24 tuổi, chuyên ngành Kỹ sư cầu nối và hiện đang làm Lập trình viên đã bộc bạch chia sẻ: “Theo anh khái niệm toàn cầu hoá hiện nay không còn quá mới lạ, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Toàn cầu hoá hay cuộc sống toàn cầu là một xu thế tất yếu của xã hội. Hiện nay hầu như các nước đều đang cố gắng mở rộng hợp tác với thế giới. Không chỉ người Việt Nam đi nước ngoài nhiều hơn mà người nước ngoài đến Việt Nam cũng nhiều hơn.”
Trung Anh là cựu sinh viên ngành SE, ĐH FPT và hiện đang học tập tại Nhật Bản
Anh thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Cuộc sống toàn cầu hay toàn cầu hoá (theo ý hiểu của anh) đều có những mặt lợi và hại riêng. Về mặt ích lợi, thì có thể thấy rõ ràng đó là những cơ hội để chúng ta có thể đặt chân ra ngoài lãnh thổ, phát triển khả năng, nâng cao tầm vóc… Tuy nhiên đi kèm với nó là những cạnh tranh, những hạn chế do sự khác biệt trên nhiều mặt. Nhưng cá nhân anh cho rằng, cần phải chấp nhận những thử thách của việc toàn cầu hoá để có thể phát triển. Một chú (cóc) nếu chỉ ở dưới đáy giếng thì mãi vẫn nghĩ rằng bầu trời chỉ to bằng miệng giếng mà thôi.”
Vẫn với chuyên ngành hẹp JS – Kỹ sư cầu nối nhưng có ai tò mò trước những suy nghĩ của một cô gái theo học Công nghệ?
Chị Ngô Hoàng Lan, sinh viên K10 cũng “phát biểu” về toàn cầu: “Hmm, chị nghĩ là việc học tập và làm việc ở xứ người chắc chắn là việc không dễ dàng rồi nè. Sống xa người thân bạn bè, ti tỉ thứ đều phải tự mình lo liệu đối phó, khó khăn thì nhiều, nhất là khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ này kia.”
Cuối năm 2017, Hoàng Lan đã vượt qua vòng phỏng vấn để trở thành nhân sự của Tập đoàn Scala (Nhật Bản)
Không dừng lại ở đó, “toàn cầu” trong suy nghĩ của chị không chỉ “toàn khó khan” như thế: “Nhưng mà ông bà bảo rồi, cái khó ló cái khôn, phải chịu như thế thì mới phát triển được bản thân về mọi mặt. Mình đi tới những nước phát triển hơn thì mới học hỏi được nhiều về cách làm việc, cách sống, tích lũy được kinh nghiệm, có thêm nhiều mối quan hệ với bạn bè từ nhiều nước khác nhau các thứ. Chị nghĩ là dù sao thì cũng nên đi nước ngoài ít nhất một lần để mở rộng tầm nhìn.”
Chị còn vui vẻ kể thêm: “Với cả bây giờ ở đâu thì cũng có cộng đồng người Việt mình cả, có gì đồng hương giúp đỡ nhau làm quen các thứ chắc cũng sớm ổn cả thôi” (cười)
Toàn cầu trên quan điểm cá nhân của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng có vẻ “toàn cầu” khiến giới trẻ thật thích thú hơn biết bao nhiêu. Một người đã và đang làm việc tại nước ngoài thì sẽ cảm nhận như thế nào nhỉ?
“Wao anh chưa từng nhận được câu hỏi như thế này bao giờ. Khi mới sang đây anh có gặp chút khó khăn về ngôn ngữ vì có khá nhiều người đến từ khắp nơi: Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ, Malay… Một thời gian làm việc cùng, đi chợ mua đồ, luyện tập thêm rồi mới quen được. Công việc cũng có khá nhiều áp lực nhưng với anh thì rất hứng thú. Môi trường sống ở đất nước Singapore thì rất là trong lành không bụi và ô nhiễm nên cũng khiến mình luôn cảm thấy thoải mái hơn sau mỗi giờ làm, cuối tuần thì anh hay đi đạp xe đến các địa điểm mới, bên này có hệ thống đường dành riêng cho đạp xe và chạy bộ rất là đẹp. Nhìn chung thì theo anh điều quan trọng nhất khi ở bất kỳ đâu vẫn là ngôn ngữ và mình phải luyện tập để thích nghi với những điều mới thật nhanh.” Đó là một “cóc” đã đi ra khỏi “ao làng” – anh Nguyễn Tiến Mạnh, cựu sinh viên ngành Software Engineering, hiện anh đang làm việc cho Starhub ở Singapore chia sẻ.
Tiến Mạnh đang làm việc tại Singapore sau khi tốt nghiệp ĐH FPT
Anh cũng tâm sự thêm: “Anh cũng chưa được đi chưa nhiều nơi, cũng chỉ tìm hiểu qua Internet nên chưa có nhiều trải nghiệm chính xác. Sống ở đâu trên thế giới thì chúng ta cũng phải chuẩn bị cho mình kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa, luôn sẵn sàng để trải nghiệm. Cuộc sống toàn cầu sẽ mang lại cho chúng ta cơ hội học tập và phát triển nhanh nhất.”
Khép lại năm 2017 với nhiều trải nghiệm khó quên, Cóc Đọc xin chúc các bạn “Cóc ao làng FE” có một năm mới với nhiều thành công mới, ở cả ao làng của mình và biển lớn nhà người ta.
Theo Cóc đọc